dd/mm/yyyy

Mộc Châu: Lời giải cho bài toán "Phát triển đối tượng BHXH tự nguyện"

Đã từng lo lắng khó có thể hoàn thành được chỉ tiêu phát triển BHXH tự nguyện được giao. Dù vậy, bằng sự nỗ lực học hỏi, quyết tâm, chỉ trong thời gian ngắn, tuyên truyền viên Lê Thị Hiền, BHXH huyện Mộc Châu đã có ngay lời giải cho bài toán phát triển đối tượng BHXH tự nguyện đến với bà con tiểu thương trên địa bàn.

Đến huyện Mộc Châu (Sơn La) vào một tối trời mưa cuối tuần. Đón tôi là chị Lê Thị Hiền, nhân viên giám định- một tuyên truyền viên về BHXH tự nguyện của BHXH huyện Mộc Châu. Lần đầu gặp mặt, trái với sự hình dung của tôi về một tuyên truyền viên sẽ là người hay nói và hoạt ngôn. Nhưng chị Hiền để lại cho tôi ấn tượng về một người hiền lành, pha chút rụt rè nhưng dễ gần. Ngay sau khi lấy phòng nghỉ xong, tôi tranh thủ cùng chị Hiền dạo ngay một vòng quanh thị trấn Mộc Châu.

BHXH Mộc Châu- Sơn La: Lời giải cho bài toán phát triển đối tượng BHXH tự nguyện của một tuyên truyền viên - Ảnh 1.

Tuyên truyền viên BHXH tự nguyện Lê Thị Hiền- BHXH huyện Mộc Châu.

Vừa đi ngắm đường phố, chúng tôi vừa trò chuyện. Chắc do biết trước tôi là phóng viên báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt/Trang Trại Việt xuống tìm hiểu về công tác BHXH tự nguyện trên địa bàn, nên chị Hiền có phần kiệm lời hơn khi nói về mình.

Khung cảnh đêm ở thị trấn Mộc Châu sau cơn mưa giúp chúng tôi - hai người phụ nữ - trở nên cởi mở hơn. Trong câu chuyện, tôi được chị Hiền cho biết, hiện chị là nhân viên giám định BHXH được phân công làm tại Bệnh viện Mộc Châu. 

BHXH Mộc Châu- Sơn La: Lời giải cho bài toán phát triển đối tượng BHXH tự nguyện của một tuyên truyền viên - Ảnh 2.

"Nhà hàng Tuân Gù" vào đêm mưa- nơi chủ nhà hàng hỗ trợ phí tham gia BHXH tự nguyện cho nhân viên lao động phục vụ tại nhà hàng.

Theo đó, trong nội dung phát động, mỗi công chức, viên chức  BHXH tỉnh Sơn La  (tùy vào vị trí làm việc) đều được giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là 2-5 đối tượng/tháng. Riêng công chức làm công tác tuyên truyền thì chỉ tiêu được giao là 10 đối tượng/tháng.

Với giọng nói nhỏ nhẹ, chị Hiền khiêm tốn chia sẻ: "Tôi đã từng có suy nghĩ,  tôi khó có thể hoàn thành được chỉ tiêu phát triển BHXH tự nguyện được giao. Vì từ trước đến giờ tôi không phải là người giỏi biết cách truyền đạt và bày tỏ suy nghĩ của mình bằng lời nói… Chính vì vậy, tôi lo lắng lắm".

BHXH Mộc Châu- Sơn La: Lời giải cho bài toán phát triển đối tượng BHXH tự nguyện của một tuyên truyền viên - Ảnh 3.

Ngay từ ngày đầu ra quân (ngày 23/5/2020), chị Hiền cùng các đồng nghiệp của BHXH Mộc Châu đã tỏa đi khắp các địa bàn trong huyện để tiếp cận, tuyên truyền, vận động người dân lao động tự do –tham gia BHXH tự nguyện.

Được BHXH tỉnh Sơn La cho biết, chỉ trong thời gian ngắn, từ ngày phát động lễ ra quân 23/5/2020 đến 15/7 (gần 2 tháng sau phát động), với chỉ tiêu được giao phát triển 2 đối tượng /tháng tham gia BHXH tự nguyện, cá nhân chị Lê Thị Hiền đã tuyên truyền, vận động và làm thủ tục trên 50 hồ sơ tham gia BHXH tự nguyện cho người lao động tự do trên địa bàn. Trong đó chủ yếu là đối tượng tiểu thương.

Với thành tích đạt được, chị Hiền cùng các chị Nguyễn Thị Miền, Lê Thị Tình công tác tại BHXH Mộc Châu đã được BHXH tỉnh khen thưởng đột.

Tôi hỏi chị Hiền: Làm cách nào mà kết quả vận động nhân dân, đặc biệt là vận động bà con tiểu thương tham gia BHXH tự nguyện của bản thân chị  đạt được kết quả tốt đến vậy?

Chị Hiền cười và khiêm tốn nói: "Bản thân tôi cũng không nghĩ mình sẽ đạt được kết quả như vậy. Ban đầu, tôi rất lo lắng, không biết làm cách nào để có thể thực hiện đạt chỉ tiêu được giao. Nhưng ngay sau đó, tôi nghĩ rằng, chính những lợi ích an sinh xã hội mà loại hình BHXH tự nguyện đem lại cho người lao động tự do, đã là một ưu thế giúp tôi tiếp cận bà con tiểu thương một cách chân thực và đem lại hiệu quả nhất…".

Với suy nghĩ đó, chị Hiền và các đồng nghiệp đã đem lợi ích của người dân khi tham gia BHXH tự nguyện để phân tích, so sánh với lợi ích của người tham gia bảo hiểm nhân thọ các hãng thương mại khác. Từ đó, tìm ra những mục đích bảo hiểm, ưu điểm khác của từng loại hình bảo hiểm dành cho đối tượng tham gia.

BHXH Mộc Châu- Sơn La: Lời giải cho bài toán phát triển đối tượng BHXH tự nguyện của một tuyên truyền viên - Ảnh 4.

Chị Hiền đến từng cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện Mộc Châu, để tuyên truyền chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước dành cho người lao động tự do khi tham gia BHXH tự nguyện.

Cứ thế, tranh thủ thời gian mọi lúc mọi nơi, chị cùng các đồng nghiệp lại tiếp cận tuyên truyền, vận động tới những người dân lao động tự do. Giúp họ biết đến những chính sách an sinh xã hội ưu việt mà Đảng và Nhà nước ta dành cho họ khi tham gia BHXH tự nguyện .

Chị Hiền chia sẻ : "Mỗi lần đi chợ mua rau hay mua thịt, tôi lại tranh thủ hỏi chuyện các bà, các chị bán hàng đã tham gia loại hình BH nào chưa, từ đó tôi giới thiệu đến mọi người loại hình BHXH tự nguyện, ích lợi của mọi người khi tham gia…".

Qua lời kể của chị Hiền, có rất nhiều bà con tiểu thương khi nghe chị giới thiệu, tuyên truyền người thì liền có những câu nói không tin tưởng, người thì có thái độ hờ hững, thờ ơ không mặn mà…. Không nản chí. Chị Hiền đã nhẹ nhàng tìm hiểu và được biết: Có những người đã và đang tham gia các loại hình BH thương mại nên họ nghĩ thế là đủ rồi. Cũng có những tiểu thương lại nghĩ  thà gửi tiền vào tiết kiệm còn chắc chắn hơn…

Biết được những nguyên nhân sâu xa đó, bằng sự nhìn nhận đánh giá khách quan của một nhân viên ngành BHXH, chị Hiền đã khẳng định cho các bà, các chị bán hàng biết được: Mỗi loại hình bảo hiểm đều đem lại lợi ích khác nhau cho người tham gia. Nhưng tham gia BHXH tự nguyện rất khác với tham gia bảo hiểm thương mại.

BHXH Mộc Châu- Sơn La: Lời giải cho bài toán phát triển đối tượng BHXH tự nguyện của một tuyên truyền viên - Ảnh 5.

Ông Trần Ngọc Quyết (áo trắng đừng giữa)- Giám đốc BHXH huyện Mộc Châu, trao quà cho những đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tại Hội nghị tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHXH tự nguyện.

Theo đó, chị Hiền đã giải thích: Khi tham gia BHXH tự nguyện là người tham gia được hưởng quyền lợi trong thời gian đóng phí. Sau khi hết thời gian đóng phí, người tham gia BHXH tự nguyện tiếp tục được hưởng quyền lợi gia tăng, được bảo vệ chăm sóc sức khỏe, (như được hưởng chế độ bảo hiểm y tế miễn phí, được hưởng lương hưu hàng tháng, được hưởng chế độ tử tuất..).

Còn lợi ích của người tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của các hãng bảo hiểm thương mại thì lại được bảo đảm quyền lợi trong thời gian đóng phí. Khi hết thời gian đóng phí, thì quyền được bảo hiểm của người tham gia cũng kết thúc.

Đồng thời, chị Hiền còn giải thích: BHXH tự nguyện sẵn sàng đón nhận mọi đối tượng lao động tự do tham gia. Dù họ đang khỏe, hay đang ốm đau. Dù họ đang  còn trẻ hay đã nhiều tuổi. Nhưng loại hình bảo hiểm thương mại thì lại lựa chọn đối tượng. Đối với những người đang mang bệnh nặng trong người thì bảo hiểm thương mại sẽ từ chối nguyện vọng tham gia của họ…

Và cứ thế, sau khi giải thích rõ ràng lợi ích và quyền lợi của từng loại hình bảo hiểm như vậy, chị Hiền vận động mọi người: Khi tuổi già đến, là lúc sức khỏe mỗi người đều ngày càng yếu hơn, ốm đau, bệnh tật rình rập. lúc già không còn nhiều sức khỏe để làm việc có thu nhập được như bây giờ nữa. Đồng thời, cùng lúc đó, chi phí để chữa bệnh tuổi già lại tăng lên… Từ đó mang theo nhiều mặc cảm tự ti, chán ghét bản thân khi mình phải sống phụ thuộc và dựa dẫm vào con cháu… Tham gia BHXH tự nguyện là các bà, các anh, các chị đang tự chủ động bảo vệ cho bản thân mình. Không bị mặc cảm là sống phụ thuộc vào con cháu, không bị mặc cảm là mình đang làm phiền đến con cháu. Vì khi đó, người tham gia đã có nguồn lương hưu để chi trả phí cho sinh hoạt hàng ngày, lúc ốm đau đã có chế độ bảo hiểm y tế chi trả viện phí…

Bằng cách giải thích sâu sắc, từ tốn, khách quan, chị Hiền đã thuyết phục được hoàn toàn những bà con tiểu thương nơi chị đến tuyên truyền, vận động tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn thị trấn huyện Mộc Châu

BHXH Mộc Châu- Sơn La: Lời giải cho bài toán phát triển đối tượng BHXH tự nguyện của một tuyên truyền viên - Ảnh 6.

"Chúng tôi xác định: Đối tượng bà con tiểu thương là đối tượng rất khó tiếp cận để tuyên truyền, vận động tham gia BHXH tự nguyện. Vì họ còn phải dành nhiều thời gian cho công việc kinh doanh, chỉ khi thấy những điều thực sự đem lại lợi ích thiết thực cho họ, thì họ mới dành thời gian để nghe tuyên truyền, vận động và tham gia"- Ông Trần Ngọc Quyết, Giám đốc BHXH huyện Mộc Châu nói.

Trao đổi với ông Trần Ngọc Quyết – Giám đốc BHXH huyện Mộc Châu, tôi được ông cho biết: "Chúng tôi cũng rất bất ngờ trước kết quả tuyên truyền mà các công chức, viên chức BHXH huyện chúng tôi làm được. Vì thực sự, đối với bà con tiểu thương là những người làm kinh doanh, có thu nhập tương đối ổn định so với mặt bằng chung, họ chủ động được tài chính, họ rất giỏi tính toán và họ cũng là đối tượng khó tiếp cận...".

Được biết, từ sau khi buổi lễ phát động ra quân hưởng ứng tháng vận động, triển khai BHXH toàn dân tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, bằng tinh thần trách nhiệm và tâm huyết với nghề, các công chức, viên chức BHXH huyện Mộc Châu, tiêu biểu là các chị: Nguyễn Thị Miền, Lê Thị Hiền, Lê Thị Tình và các đồng nghiệp đã không quản thời gian, không quản nắng mưa, những khó khăn của nghề nghiệp… để tìm cách tuyên truyền, thuyết phục, nâng cao nhận thức, từ đó thay đổi được ý thức, hành động của bà con tiểu thương và người lao động tự do đăng ký tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn.

Kết thúc cuộc trao đổi với ông Quyết, chia tay với chị Hiền và các đồng nghiệp của chị, tôi tin rằng, trong thời gian tới, BHXH Mộc Châu với những tuyên truyên truyền viên BHXH tự nguyện tâm huyết với nghề, sẽ hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu được giao năm 2020 và những năm tiếp theo. Góp phần đưa chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước tới tất cả những người lao động tự do trên địa bàn huyện Mộc Châu nói riêng, tỉnh Sơn La và cả nước nói chung.

Tống Huyền