Sơn La: Nuôi con lông đen, ăn được lá ngón, mấy năm liền chưa hề mất giá, một ông nông dân mỗi ngày giàu thêm

Tuệ Linh - A Và Thứ bảy, ngày 06/03/2021 13:01 PM (GMT+7)
Nhờ nuôi dê - loại vật mà đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây hay gọi là con ở nhà sàn, con ăn lá ngón, con uống nước lã, ông nông dân Lò Văn Đoạn, dân tộc Thái ở xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La bỏ túi khoảng 100 triệu đồng mỗi năm.
Bình luận 0

Nuôi dê ăn được là ngón là mô hình kinh tế mang lại thu nhập tốt cho đồng bào miền núi.

Những ngày tháng 2, thời điểm núi rừng Tây Bắc đang khoác lên mình màu trắng tin khôi của hoa ban, chúng tôi có dịp đến với bản Nhả Sày (xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) để trò chuyện với lão nông làm kinh tế giỏi Lò Văn Đoạn. 

Nuôi con ở nhà sàn, ăn cỏ, uống nước lã, lão nông bỏ túi trăm triệu - Ảnh 1.

Nhờ nuôi dê, ông Đoạn có cuộc sống khấm khá.

Nói đến ông Đoạn, người dân ở đây không ai là không biết đến ông. Nhiều năm nay ông Đoạn được nhiều người biết đến với mô hình nuôi dê ở nhà sàn, ăn lá ngón, uống nước lã đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trò chuyện với phóng viên DANVIET.VN, ông Đoạn kể: Trước đây, do gia đình hoàn cảnh khó khăn, đông con nên tôi học hết lớp 6 rồi ở nhà lập gia đình phụ giúp bố mẹ làm nông. 

Sau khi tách ra ở riêng, cũng như bao gia đình khác, quanh năm suốt tháng gia đình chỉ biết làm bạn với cây ngô, cây sắn nên cuộc sống gia đình gặp nhiều gian nan. Với sức dài vai rộng của người đàn ông, tôi quyết tâm bằng mọi cách phải vươn lên thoát nghèo, không để cảnh vợ con đói khổ.

Nói đi đôi với làm, năm 2018, ông Đoạn đã bàn bạc với vợ lấy số vốn tích góp sau nhiều năm lao động của của gia đình mua 10 con dê về nuôi. 

Giai đoạn đầu do thiếu kinh nghiệm nên quá trình nuôi dê của ông Đoạn gặp nhiều khó khăn. Thỉnh thoảng đàn dê hay ốm, chậm lớn và còi cọc. Những lúc như thế, ông Đoạn không bỏ cuộc mà tiếp tục mày mò, tìm hiểu nguyên nhân, ghi chép cẩn thận từng biểu hiện bệnh tật của dê nhằm tìm cách phòng, trị bệnh. 

Đồng thời, ông Đoạn tìm đến các mô hình nuôi dê khác để học hỏi kinh nghiệm. Chính vì vậy, sau một thời gian chăn nuôi, đàn dê của ông Đoạn đã sinh trưởng và phát triển tốt.

Nuôi con ở nhà sàn, ăn cỏ, uống nước lã, lão nông bỏ túi trăm triệu - Ảnh 2.

Ông Đoạn (xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) cho dê ở nhà sàn, nhờ vậy, đàn dê sinh trưởng và phát triển rất tốt.

Nhận thấy dê dễ nuôi và đem lại hiệu quả kinh tế nhanh, năm 2019, ông Đoạn mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Nhai để tiếp tục mua thêm giống và mở rộng chuồng trại. 

Mặt khác, ông trồng thêm cỏ voi để làm thức ăn cho dê. Nhờ năng động trong sản xuất, đến nay mô hình nuôi dê của gia đình ông Đoạn đã phát triển lên đến 30 con.

Ông Đoạn chia sẻ: Nuôi dê nhốt chuồng không khó nhưng đòi hỏi người chăm sóc phải quan sát cẩn thận biểu hiện từng con khi cho ăn. Chuồng trại được làm bằng tre hoặc gỗ, đảm bảo thoáng mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. 

Mỗi gian chuồng cao khoảng 1 mét, rộng 1,2 mét và dài 1,3 mét; sàn chuồng cách mặt đất 0,5 đến 0,8 mét làm bằng gỗ bằng phẳng, để khe hở khoảng 1 đến 1,5 cm để phân lọt dễ dàng xuống đất. 

Thức ăn của dê là cỏ voi, sắn, gạo, cám ngô và nhiều cây cỏ dại khác. Lưu ý, không cho dê ăn thức ăn ướt, dính nước mưa, dính bùn đất.

Nuôi con ở nhà sàn, ăn cỏ, uống nước lã, lão nông bỏ túi trăm triệu - Ảnh 3.

Ngoài ăn cỏ, ông Đoạn cho dê ăn thêm sắn, ngô, muối nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.

Để phòng, chống dịch bệnh cho đàn dê, ông Đoạn thực hiện theo phương châm 3 sạch (ăn sạch, uống sạch, ở sạch). Thường xuyên làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại, thực hiện nhốt cách ly khoảng 2 tuần đối với những con dê có dấu hiệu bị bệnh để tránh lây lan mầm bệnh.

Nhìn những chú dê mập mạp, khỏe mạnh mới thấy hết công sức của người nông dân này đã bỏ ra. Từ nuôi dê, kinh tế gia đình ông Đoạn đã khá giả hơn trước đây rất nhiều. Gia đình có của ăn của để, con cái được học hành đến nơi đến chốn. Đặc biệt, gia đình ông Đoạn đã ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Nuôi con ở nhà sàn, ăn cỏ, uống nước lã, lão nông bỏ túi trăm triệu - Ảnh 4.

Mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng của ông Đoạn, xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La.

Hiện tại, số dê thịt của gia đình ông Đoạn được mổ bán cho các lò mổ với giá bán dao động ổn định từ 200.000 đến 250.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí đầu tư, gia đình ông Đoạn bỏ túi khoảng 100 triệu đồng. Ngoài ra, để nâng cao thu nhập cho gia đình, ông Đoạn còn nuôi thêm 10 con bò nhốt chuồng, mỗi năm cho thu nhập trên 30 triệu đồng.

Nhờ biết phát huy tiềm năng, lợi thế ở địa phương, mô hình chăn nuôi của gia đình ông Đoạn được chính quyền sở tại đánh giá là một trong những hướng đi phù hợp trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Nhiều hộ dân nơi đây đã tìm đến mô hình chăn nuôi của ông Đoạn để học tập và làm theo với mong muốn thoát nghèo và có nguồn thu nhập ổn định.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem