Sơn Tây: Thu nhập bình quân tăng gần 30 triệu đồng sau 10 năm

Thiên Hương Thứ sáu, ngày 25/09/2020 05:15 AM (GMT+7)
Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM), tuy nhiên, thị xã cũng xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và không có điểm dừng, nên đã đặt ra những mục tiêu mới với những quyết tâm ở phía trước.
Bình luận 0

Thị xã Sơn Tây có 6 xã thực hiện xây dựng NTM thì đến tết năm 2018, toàn bộ số xã này đã hoàn thành xây dựng NTM. Theo Bí thư Thị ủy Sơn Tây Phạm Thị Thanh Mai, để đạt được kết quả này, thị xã Sơn Tây đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, cộng với quyết tâm chính trị của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân…

Sơn Tây: Thu nhập bình quân tăng gần 30 triệu đồng sau 10 năm - Ảnh 1.

Mô hình trồng gấc đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân trên địa bàn thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Ảnh: Trọng Toàn

Nổi bật trong bức tranh xây dựng NTM ở Sơn Tây đó là đầu tư cho hạ tầng ở các xã xây dựng NTM với mục tiêu thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Từ năm 2010 đến nay, thị xã đã bố trí gần 367,3 tỷ đồng cho 156 dự án về phát triển giao thông nông thôn dài 221,53km. 

Trong đó, đường trục xã, liên xã đã nhựa hóa, bê tông hơn 58km, đạt 100%; đường trục thôn, liên thôn đã nhựa hóa, bê tông hóa 129,2km, đạt 100%; đường ngõ xóm có 124,24/126,74km được bê tông hóa… 

Theo ông Đỗ Hữu Canh, thôn Nghĩa Sơn, xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây), nhờ xây dựng NTM mà các tuyến đường trên địa bàn được quan tâm đầu tư, không chỉ tạo ra diện mạo mới, môi trường xanh, sạch, đẹp mà người dân đã ý thức được việc giữ gìn môi trường nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường là trách nhiệm tự giác, thường xuyên của mỗi cá nhân, mỗi gia đình.

Song song đầu tư cơ sở hạ tầng, để bảo đảm các vùng sản xuất, phục vụ phát triển nông nghiệp, thị xã quy hoạch các vùng trồng trọt, chăn nuôi, phát triển trang trại, gia trại, vùng trồng rau an toàn, cây ăn quả… Đồng thời, tập trung cho công tác dồn điền, đổi thửa, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào sản xuất, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cho nông dân. 

Hiện, thị xã có 21 hợp tác xã đang hoạt động, trong đó, có 18 hợp tác xã hoạt động lĩnh vực nông nghiệp, 3 hợp tác xã hoạt động lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thương mại. Các hợp tác xã đều hoạt động có hiệu quả và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn. Để các hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển thuận lợi, thị xã đã quan tâm, tạo điều kiện xây dựng các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực bảo đảm bền vững. Đơn cử như Tổ hợp tác nuôi ong mật Kim Sơn thuộc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Kim Sơn; Hợp tác xã Chăn nuôi và Thương mại Đào Phương, xã Đường Lâm với sản phẩm gà Mía…

Tại thời điểm đánh giá, thu nhập bình quân đầu người 6/6 xã của thị xã Sơn Tây đều đạt chuẩn theo quy định, trong đó thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của thị xã năm 2019 đạt 46,6 triệu đồng/người/năm, tăng 29,9 triệu đồng/người/năm so với năm 2010.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem