“Soi” sức khỏe các doanh nghiệp thủy sản cuối năm

Quốc Hải Thứ tư, ngày 07/12/2016 16:54 PM (GMT+7)
Những cái tên quen thuộc trong ngành thủy sản như Minh Phú, Hùng Vương, Vĩnh Hoàn... đã có một năm kinh doanh đầy khó khăn. Ngoài ảnh hưởng bởi yếu tố thị trường, biến đổi khí hậu khiến sản lượng nguồn thủy sản giảm,... gánh nặng nợ vay lớn là nguyên nhân chủ yếu đang “bào mòn” sức khỏe của nhiều doanh nghiệp.
Bình luận 0

img

Nhiều doanh nghiệp thủy sản đang có gánh nặng nợ vay. (Ảnh minh họa)

Gánh nặng nợ vay

Dẫn đầu trong các doanh nghiệp (DN) thủy sản có gánh nặng nợ vay là Công ty Thủy sản Hùng Vương với bình quân mỗi ngày phải trả tới 1,3 tỷ đồng lãi vay.

Theo báo cáo tài chính của đơn vị này, tính tại thời điểm cuối tháng 9.2016, Hùng Vương có dư nợ vay ngắn hạn 7.583 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vay ngắn hạn ngân hàng và 410 tỷ đồng trái phiếu đến hạn. Cụ thể, có tới 13 ngân hàng “nặng nợ” với Hùng Vương với những cái tên khá quen thuộc như: BIDV cho vay 3.015 tỷ đồng; Vietcombank cho vay 1.318 tỷ đồng. Đây cũng là 2 ngân hàng cho Hùng Vương vay USD nhiều nhất với khoảng 77,55 triệu USD (khoảng 1.732 tỷ đồng) tính đến thời điểm cuối tháng 9.2016.

Về vay dài hạn, Hùng Vương cũng đang vay BIDV và VIB gần 600 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty có phát hành trái phiếu gần 500 tỷ đồng cho các ngân hàng BIDV, VIB, TPB.

Chính bởi vay nợ lớn nên trong độ tài chính từ 1.10.2015 đến 30.9.2016, Hùng Vương phải gánh 474 tỷ đồng tiền lãi vay, cùng với chi phí lỗ chênh lệch tỷ giá lên tới 72 tỷ đồng…

Cũng đang gánh lãi vay không nhỏ là Công ty CTCP Thực phẩm Sao Ta. Báo cáo tài chính của DN này cho thấy dư nợ vay ngắn hạn của công ty tại thời điểm 30.9.2016 đạt 903 tỷ đồng, bao gồm nợ vay bằng USD là 15 triệu USD, tương đương 335 tỷ đồng. Chính vì vậy, tình hình USD đang tăng giá so với VND trong hiện tại chắc chắn sẽ khiến công ty phải ghi nhận lỗ từ chênh lệch tỷ giá trong quý 4 này.

Về vay dài hạn, Hùng Vương cũng đang vay BIDV và VIB gần 600 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty có phát hành trái phiếu gần 500 tỷ đồng cho các ngân hàng BIDV, VIB, TPB.

Tuy nhiên, “choáng” nhất và khiến các nhà đầu tư ngỡ ngàng nhất vẫn là Công ty Thủy sản Minh Phú. Từ sau khi xin rút khỏi niêm yết trên thị trường chứng khoán từ đầu tháng 4 năm 2015, những thông tin về DN này xuất hiện khá ít trên thị trường. Tuy nhiên, khoản lỗ tỷ giá mà DN này công bố với cổ đông trong năm 2015 lên tới con số hơn 200 tỷ đồng cũng đủ để nhà đầu tư phần nào hiểu được những khoản nợ “khủng” của DN này.

Ngoài ra, thị trường tôm giống bát nháo thời gian gần đây cũng gây ảnh hưởng không nhỏ cho Minh Phú khi giá tôm trôi nổi trên thị trường chỉ dao động từ 10-20 đồng/con, trong khi DN nhập tôm giống về phải bán 75 đồng/con mới bù chi phí.

Còn tại Công ty Thủy sản Vĩnh Hoàn, tính tại thời điểm 30.9, Vĩnh Hoàn không có khoản nợ vay bằng ngoại tệ nào. Vì thế tỷ giá dao động sẽ không ảnh hưởng nhiều lên các khoản nợ của công ty. Song theo đánh giá của một số công ty chứng khoán, việc thị trường xuất khẩu chính của Vĩnh Hoàn là Hoa Kỳ (chiếm khoảng 60%) đã khiến Vĩnh Hoàn đang đối mặt với 2 khó khăn là thuế chống bán phá giá cá tra và Đạo luật Farmbill của đất nước này.

Kỳ vọng lớn vào năm 2017

Bên cạnh những khó khăn của năm 2016, nhiều DN thủy sản cũng đang có nhiều tín hiệu tốt để kỳ vọng trong năm 2017.

Trong đó, phải kể đến là vụ “thắng kiện” của Công ty Thủy sản Minh Phú. Theo kết luận từ phía cơ quan quản lý của Mỹ cho thấy Công ty CP thủy sản Minh Phú có biên độ phá giá bằng 0% và được đưa ra khỏi diện áp thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ. Một phần thuế chống bán phá giá mà Minh Phú tạm nộp trong những năm trước đây sẽ được hoàn lại với con số hàng triệu USD. Ngoài ra, mảng gelatin  và collagen (phụ phẩm sản xuất từ da cá basa) của Minh Phú cũng bắt đầu phát sinh doanh thu trong năm nay.

img

Nhiều DN thủy sản cũng đang có nhiều tín hiệu tốt để kỳ vọng trong năm 2017. (Ảnh: I.T)

Trong khi đó, tại Vĩnh Hoàn, DN này hiện đang có hai nhà máy sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng gồm: Nhà máy tại Tiền Giang sản xuất các sản phẩm “ăn liền” và “nấu liền” với các dây chuyền tẩm bột, nướng cá và Nhà máy tại Đồng Tháp với các dây chuyền tẩm bột. Hiện dây chuyền cá nướng với công suất 2.000 tấn/năm đã đi vào hoạt động. Trong năm 2017, dự báo mảng này sẽ đem lại doanh thu 15 triệu USD cho Vĩnh Hoàn nếu dây chuyền này hoạt động hết công suất.

Ngoài ra, Vĩnh Hoàn cũng tạo được niềm tin cho nhà đầu tư khi kết quả kinh quanh 9 tháng đầu năm 2016 cho thấy doanh thu công ty đạt trên 5.560 tỷ đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận ròng tăng 81,5% so với cùng kỳ 2015, đạt 457 tỷ đồng, hoàn thành 130,7% kế hoạch năm đề ra.

Còn tại Công ty CTCP Thực phẩm Sao Ta, trong năm 2017 doanh nghiệp này sẽ có thêm doanh thu từ mảng kinh doanh mới là gia công chế biến. Cụ thể, sau thương vụ thâu tóm công ty TNHH Tin An với giá trị đạt 40 tỷ đồng, Sao Ta đã bỏ ra thêm 60 tỷ đồng để nâng cấp nhà máy phục vụ cho các hoạt động gia công chế biến nên dự kiến doanh thu của công ty sẽ tăng thêm và lợi nhuận sẽ được duy trì ổn định trong các năm tới.

Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (Unido) đã công bố một khảo sát cho thấy, tỉ lệ từ chối các sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào EU trong giai đoạn 2002-2013 đứng đầu là các nước Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan. Lý do bị từ chối liên quan đến dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng và ô nhiễm vi sinh chiếm tới 26% các vụ bị từ chối hàng nhập khẩu. Riêng tại thị trường Nhật Bản, khoảng 30% các vụ từ chối nhập khẩu của đất nước này đối với sản phẩm thủy sản trong giai đoạn này là từ Việt Nam với các lý do tương tự. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem