Sơn La: Trái cây phủ kín đồi nhưng loại cây này vẫn là chủ lực ở vùng cao

Khánh Nguyên Chủ nhật, ngày 17/10/2021 07:00 AM (GMT+7)
Theo nhiều nông dân trồng ngô ở Sơn La, các giống ngô biến đổi gen có ưu việt lớn nhất là khắc chế tốt một số loại sâu bệnh, nhất là sâu keo mùa thu.
Bình luận 0

Được mùa được giá, nông dân trồng ngô lời to

Hai năm trở lại đây, những người trồng ngô ở Sơn La được hưởng niềm vui vừa trúng mùa vừa trúng giá.

Ông Hoàng Văn Tuyến ở tiểu khu 77, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, Sơn La cho biết, gia đình ông có hơn 2ha trồng ngô, một năm trồng 2 vụ, giống ngô ông chọn là giống biến đổi gen.

"So với giống ngô thông thường, ngô ứng dụng công nghệ sinh học thể hiện tính ưu việt rất rõ trong việc kháng sâu bệnh, nhất là sâu keo mùa thu, sâu đục thân. Giống ngô này giúp chúng tôi đỡ công phun thuốc" – ông Tuyến cho biết.

Theo ông Tuyến, mấy năm nay, sâu kéo mùa thu gây hại trên diện rộng, có vụ phải phun 4 – 5 lần thuốc nhưng nếu trồng giống ngô biến đổi gen thì có thể hạn chế được 80%.

Ngoài ra, giống ngô này chống chịu tốt hơn với những bất thuận của thời tiết nên bà con chăm sóc nhàn hơn, tỷ lệ rủi ro thấp hơn.

Điều ông Tuyến và các hộ trồng ngô trên địa bàn phấn khởi là năm nay, ngô được mùa được giá. 

Giống ngô khắc chế tốt sâu keo mùa thu - Ảnh 1.

Năm nay những người trồng ngô Sơn La vui vì ngô được giá. Ảnh: CLA.

"Nhà tôi trồng ngô sinh khối, đến vụ thu hoạch các doanh nghiệp thu mua mua hết với giá 1.200 đồng/kg, mỗi hecta ngô nếu đầu tư tốt có thể thu được 70 tấn, còn nơi nào độ phì của đất kém thì đạt 55 – 60 tấn, với giá như hiện nay, nông dân thu trên 70 triệu đồng/ha/vụ, trừ chi phí còn lãi khoảng 2/3" – ông Tuyến nói.

Được biết, ông Tuyến gắn bó với nghề trồng ngô từ năm 2000 và đã có 6 năm trồng ngô biến đổi gen. Theo ông Tuyến, so với các loại cây trồng khác trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện nay, cây ngô tuy cho thu nhập không cao bằng nhưng bù lại có thu nhập ổn định.

"Năm nay từ ngô thương phẩm đến sinh khối đều hiếm, cầu lớn hơn cung nên những người trồng ngô không phải lo khâu tiêu thụ" – ông Tuyến phấn khởi.

Tuy nhiên, điều ông Tuyến băn khoăn là hiện nay có rất ít giống ngô ứng dụng công nghệ sinh học được đăng ký mới nên khó đa dạng hóa cơ cấu giống ngô.

Sơn La giữ ổn định diện tích ngô

Đánh giá về triển vọng phát triển cây ngô trên địa bàn tỉnh Sơn La, bà Lưu Thanh Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (Sở NNPTNT tỉnh Sơn La) cho biết, năm 2020, diện tích ngô của tỉnh Sơn La đạt khoảng 85.000 ha, với sản lượng 364.000 tấn.

"Dù ở nhiều địa phương diện tích cây ngô bị thu hẹp do phát triển cây ăn quả nhưng với người dân vùng cao, ngô vẫn là một trong những cây trồng chủ lực, tạo sinh kế cho người dân và chưa có cây trồng thay thế" – bà Nga khẳng định.

Trong kế hoạch của tỉnh Sơn La, tỉnh khuyến khích người dân giữ vững diện tích ngô hiện tại, đến năm 2025 đạt khoảng 70.000ha, sản lượng 315.000 tấn nhưng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng ngô.

Đánh giá về giống ngô biến đổi gen, theo bà Nga, ưu điểm lớn nhất của giống ngô này là khắc chế tốt sâu bệnh, nhất là sâu keo mùa thu.

"Chủ trương của tỉnh là khuyến khích mở cửa cho tất cả các giống cây trồng đã được cấp phép, người dân có quyền lựa chọn giống cây trồng phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao để canh tác" – bà Nga khẳng định.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem