Sóc Trăng: Trúng lớn vụ tôm nước lợ 2020, Chủ tịch UNDN tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp điều gì?

Thứ tư, ngày 27/01/2021 18:55 PM (GMT+7)
Riêng đối với con tôm, nhất là tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng đã quy hoạch vùng nuôi tại các địa phương và phát triển các mô hình nuôi tôm hiện đại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng tôm nuôi và liên kết doanh nghiệp bao tiêu tôm thương phẩm sau thu hoạch...
Bình luận 0

Đảm bảo vụ tôm nuôi thành công

Theo thống kê của ngành chuyên môn, vụ tôm nuôi nước lợ năm 2020, tỉnh Sóc Trăng thả nuôi hơn 51.400ha, trong đó tôm thẻ chân trắng hơn 37.000ha (chiếm 72% diện tích thả nuôi), tôm sú hơn 14.300ha, mùa vụ bắt đầu từ ngày 20-1-2020 và kết thúc vào ngày 30-9-2020. 

Sóc Trăng: Trúng lớn vụ tôm nước lợ 2020, Chủ tịch UNDN tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp điều này - Ảnh 1.

Vụ nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng thắng lớn, vượt 12% kế hoạch. Ảnh: THÚY LIỄU

Theo đó, diện tích nuôi tôm nước lợ thâm canh và bán thâm canh chiếm hơn 94% và trong suốt mùa vụ nuôi.

Tỷ lệ diện tích tôm nuôi bị thiệt hại dưới 10%, năng suất năm 2020 ở mức trung bình cao hơn so cùng kỳ các năm trước nhờ người dân ý thức trong việc chọn con giống, cải tạo ao nuôi kỹ trước vụ nuôi, áp dụng các mô hình nuôi tôm lót bạt, nuôi tôm 2, 3 giai đoạn, đặc biệt hộ nuôi tuân thủ lịch mùa vụ. 

Nhờ đó, tôm nuôi được đảm bảo và phát triển tốt nên sản lượng tôm sau thu hoạch đạt với tổng sản lượng ước hơn 187.000 tấn, vượt 12% kế hoạch, cao hơn 24% so cùng kỳ năm 2019.

Để vụ nuôi tôm 2020 thành công, ngành nông nghiệp đã triển khai hàng loạt các kế hoạch trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. 

Theo đó, ngành chú trọng việc xây dựng khung lịch mùa vụ thả nuôi phù hợp cho từng địa phương, xây dựng các mô hình trình diễn nhằm khuyến cáo cũng như đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để hộ dân học hỏi làm theo.

Đặc biệt là thanh tra, kiểm tra vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản, kiểm tra chất lượng con giống nhập tỉnh và quan trắc môi trường nước, dịch bệnh tại các vùng nuôi nhằm kiểm soát tốt môi trường nước để từ đó đưa ra các khuyến cáo kịp thời cho người nuôi.

Khâu quan trọng góp phần cho vụ tôm đạt kết quả tốt là kỹ thuật nuôi tôm. Vì vậy ngành nông nghiệp chỉ đạo đơn vị liên quan tổ chức hàng trăm lớp tập huấn về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và các cuộc hội thảo.

Các hội thảo với sự góp mặt của các nhà khoa học đến từ các viện, trường nhằm giải đáp các thắc mắc của hộ nuôi tôm về vấn đề dịch bệnh gặp phải trên tôm và nêu các giải pháp hữu hiệu phòng trừ các loại dịch bệnh thường gặp trên tôm.

Điều này giúp hộ nuôi phòng ngừa tốt các loại dịch bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại tôm nuôi tại hộ.

Tiếp nối thắng lợi cho vụ tôm nuôi năm 2021

Trên cơ sở thành công vụ tôm nuôi nước lợ năm 2020, tỉnh Sóc Trăng triển khai kế hoạch năm 2021 với diện tích thả nuôi tôm là 51.000ha, sản lượng 172.000 tấn. 

Qua đó, để đạt và vượt kế hoạch tỉnh Sóc Trăng đề ra về diện tích và sản lượng tôm nuôi nước lợ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Ngọc Nhã nêu một số giải pháp, như: Ngành nông nghiệp sẽ tổ chức lại sản xuất tôm nuôi nước lợ theo hướng tập trung, gắn với thị trường tiêu thụ; củng cố và thành lập mới các hợp tác xã, tổ hợp tác để tập trung những hộ nuôi nhỏ lẻ với nhau.

Cần tạo ra sản lượng tôm nuôi lớn cùng kích cỡ, chất lượng thuận lợi trong khâu liên kết với công ty, doanh nghiệp phục vụ thị trường xuất khẩu.

Cần quản lý tôm nuôi theo khung lịch mùa vụ, xây dựng các mô hình trình diễn thí điểm để người nuôi áp dụng các mô hình nuôi hiệu quả phù hợp tình hình thực tế địa phương…

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp các ngành, các địa phương tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, về: thủy lợi, điện nhằm phục vụ vùng nuôi tôm của tỉnh; xây dựng khung lịch thời vụ hợp lý cho từng vùng, phối hợp địa phương bám sát vùng nuôi....

Ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng cần theo dõi chặt chẽ tình hình nuôi tôm trên địa bàn tỉnh để hạn chế diện tích thiệt hại; hướng dẫn hộ nuôi tôm thực hiện quy trình kỹ thuật được tổng kết từ các mô hình thành công.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin đầy đủ về tình hình dịch bệnh, hướng dẫn người nuôi không sử dụng các loại thuốc hóa chất trong phòng bệnh, chỉ sử dụng thuốc hóa chất có trong danh mục được phép lưu hành…

Sóc Trăng là tỉnh chuyên về sản xuất nông nghiệp, với 3 vùng nước ngọt, lợ, mặn nên phát triển đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi. Để phát triển kinh tế nông nghiệp, tỉnh xác định cây lúa, con tôm là kinh tế mũi nhọn.

Riêng đối với con tôm, tỉnh đã quy hoạch vùng nuôi tại các địa phương và phát triển các mô hình nuôi tôm hiện đại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng tôm nuôi và liên kết doanh nghiệp bao tiêu tôm thương phẩm sau thu hoạch...

Với việc quy hoạch vùng nuôi, lịch xuống giống phù hợp cùng việc chuyển giao khoa học kỹ thuật đến hộ nuôi nên đã khống chế tỷ lệ tôm nuôi thiệt hại dưới 10%. Qua đó, vụ nuôi tôm nước lợ năm 2020, tỉnh Sóc Trăng thắng lớn, sản lượng tôm đạt hơn 187.000 tấn, vượt 12% kế hoạch.

Thúy Liễu (Báo Sóc Trăng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem