dd/mm/yyyy

Sơn La: Thu bình quân 200 triệu đồng/1 ha cây ăn quả

“Giá trị sản xuất trên 1 ha trồng cây ăn quả đạt bình quân trên 200 triệu đồng/năm…”, đó là phát biểu của ông Nguyễn Hữu Đông, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh uỷ Sơn La tại Hội nghị đánh giá 5 năm thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả và phát triển hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Sáng nay (17/3), tỉnh Sơn La đã tổ chức Hội nghị đánh giá 5 năm thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả và phát triển hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 – 2020 và tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2020.

Diện tích cây ăn quả lớn nhất miền Bắc

Với tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương, tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều chủ chương, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, trọng tâm là chủ trương phát triển cây ăn quả, phát triển hợp tác xã nông nghiệp. Qua đó, nông nghiệp của tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ, khẳng định chủ trương đúng đắn, phù hợp, tận dụng được nguồn lực, khai thác được các lợi thế của tỉnh để khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất theo chuỗi giá trị, mở rộng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao hiệu quả kinh tế hộ.

Sơn La: Giá trị sản xuất 1 ha trồng cây ăn quả đạt trên 200 triệu đồng/năm - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hữu Đông, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Sơn La phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Đông, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Sơn La, thông tin: Đến nay, toàn tỉnh có 78.850 ha cây ăn quả và cây sơn tra, gấp gần 4 lần so với đầu năm 2016. Tổng sản lượng quả 336.330 tấn, tăng 185,1% so với năm 2016. Giá trị sản xuất quả theo giá trị hiện hành đạt 3.038,3 tỷ đồng. Giá trị sản xuất trên 1 ha trồng cây ăn quả đạt bình quân trên 200 triệu đồng/năm.

Sơn La là tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn nhất miền Bắc và đứng thứ hai cả nước. Có 17.538 ha diện tích cây trồng được áp dụng quy trình sản xuất an toàn; 4.701 ha cây ăn quả được cấp 181 mã số vùng trồng; 9 sản phẩm quả địa danh được cấp bằng bảo hộ; 123 chuỗi quả với tổng diện tích sản xuất đạt 2.399 ha; 301 doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trồng cây ăn quả với diện tích 6.766 ha; 25 sản phẩm OCOP các loại quả trong tổng số 83 sản phẩm OCOP của tỉnh.

Sơn La: Giá trị sản xuất 1 ha trồng cây ăn quả đạt trên 200 triệu đồng/năm - Ảnh 2.

Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh Sơn La đã thực hiện chuyển đổi được 55.248 ha ngô và cây trồng khác sang trồng cây ăn quả.

Diện tích nuôi thủy sản là 2.767 ha, 8.758 lồng; sản lượng thủy sản 8.335 tấn. So với năm 2015, diện tích nuôi thủy sản tăng 7,7%; số lồng nuôi tăng 686,9%; sản lượng thủy sản tăng 26,7%. Toàn tỉnh có 614 hợp tác xã nông nghiệp, tăng 522 hợp tác xã so với năm 2016.

Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La đã thu hút được nhiều nhà máy chế biến sản xuất các sản phẩm từ quả như: Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Tập đoàn Nafoods; Nhà máy chế biến quả, đồ uống nước hoa quả công nghệ cao của Tập đoàn TH; Nhà máy chế biến rau quả DOVECO Sơn La của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Hiện, toàn tỉnh có 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu tăng 8 nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu quy mô lớn so với năm 2015.

Giá trị nông sản xuất khẩu đạt 104,05 triệu USD

Theo Bí thư tỉnh ủy Sơn La, đến nay tỉnh Sơn La đã xuất khẩu được 16 mặt hàng nông sản sang thị trường 14 nước, như: Úc, Pháp, Mỹ, Nhật, Nga.. chiếm 92% tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng của tỉnh. Giá trị nông sản tham gia xuất khẩu đạt 104,05 triệu USD. Trong đó xuất khẩu được 21.077 tấn sản phẩm trái cây, bằng 19,4% tổng sản lượng xuất khẩu nông sản, đạt 16,143 triệu USD. Hiện, toàn tỉnh có 49 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 46 xã so với năm 2015), bình quân đạt 13,5 tiêu chí/xã, không còn xã khó khăn đạt dưới 5 tiêu chí về nông thôn mới.

Sơn La: Giá trị sản xuất 1 ha trồng cây ăn quả đạt trên 200 triệu đồng/năm - Ảnh 3.

Hội nghị đánh giá 5 năm thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả và phát triển hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 – 2020; gặp mặt các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2020.

Bí thư tỉnh ủy Sơn La nhấn mạnh: Năm 2021, là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm vụ đặt ra cho Đảng bộ và chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La là rất lớn, đòi hỏi các cấp các ngành phải mạnh mẽ vào cuộc, tích cực đổi mới sáng tạo. Đồng thời, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm:

Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả 2/9 Đề án thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV về lĩnh vực nông nghiệp. Đó là Đề án Phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án về phát triển công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu xây dựng Sơn La trở thành trung tâm sản xuất, chế biến nông sản khu vực Tây Bắc.

Sơn La: Giá trị sản xuất 1 ha trồng cây ăn quả đạt trên 200 triệu đồng/năm - Ảnh 4.

Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Tập đoàn TH được xây dựng tại huyện Vân Hồ.

Tiếp tục đẩy mạnh việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác; tăng cường ứng dụng các quy trình sản xuất tốt, sản xuất an toàn, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ để nâng cao giá trị hàng hóa nông sản. Xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp theo 3 cấp sản phẩm: Sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, sản phẩm đặc sản địa phương - OCOP. Tập trung xây dựng các vùng sản xuất nông sản tập trung đồng bộ với quy hoạch mạng lưới các nhà máy chế biến.

Nghiên cứu, chọn, tạo ra và ứng dụng các loại giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất và chất lượng cao, đáp ứng với yêu cầu đa dạng hóa thị trường. Thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Hoàn thiện hệ thống các kênh tiêu thụ sản phẩm nông sản kết nối chặt chẽ theo chuỗi giá trị gia tăng sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ. Phát triển các chuỗi cung ứng xanh hướng tới tăng trưởng xanh.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá du lịch, gắn phát triển du lịch với việc tổ chức các hoạt động, chương trình công bố giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" gắn với dịch vụ, du lịch và bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống.

Tuệ Linh