Sơn La muốn đón thương nhân Trung Quốc lên khảo sát tiêu thụ trái cây sau khi mua xong vải Bắc Giang

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 14/05/2021 17:21 PM (GMT+7)
Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư ập đến khi nhiều địa phương chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch, tiêu thụ một số loại nông sản mang tính thời vụ. Các kịch bản tiêu thụ trong bối cảnh dịch Covid-19 đã được các tỉnh xây dựng, trong đó tỉnh Bắc Giang đã được Thủ tướng chấp thuận cho phép 190 thương nhân Trung Quốc sang thu mua vải thiều.
Bình luận 0

Bắc Giang, Sơn La: 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều, xoài, chuối

Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 do Bộ NNPTNT tổ chức sáng 14/5, ông Phan Thế Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh đã xây dựng 3 kịch bản để chủ động tiêu thụ vải thiều trong bối cảnh dịch Covid-19.

Kịch bản thứ nhất nếu dịch Covid-19 được kiểm soát, việc tiêu thụ vải thiều không gặp ảnh hưởng lớn thì sẽ phấn đấu xuất khẩu khoảng 50% trong tổng sản lượng 180.000 tấn vải thiều; kịch bản thứ 2 nếu dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng vẫn trong tầm kiểm soát thì phấn đấu tiêu thụ trong nước 70%, 30% phục vụ xuất khẩu; kịch bản thứ 3 nếu dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện thì thúc đẩy tiêu thụ nội địa.

Sơn La muốn đón thương nhân Trung Quốc lên khảo sát tiêu thụ xoài sau khi thu mua xong vải Bắc Giang - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 do Bộ NNPTNT tổ chức sáng 14/5.

"Chúng tôi cũng đã lên phương án đón các thương nhân Trung Quốc sang thu mua, tiêu thụ vải thiều, sau khi đã thực hiện cách ly và các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo quy định. Bên cạnh đó, Bắc Giang cũng sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều với các điểm cầu ở các tỉnh, thành phố lớn và phía Trung Quốc" – ông Tuấn cho biết.

 Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết, Thủ tướng đồng ý đề xuất của tỉnh về việc cho phép 190 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam để thu mua vải thiều Lục Ngạn. 

Ngày 14/5, Văn phòng Chính phủ có văn bản về việc tạo điều kiện cho thương nhân người nước ngoài nhập cảnh thu mua vải thiều Bắc Giang.

Theo đó, Văn phòng Chính phủ đề nghị các Bộ: Ngoại giao (chủ trì), Y tế, Công an, Quốc phòng, Giao thông - Vận tải căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, sớm xử lý kiến nghị của UBND tỉnh Bắc Giang; cấp visa nhập cảnh, cấp phép chuyến bay (nếu có)... tạo điều kiện cho người nước ngoài vào Việt Nam khảo sát để đàm phán, thu mua vải thiều tại địa phương, bảo đảm chặt chẽ, kịp thời và an toàn phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

UBND tỉnh Bắc Giang cũng xây dựng Kế hoạch sản xuất, tiêu thụ vải thiều đảm bảo an toàn dịch bệnh với mục tiêu phải bảo vệ bằng được vùng sản xuất vải thiều an toàn như Lục Ngạn, Tân Yên sạch bệnh Covid-19, đảm bảo không ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ vải thiều.

Để làm được việc này, UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu ngành chức năng lập các chốt kiểm tra y tế trên các tuyến đường trục chính vào các vùng sản xuất vải thiều tập trung, bao gồm: Kiểm tra, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, phun khử khuẩn toàn bộ phương tiện ra vào vùng trồng vải thiều; đưa cách ly tập trung tại tỉnh các đối tượng F1 để đảm bảo tại huyện Lục Ngạn không có đối tượng F1.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Công – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, nhiều loại trái cây trên địa bàn tỉnh đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch.

Sơn La có khoảng 78.650ha diện tích trồng cây ăn quả với sản lượng 430.000 - 450.000 tấn; trong đó có 8.600ha mận đã vào vụ thu hoạch, hiện đã tiêu thụ được 15.000 tấn, còn khoảng 40.000 tấn đang chờ được tiêu thụ; ngoài ra Sơn La còn có 19.000ha xoài, sản lượng 65.000 tấn và khoảng 54.000 tấn chuối đang vào vụ thu hoạch.

"Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, xác định các mặt hàng nông sản có thể bị thị trường nhập khẩu gây khó khăn, chi phí logistics tăng, áp lực về giá, Sơn La đã chủ động xây dựng 3 kịch bản với từng tình hình để có kế hoạch chỉ đạo cụ thể. Quyết tâm của Sơn La là kết nối với thị trường và doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản cho nông dân, đàm phán để mở rộng thị trường" – ông Công nhấn mạnh.

Ông Công cũng kiến nghị Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương thành lập tổ công tác để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các tỉnh trong vấn đề tiêu thụ nông sản.

"Tôi được biết tỉnh Bắc Giang đã lên kế hoạch đón các thương nhân Trung Quốc sang thu mua vải thiều sau khi đã đáp ứng đủ các điều kiện phòng chống dịch Covid-29, nhân dịp này, các thương nhân Trung Quốc có thể lên Sơn La để khảo sát thị trường" – ông Công kiến nghị.

Sơn La muốn đón thương nhân Trung Quốc lên khảo sát tiêu thụ xoài sau khi thu mua xong vải Bắc Giang - Ảnh 2.

Vùng vải sớm Tân Yên sẵn sàng xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: Báo Bắc Giang.

Trong khi đó, ông Bùi Văn Khắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, thừa nhận, dịch Covid-19 đã khiến nhiều loại thủy sản của tỉnh gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, nhất là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, có thời điểm phải phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch.

"Có một thực tế là nhiều loại thủy sản của Quảng Ninh đã nằm trong danh mục được phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc như ngao, hàu nhưng do phía Hải quan Trung Quốc chưa có hướng dẫn giám sát các mặt hàng để xuất khẩu chính ngạch qua cửa khẩu Móng Cái của tỉnh Quảng Ninh nên nhiều loại nông sản buộc phải theo đường xuất khẩu tiểu ngạch. Nhân đây tôi kiến nghị Bộ Tài chính đề nghị Tổng cục Hải quan làm việc với phía Hải quan Trung Quốc sớm có hướng dẫn giám sát mặt hàng này đề hàng hóa được lưu thông" – ông Khắng nói.

Sơn La muốn đón thương nhân Trung Quốc lên khảo sát tiêu thụ xoài sau khi thu mua xong vải Bắc Giang - Ảnh 3.

Nông dân Lục Ngạn (Bắc Giang thu hoạch vải thiều (vụ năm 2020). Ảnh: Báo Bắc Giang.

Quyết không để ùn ứ nông sản ở cửa khẩu

Theo ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), hiện các địa phương đã và đang tổ chức xây dựng kế hoạch, triển khai các hoạt động xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu vải, nhãn năm 2021.

"Thông tin của Cục Bảo vệ thực vật cho biết, đến nay phía Nhật Bản đã ủy quyền cho Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam về giám sát công tác xông hơi khử trùng. 

Với thị trường Trung Quốc, đến nay phía Trung Quốc đã chấp thuận thêm 11 cơ sở đóng gói mới năm 2021, nâng tổng số cơ sở đóng gói toàn tỉnh hiện nay là 300 cơ sở, về cơ bản đủ để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. 

Đối với thị trường EU, dự kiến doanh nghiệp Chánh Thu sẽ là đơn vị xuất khẩu lô vải đầu tiên sang thị trường EU (vải sớm Tân Yên. 

Trong khi đó, tỉnh Hải Dương đã làm việc với một số sàn giao dịch thương mại điện tử (Voso, Alibaba, Ladaza, VN Post, .. ) để lên kế hoạch đưa vải và nông sản của tỉnh lên sàn và bán hàng ngay từ đầu vụ vải năm 2021" – ông Đức thông tin.

Trong khi đó, ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, để ứng phó với đợt dịch Covid-19 thứ 4, hỗ trợ các địa phương tiêu thụ nông sản, Vụ Thị trường trong nước sẽ chỉ đạo các đơn vị nắm diễn biến thị trường để đưa ra kế hoạch tiêu thụ, tổ chức xúc tiến thương mại theo hình thức trực tuyến, đồng thời vận động các doanh nghiệp bán lẻ, siêu thị tham gia tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), để thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho nông dân, các nhà máy chế biến nông sản cần tăng cường công suất chế biến, tập trung vào sản phẩm cấp đông, nước quả cô đặc, thủy sản đồ hộp chế biến.

"Cần giảm thiểu mọi thủ tục trong các khâu kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn GAP, tổ chức liên kết sản xuất, lưu thông, UBND các tỉnh biên giới chỉ đạo các trạm kiểm dịch, hải quan tăng cường các biện pháp hỗ trợ hoạt động thương mại biên giới, tạo thuận lợi thủ tục thông quan, không để ứ đọng hàng hóa trên các tỉnh biên giới với Trung Quốc" – ông Toản kiến nghị.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem