Sở xây nhà máy nước sạch tiền tỷ giao huyện, huyện 'không xài' gần 10 năm… rồi giao ngược về Sở

Dũ Tuấn Thứ bảy, ngày 10/12/2022 19:30 PM (GMT+7)
Nhà máy nước sạch Vân Canh (đặt tại huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) đầu tư với số vốn hơn 7 tỷ đồng, được đưa vào khai thác từ tháng 1/2013 nhưng hoạt động cầm chừng không được bao lâu thì “đắp chiếu”, gây lãng phí.
Bình luận 0

Sở giao huyện, huyện "xài" không xong lại giao về Sở

Ngày 10/12, Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII bước sang phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Được đầu tư kinh phí xây dựng hơn 7 tỷ đồng, nhà máy nước sạch ở huyện miền núi Vân Canh hoạt động cầm chừng rồi bỏ hoang gần 10 năm nay.

Công trình Nhà máy nước sạch Vân Canh do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư, xây dựng từ năm 2012, tổng cộng hơn 7 tỷ đồng.

Công trình được kỳ vọng giải quyết "bài toán" thiếu nước sạch sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân ở thị trấn Vân Canh. Thế nhưng sau khi đưa vào hoạt động từ tháng 1/2013 đến nay, công trình chỉ hoạt động èo uột được 2 năm rồi "đắp chiếu".

Giải trình trách nhiệm về công trình Nhà máy nước sạch Vân Canh xây dựng tốn tiền tỷ lại hoạt động không hiệu quả, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc cho biết, hệ thống nước sạch huyện Vân Canh có 3 hạng mục công trình.

Trong đó, Sở này được giao thực hiện hàng mục Nhà máy xử lý nước sạch, riêng 2 hạng mục còn lại do UBND huyện Vân Canh đầu tư và vận hành.

Sở xây nhà máy nước sạch tiền tỷ giao huyện, huyện 'không xài' gần 10 năm… rồi giao ngược về Sở - Ảnh 1.

Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc. Ảnh: Dũ Tuấn.

Sau khi xây dựng đầu tư xong, năm 2013, Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tính toán giá nước sử dụng là 5.400 đồng/m3, lúc này người dân ở Vân Canh chỉ sử dụng nước sinh hoạt giá 700 đồng/m3 nên đề nghị công trình này, thu bằng với giá nước sinh hoạt.

"Sau khi các Sở ngành họp lại và báo cáo UBND tỉnh thì UBND tỉnh thống nhất giao UBND huyện Vân Canh vận hành cấp nước, nhưng công trình vận hành chưa được 4 tháng thì dừng. Trách nhiệm trước hết đơn vị vận hành, Sở NNPTNT tỉnh có trách nhiệm khi không nắm bắt kịp thời để giải quyết sớm vấn đề", ông Phúc nhìn nhận.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định đã làm việc, đánh giá hiện trạng và nhận lại công trình này, giao cho Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn vận hành.

"Chúng tôi cam kết khắc phục nhà máy, đi vào hoạt động đầu năm 2023", ông Phúc nói.

Sở xây nhà máy nước sạch tiền tỷ giao huyện, huyện 'không xài' gần 10 năm… rồi giao ngược về Sở - Ảnh 2.

Nhà máy nước sạch Vân Canh (đặt tại huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định). Ảnh: Dũ Tuấn.

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho rằng, phải có giải pháp hợp lý, giá cả phù hợp để đưa nhà máy đi vào hoạt động hiệu quả.

"Công trình xong Sở giao UBND huyện vận hành, huyện vận hành không được lại giao về Sở. Nếu hiện tại Sở nhận lại mà tiếp tục vận hành không được thì chẳng lẽ lại bàn giao lại cho huyện. Vì vậy, cần giải pháp rốt ráo vấn để, đảm bảo đưa nhà máy đi vào hoạt động", ông Dũng đặt vấn đề.

Lấn chiếm đất đai, xây dựng không phép… "mọc như nấm"

Các đại biểu quan tâm đến tình trạng lấn chiếm đất đai, xây nhà trái phép đang diễn ra rất phức tạp trên địa bàn tỉnh, nhất là ở địa bàn Khu kinh tế tỉnh Bình Định, dọc các tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu, đường ven biển của tỉnh.

Đại biểu và cử tri đề nghị giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định nêu rõ trách nhiệm thuộc về ai và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Ông Lê Văn Tùng – Giám đốc Sở TNMT tỉnh Bình Định cho biết, liên quan đến việc quản lý và sử dụng đất đai dọc tuyến đường Quy Nhơn – Sông Cầu, Sở này đã thành lập Tổ kiểm tra, trong đó có 47 trường hợp sử dụng đất vi phạm lấn chiếm đất, sử dụng không đúng mục đích, xây dựng công trình, vật kiến trúc trái phép, các trường hợp này thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP. Quy Nhơn. "Ngày 8/12, các cơ quan của thành phố đã tổ chức tháo dỡ 4 trường hợp và hiện nay tiếp tục thực hiện", ông Tùng nói.

Sở xây nhà máy nước sạch tiền tỷ giao huyện, huyện 'không xài' gần 10 năm… rồi giao ngược về Sở - Ảnh 3.

Đại biểu Lê Thanh Tùng (TX An Nhơn) chất vấn vấn đề thiếu nước sạch nông thôn. Ảnh: Dũ Tuấn.

Để chấn chỉnh và ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định đã phối hợp của các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh có các văn bản chỉ đạo giao các địa phương tăng cường công tác quản lý đất đai, ngăn chặn lấn chiếm đất đai, xây dựng nhà trái phép tại các địa phương có các công trình giao thông trọng điểm (Đường ven biển, đường Cao tốc Bắc – Nam...).

Riêng đối với khu vực có đường Cao tốc Bắc – Nam, tạm dừng việc giải quyết thủ tục hành chính, không công chứng, chứng thực mua bán, chuyển nhượng đất đai, chia tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất (Văn bản số 2024/UBND-KT ngày 19/4/2022 của UBND tỉnh) và Sở Tư pháp có Công văn số 309/STP-HC&BTTP ngày 30/3/2022 về việc không thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng giao dịch chuyển nhượng QSDĐ trong khu vực hướng tuyến Đường bộ Cao tốc Bắc – Nam đi qua địa bàn tỉnh.

Trong khi đó, theo ông Đặng Vĩnh Sơn - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định, từ năm 2018, khi các dự án trên địa bàn Khu kinh tế Nhơn Hội xây dựng và hoạt động (nhất là các dự án du lịch, dịch vụ và bất động sản), tình trạng mua, bán, lấn, chiếm và xây dựng trái phép trên địa bàn của khu kinh tế diễn ra rất phức tạp. Ban đã phối hợp với các địa phương vận động và cưỡng chế tháo dỡ 95 trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, hiện tại Khu kinh tế Nhơn Hội vẫn còn 53 trường hợp vi phạm ở các xã Cát Chánh, Cát Tiến (huyện Phù Cát), Phước Hòa (huyện Tuy Phước), Nhơn Hội (TP.Quy Nhơn) chưa được xử lý dứt điểm.

Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định cho rằng, có nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do công tác quản lý đất đai, xây dựng của các địa phương còn lỏng lẻo, xử lý chưa kịp thời, thiếu kiên quyết. Công tác phối hợp giữa Ban quản lý Khu kinh tế Bình Định với các địa phương trong phát hiện, xử lý còn hạn chế.

Sở xây nhà máy nước sạch tiền tỷ giao huyện, huyện 'không xài' gần 10 năm… rồi giao ngược về Sở - Ảnh 4.

Công trình xây dựng trên đất lâm nghiệp ở phường Ghềnh Ráng. Ảnh: Dũ Tuấn.

Ông Lê Văn Tùng – Giám đốc Sở TNMT tỉnh Bình Định thừa nhận, tại một số địa phương đã xảy ra trình trạng khai thác cát trái phép trên các con sông và khu vực ven biển trong Khu Kinh tế Nhơn Hội, các xã ven biển huyện Phù Cát và huyện Phù Mỹ.

Các địa phương đã vào cuộc kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp vi phạm nhưng một số trường hợp vẫn cố tình vi phạm (khai thác trong ngày nghỉ thứ 7, Chủ nhật, ngày lễ và ban đêm).

Ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định yêu cầu, Giám đốc Sở TNMT quan tâm chấn chỉnh những tình trạng nổi cộm cử tri phản ánh về lấn chiếm đất, xây nhà trái phép, không để tái diễn.

"Ngoài ra việc mua bán cát, cấp 1 nhưng khai thác đến 5,7 không ai biết. Cấp mỏ xong rồi cán bộ về ngồi ở trụ sở không xuống mỏ, vì vậy Giám đốc Sở phải có biện pháp khắc phục, để đại biểu HĐND cùng giám sát", ông Dũng yêu cầu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem