Sơn La ôm “mộng vàng” 1.000ha mắc ca ở vùng biên giáp Lào

Đình Thắng Thứ bảy, ngày 02/12/2017 18:30 PM (GMT+7)
Đến thời điểm này, diện tích trồng mắc ca ở tỉnh Sơn La mới chỉ đạt khoảng 200ha, tuy nhiên tỉnh này đang đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ phát triển diện tích trồng mắc ca lên tới 1.000ha, tập trung ở vùng biên giới giáp Lào.
Bình luận 0

Nhiều tiềm năng phát triển

Cây mắc ca được đưa vào trồng tại tỉnh Sơn La từ năm 2000 theo dự án trồng khảo nghiệm. Đến nay, sau gần 16 năm triển khai, tổng diện tích cây mắc ca tại địa phương này đã đạt trên 100ha, chủ yếu trồng tại các huyện Vân Hồ, Mộc Châu, Mai Sơn, Thuận Châu và TP.Sơn La.

img

Một vườn ươm cây giống mắc ca ở Sơn La.  Ảnh: ĐÌNH THẮNG

Vườn cây mắc ca của
chị Hà Thị Trang

Diện tích 3.000m2 ( 150 cây)

Bình quân mỗi cây cho 30kg hạt/vụ (thu hoạch đều từ năm thứ 10)

Giá quả  tươi 150.000 - 200.000 đồng/kg

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La, một số mô hình trồng cây mắc ca đã định hình, cho sản lượng quả tương đối cao. Đây là loại cây trồng bổ sung để khai thác tiềm năng đất đai, khí hậu của tỉnh nhằm từng bước tăng thêm việc làm, thu nhập cho người dân, tạo tiềm năng đầu tư cho các doanh nghiệp, góp phần bảo đảm việc phát triển rừng bền vững.

Chúng tôi có mặt tại vườn mắc ca của chị Hà Thị Trang ở phường Chiềng Sinh (TP.Sơn La) và được giới thiệu đây là vườn mắc ca trồng từ năm 2000 thuộc dự án khảo nghiệm của tỉnh Sơn La. Vườn mắc ca có diện tích 3.000m2, với 150 cây được trồng từ năm 2000.

Chia sẻ về tính hiệu quả của vườn mắc ca này, chị Trang cho biết: “Bắt đầu từ năm thứ 10, vườn mắc ca của tôi cho thu hoạch đều đặn. Bình quân mỗi cây thu được khoảng 30kg hạt/vụ, cá biệt có một số cây thu được 120kg hạt/vụ. Giá quả mắc ca tươi trong những năm qua dao động từ 150.000 – 200.000 đồng/kg. Từ năm 2010 đến nay tôi thu hoạch được khoảng 4 tấn quả mỗi vụ, chi phí chăm sóc vườn mắc ca không lớn, chỉ khoảng 5%, chủ yếu là tiền thuê người trông nom vườn cây”.

Tại Sơn La có khá nhiều mô hình trồng mắc ca đã định hình và cho thu hoạch đều đặn như chị Trang, đơn cử như vườn của Trung tâm Giáo dục lao động tỉnh Sơn La. Vườn này có 201 cây mắc ca trồng xen 3.000 cây cà phê và được xem là một trong những mô hình trồng mắc ca thành công ở Sơn La.

img

Mô hình trồng mắc ca tại Sơn La. Ảnh: Vân Anh

Chị Ngô Thị Hậu - cán bộ phụ trách nông nghiệp của trung tâm cho biết: “Từ năm 2015, vườn mắc ca bắt đầu cho thu hoạch, sản lượng xấp xỉ 1,8 tấn quả tươi, có cây cho năng suất 35kg quả/vụ, trung bình mỗi cây cho 20kg quả. Trung tâm đang tập trung đẩy mạnh nhân giống, phát triển 4 dòng mắc ca được Bộ NNPTNT công nhận là: OC, 246, 816, 846. Hiện nay trung tâm có 5 vạn cây giống, trong đó có 5.000 cây ghép, số cây đã ghép được các học viên thực hiện, tỷ lệ thành công lên tới 80%”.

"Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích bà con trồng xen cây mắc ca trên diện tích cây cà phê, nương chè, cây ăn quả, vườn tạp và trên diện tích đất rừng nghèo kiệt, đồng thời tăng cường công tác quản lý đối với các cơ sở sản xuất giống nhằm cung cấp giống đảm bảo chất lượng, có kiểm soát”.

Ông Lò Minh Hùng –
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La

Việc trồng xen cây mắc ca với các loại cây trồng khác như cà phê, chè được tỉnh Sơn La đánh giá cao và cho rằng đây là mô hình phù hợp để phát triển cây mắc ca triên địa bàn tỉnh.

Trao đổi với NTNN về tính hiệu quả của mô hình trồng xen này, ông Hà Quyết Nghị - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sơn La cho biết: “Mô trồng xen canh mắc ca với cà phê rất hay, bởi cây mắc ca sẽ bổ trợ cho cây cà phê phát triển. Thực tế cho thấy cây mắc ca không chỉ sử dụng ít nước mà còn giữ được nước, che bóng mát để cây cà phê phát triển. 1ha cà phê có thể trồng xen khoảng 100 cây mắc ca, khi hai loại cây này trồng xen với nhau, năng suất của cả hai cây sẽ tăng lên.

Từ thực tế trồng xen trên địa bàn Sơn La có thể thấy rằng, thu nhập từ mắc ca tương đương với thu nhập từ cà phê, chè khi trồng xen. Điều đó có nghĩa nông dân nông dân có thêm một nguồn thu từ việc trồng xen”.

Doanh nghiệp tranh nhau thu mua

Về định hướng phát triển mắc ca của tỉnh Sơn La, ông Hà Quyết Nghị cho biết: “Cây mắc ca đã được tỉnh Sơn La đưa vào nghiên cứu khảo nghiệm từ năm 2000 với 12 giống khác nhau. Tỉnh đã lựa chọn được 4 giống phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu của tỉnh. Hiện nay, diện tích trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh khoảng 200ha. Tỉnh xác định đây là cây trồng rừng đa mục tiêu do là cây có triển vọng về kinh tế. Sơn La đang quy hoạch từ nay đến năm 2020 sẽ trồng 1.000ha cây mắc ca, chủ yếu là trồng xen với cà phê, chè và trồng ở các địa phương vùng biên giới giáp Lào như Thuận Châu,  Yên Châu, Vân Hồ…”.

Ông Nghị chia sẻ thêm: “Năm 2016 bà con có thu nhập tốt từ cây mắc ca, với giá bán bình quân 50.000 đồng/kg quả tươi. Vừa rồi nhiều doanh nghiệp lên Sơn La tranh nhau thu mua mắc ca, bà con không có đủ hàng để bán. Thời gian tới nếu đẩy mạnh tốt liên kết sản xuất, bà con sẽ trồng nhiều hơn. Đây là cây mang lại hiệu quả tốt so với các loại cây ngắn ngày khác”.

Từ góc độ lãnh đạo địa phương, ông Lò Minh Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: “Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế cùng các hộ nông dân tham gia trồng, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm từ cây mắc ca, đồng thời có chính sách hỗ trợ phát triển cây mắc ca đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân và doanh nghiệp. Theo đó, chú trọng ngay từ khi tuyển chọn giống đến quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch”. 


img

TS Phí Hồng Hải – Phó Giám đốc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam: Không nên trồng ở vùng bị ảnh hưởng gió Lào

Trong quy hoạch phát triển mắc ca, chúng tôi có tư vấn cho Bộ NNPTNT quy hoạch vùng trồng ở Tây Bắc và Tây Nguyên.
Tỉnh Sơn La có thể phát triển mắc ca được, tuy nhiên cần phải lựa chọn giống phù hợp và vùng đất phù hợp nhất để trồng. Tôi biết ở Sơn La có một số vùng có điều kiện khí hậu thổ nhưỡng thích hợp để trồng mắc ca, còn các vùng ảnh hưởng bởi gió Lào thì không nên trồng.
Việc trồng mắc ca không có gì đáng ngại về giống nếu chọn được vùng đất thích hợp. Tuy nhiên điều băn khoăn nhất hiện nay chính là vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Thực tế nước ta hiện nay chỉ mới có vài nhà máy chế biến mắc ca. Chỉ sợ đến lúc người dần trồng nhiều mà không có nhà máy thu mua, chế biến thì sẽ rất khó cho người dân.

Chính vì vậy, khi tỉnh Sơn La quy hoạch vùng trồng 1.000ha đến năm 2020 thì cũng cần đưa ra kế hoạch thu hút các doanh nghiệp hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho người dân, tỉnh cần hỗ trợ tiêu thụ cho bà con, tránh trường hợp  được mùa mất giá như các nông sản khác.

img

Ông Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội NNPTNT Việt Nam: Thu hút doanh nghiệp đầu tư thu mua, bao tiêu

Tôi thấy Sơn La đặt ra mục tiêu mở rộng vùng trồng mắc ca lên tới 1.000ha đến năm 2020 là phù hợp. Vừa phù hợp với quy hoạch phát trển cây mắc ca của Bộ NNPTNT, và phù hợp với điều kiện thời tiết khí hậu thổ nhưỡng ở Sơn La.

Tuy nhiên khi mở rộng vùng trồng mắc ca, địa phương cần tính đến các phương án thu hút doanh nghiệp vào đầu tư thu mua, bao tiêu sản phẩm cho bà con; có các chính sách tín dụng hợp lý cho người trồng mắc ca có nhu cầu vay vốn.
Bên cạnh đó để cây mắc ca phát triển tốt, đúng quy hoạch và mang lại hiệu quả cho nông dân, cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương với mục tiêu giúp người dân phát triển kinh tế vừa có thu nhập, tăng thu nhập và đảm bảo phát triển bền vững.

An Nhiên (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem