Sóc Trăng: Nông dân nuôi tôm "cuốn chiếu" thế nào mà năm nay thu được 990 triệu USD?

Thứ sáu, ngày 21/01/2022 19:04 PM (GMT+7)
Vụ nuôi tôm năm 2021 tại Sóc Trăng đã thành công rực rỡ cả về năng suất, sản lượng và tôm nuôi thiệt hại thấp. Điều này góp phần tăng lợi nhuận cho người nuôi tôm và đem về nguồn ngoại tệ cho Sóc Trăng nhờ kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ đạt hơn 990 triệu USD.
Bình luận 0

Nông dân nuôi tôm "cuốn chiếu" thế nào mà năm nay thu được 990 triệu USD?

Nuôi tôm nước lợ được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của Sóc Trăng, chủ lực là tôm sú và tôm thẻ. Theo đó, diện tích thả nuôi tôm trong năm 2021 của tỉnh là 53.000ha, sản lượng hơn 189.700 tấn. 

Để nghề nuôi tôm phát triển bền vững, trong nhiều năm qua, người nuôi tôm đã chuyển từ cách nuôi truyền thống sang nuôi tôm công nghệ cao nên năng suất, sản lượng tăng lên đáng kể; tỷ lệ tôm nuôi thiệt hại thấp...

Có được kết quả trên là do trong quá trình nuôi, người dân và các doanh nghiệp đã áp dụng khoa học kỹ thuật và tuân thủ đúng lịch thả nuôi tôm mà ngành chuyên môn khuyến cáo. Qua đó, trong vụ nuôi tôm năm 2021 đã thành công rực rỡ cả về năng suất, sản lượng và tôm nuôi thiệt hại thấp.

Vụ nuôi tôm thắng lợi rực rỡ đã góp phần tăng lợi nhuận cho người nuôi tôm và đem về nguồn ngoại tệ cho tỉnh nhà thông qua kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ đạt hơn 990 triệu USD.

Sóc Trăng: Nông dân nuôi tôm "cuốn chiếu" thế nào mà năm nay thu được 990 triệu USD? - Ảnh 1.

Vụ nuôi tôm nước lợ năm 2021 của tỉnh Sóc Trăng thắng lợi cả về năng suất và sản lượng. Ảnh: TL

Thông tin về mùa vụ nuôi tôm của gia đình, anh Lâm Thanh Phong, khóm Bưng Tum, phường Khánh Hòa, TX. Vĩnh Châu (Sóc Trăng) phấn khởi chia sẻ: “Thời tiết trong vụ nuôi tôm nước lợ năm 2021 khá thuận lợi nên tôm nuôi phát triển tốt. Đặc biệt là tôi tuân thủ đúng lịch thả nuôi của ngành chuyên môn khuyến cáo nên đã giúp vụ tôm thành công". 

Cũng theo anh Phong, gia đình anh đã chuyển toàn bộ diện tích 3ha tôm nuôi ao đất sang nuôi ao bạt nên đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Nhờ đó, tôm nuôi phát triển tốt, năng suất bình quân một ao 1.300m2 đạt 5 tấn/vụ, sản lượng tôm nuôi thu về hàng năm tầm 30 - 45 tấn/3 ao nuôi. 

"Tôi thường thả nuôi từ 2 - 3 vụ nuôi/năm, nuôi tôm đạt size lớn đúng theo kích cỡ như mong muốn, qua đó tăng lợi nhuận khi thu hoạch xuất bán tôm ra thị trường…” - anh Phong cho biết. 

Theo thông tin từ ngành chuyên môn, mùa vụ nuôi tôm năm 2021 của tỉnh Sóc Trăng thành công về diện tích, sản lượng. Đặc biệt là tỷ lệ thiệt hại tôm nuôi ở mức khoảng 6% - đây được xem là tín hiệu tốt trong công tác chỉ đạo sản xuất và phòng, chống dịch bệnh. 

Bên cạnh đó, việc thả nuôi tôm đã được người dân bố trí theo mô hình thả "cuốn chiếu", áp dụng các quy trình kỹ thuật tiến bộ, chú trọng công nghệ, nâng cao năng suất, an toàn thực phẩm nên đã góp phần hạn chế được thiệt hại. Đồng thời, thông tin về giá cả thị trường, quan trắc môi trường, dịch bệnh cảnh báo kịp thời cho vùng nuôi. 

Việc tuyên truyền đã tác động hiệu quả đến người nuôi, diện tích ao đất thả nuôi mật độ thưa hơn do áp lực của giá các yếu tố đầu vào tăng, giá tôm giảm, người nuôi ao đất nắm bắt được thông tin nên đã tính toán được là phải giảm mật độ nuôi, để tôm tăng kích cỡ. Đây là một trong những yếu tố góp phần lớn cho vụ nuôi tôm thắng lợi trong năm.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quách Thị Thanh Bình, trong năm 2021, diện tích thả nuôi tôm nước lợ toàn tỉnh 53.000ha, vượt gần 4% kế hoạch, tăng gần 2,5% so cùng kỳ, trong đó tôm thẻ chân trắng 40.000ha và tôm sú 13.000ha. Diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh hơn 93%, sản lượng tôm nuôi đến cuối năm 2021 hơn 189.700 tấn, vượt hơn 6% so kế hoạch, tăng gần 2,5% so cùng kỳ. 

Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm 2021, giá tôm luôn ở mức cao so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đến tháng 7 giá tôm giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng vào cuối tháng 8 trở về sau, giá tôm nguyên liệu bắt đầu tăng trở lại nên đã tạo động lực để người nuôi tôm phát triển. 

Song song đó, để mùa vụ nuôi tôm đạt năng suất, chất lượng, đơn vị đã tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật đến người nuôi tôm và tuyên truyền nuôi thủy sản theo quy trình VietGAP, giám sát dịch bệnh vùng nuôi... để khuyến cáo hộ nuôi, đảm bảo việc nuôi tôm nước lợ an toàn suốt các vụ nuôi.

Tiếp nối thắng lợi của vụ nuôi tôm năm 2021, trong năm 2022, kế hoạch thả nuôi tôm nước lợ của tỉnh Sóc Trăng là 51.000ha, sản lượng ước đạt 196.000 tấn (trong đó tôm thẻ chân trắng 171.000 tấn, tôm sú 25.000 tấn). 

Để đạt được kế hoạch của ngành Nông nghiệp tỉnh đề ra, trong vụ nuôi tôm nước lợ năm nay, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã, đơn vị sẽ tập trung hộ nuôi tôm nhỏ lẻ tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm tạo vùng sản xuất nguyên liệu lớn. Liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, gắn thị trường tiêu thụ theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh nhân rộng mô hình nuôi tôm hiệu quả để người dân ứng dụng vào sản xuất. 

Tiếp tục thực hiện công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh, đặc biệt ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác quan trắc cảnh báo môi trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, nhằm kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh hàng hóa không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm…”.


Thúy Liễu (Báo Sóc Trăng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem