Sơn La: Trồng hoa hồng bán tết, nông dân rủng rỉnh tiền tiêu

Hà Hoàng Thứ hai, ngày 06/01/2020 06:00 AM (GMT+7)
Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 đã cận kề, gia đình ông Nguyễn Văn Sơn ở bản Ái (xã Chiềng Xôm, TP.Sơn La, tỉnh Sơn La) lại tất bật chăm sóc hoa hồng bán tết. Gia đình ông chuẩn bị phân bón, thuốc dưỡng, với hy vọng hoa hồng nở đúng dịp tết và có một vụ mùa bội thu.
Bình luận 0

Hơn 7 năm bén duyên với vùng đất xã Chiềng Xôm, TP. Sơn La, cây hoa hồng không chỉ làm cho cuộc sống của gia đình ông Nguyễn Văn Sơn trở nên khấm khá mà còn trở thành mặt hàng không thể thiếu trong mỗi dịp Tết Nguyên đán của người dân ở Sơn La và khu vực Tây Bắc.

img

 Ông Sơn đang bọc giấy lên búp hoa hồng, để tránh hoa nở sớm.

Ông Nguyễn Văn Sơn kể về sự bén duyên với mảnh đất Sơn La: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất trồng hoa huyện Mê Linh (Hà Nội), từ thuở nhỏ tôi luôn có sở thích với nghề trồng hoa hồng. Tuy nhiên ở Mê Linh đất chật người đông, nhà nào cũng trồng hoa nên sản phẩm làm ra bị cạnh tranh gay gắt, sau mỗi vụ thu hoạch tôi hầu như không có lãi.

Tình cờ nghe bà con trong xóm kể ở Sơn La có khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ rất thích hợp với trồng hoa hồng. Nghe vậy, tôi đã khăn gói lên tìm hiểu, khảo sát, xem thực hư khí hậu và đất đai ở Sơn La thế nào. Sau khi thấy tiềm năng và lợi thế của vùng đất, tôi trở về đón gia đình lên Sơn La mua 8.000 m2 đất của bà con dân tộc Thái ở bản Ái, xã Chiềng Xôm trồng hoa hồng phát triển kinh tế”.

img

Để vườn hoa phát triển và cho những bông hoa đẹp, ông Sơn phải thuê 2 công nhân địa phương.

Hoa hồng đ­ược coi là biểu tư­ợng của tình yêu và hạnh phúc, lòng chung thuỷ và sự khát khao v­ươn tới cái đẹp. Với nhiều ư­u điểm là màu sắc đa dạng, cành hoa dài, lá xanh, mùi thơm nhẹ, có hoa quanh năm, hoa hồng có thể dùng làm hoa cắm bình, cắm lọ, trồng chậu, trồng trong chậu bonsai, trồng trang trí tr­ước và xung quanh nhà trong dịp Tết Nguyên đán.

img

Trong dịp Tết Nguyên Đán, ông Sơn bán hoa hồng tại vườn với giá 3.000 đồng/bông.

Theo kinh nghiệm của ông Nguyễn Văn Sơn, bản Ái, cho biết: “Nghề trồng hoa hồng rất vất vả và cầu kỳ, nếu ai chưa gắn bó với nghề trồng hoa hoa thì mới đầu nhìn qua tưởng đơn giản nhưng phải chăm chút rất tỉ mỉ, công phu, phải là người am hiểu, có kinh nghiệm chăm sóc thì hoa mới nở đều. Hoa hồng thường mắc các bệnh như, bệnh vẩy nến, nhện đỏ... làm rụng lá, héo hoa, cách đề phòng những loại bệnh này phải sử dụng nhiều loại thuốc. Đặc biệt người trồng phải tưới nước, bón phân, cắt tỉa hợp lý đúng thời gian, khi đảm bảo được các yếu tố trên hoa mới phát triển tốt”.

img

 Ông Sơn cho biết:"Để hoa hồng phát triển tốt thì nhà vườn phải bỏ nhiều công sức chăm sóc, bởi hoa hồng rất dễ bị bệnh".

Vào các dịp 20/10, ngày 8/3, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, rất nhiều thương lái đến tận vườn ông Sơn thu mua hoa hồng.

img

Vào dịp Tết Nguyên đán nhiều khách hàng và tiểu thương vào tận vườn ông Sơn thu mua, nên sản phẩm của ông bán luôn được giá cao.

Ông Sơn chia sẻ: “Tôi bán 1 bông hoa hồng vào dịp Tết Nguyên đán là 3.000 đồng/bông. So với các mùa khác, vào dịp tết âm lịch hoa hồng được mua với giá cao nên tôi cũng tích cóp được một khoản tiền khá lớn. Nếu tính tổng bình quân 1 năm sau khi trừ chi phí, tôi thu lãi khoảng 400 triệu đồng từ bán hoa hồng”.

img

Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 đã cận kề, cũng là lúc gia đình ông Sơn tất bật với công việc chăm sóc hoa.

Không những làm kinh tế giỏi, ông Sơn còn tạo công ăn việc làm cho 2 người công nhân tại địa phương, mỗi tháng ông trả lương cho 1 công nhân là 5 triệu đồng đồng/tháng. Thời gian tới, ông Tường dự định tiếp thị hoa hồng đến các thị trường miền Trung, để đa dạng hóa thị trường bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm, nâng cao thu nhập hơn nữa cho gia đình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem