Sống trong "rừng"...Thủ Thiêm, vợ chồng ông nông dân trồng cây gì, săn bắt con gì để nuôi con cháu?

Bùi Phụ Thứ sáu, ngày 26/03/2021 13:03 PM (GMT+7)
Hơn 20 năm qua, ông Lê Văn Hơn (55 tuổi) cùng người vợ Nguyễn Thị Nhung sống bám trụ, mưu sinh bằng nghề săn bắt rắn, thả lưới cá giữa...Khu đô thị Thủ Thiêm (TP.HCM). Nhờ đó, ông Hơn nuôi được 4 đứa con và hiện đã có thêm đàn cháu, tổng cộng đại gia đình lên tới 15 người.
Bình luận 0

Săn rắn, bắt cá giữa… đô thị Thủ Thiêm

Giữa cái nắng oi bức một ngày cuối tháng 3/2021, chúng tôi tìm đến nơi "an cư lạc nghiệp" của đại gia đình ông Lê Văn Hơn ở khu tạm cư phường An Lợi Đông, TP Thủ Đức (quận 2 cũ, TP HCM). 

Phải đi xuyên con đường trung tâm sầm uất của khu đô thị Sala cao cấp, hiện đại (của Đại Quang Minh), chúng tôi như lạc bước vào một khu rừng cây cối um tùm, bạt ngàn, ngập nước, chẳng khác gì khu rừng ngập mặn ở huyện Cần Giờ. 

Sống trong rừng... Thủ Thiêm - Ảnh 1.

Vợ chồng ông Hơn đang chăm sóc vườn rau nhỏ. Ảnh: B.P

Chúng tôi không khỏi bất ngờ khi chỉ cách nhau vài bước chân là hai thế giới hoàn toàn khác biệt. Một bên là phố thị hiện đại, văn minh; một bên là rừng cây, dù ban ngày nhưng vẫn nghe rõ ếch nhái, bò tọt, kêu vang một góc trời…

"Ai mà không muốn tương lai của mình được ở trong những ngôi nhà khang trang, không bị nước ngập, mưa dột… Nhưng điều kiện của gia đình tôi bây giờ không biết phải dời đi đâu, về đâu? Có một điều tôi sẽ buồn nếu phải rời xa nơi này. Bởi cả tuổi thơ, thời thanh xuân của vợ chồng tôi đều ở đây. Con cháu tôi cũng lớn lên từ những cánh rừng này…".

Ông Lê Văn Hơn

Thấy chúng tôi khóa xe gắn máy, lão nông Hai Nhân lên tiếng: "Chú em khỏi khóa, ở đây không mất xe đâu mà lo! Xứ này là "rừng U Minh", không có gì quý nên bọn trộm đến rồi đi, lâu rồi không thấy tên trộm nào đến nữa…".

Được biết, lão nông Hai Nhân năm nay đã 72 tuổi, là một trong những cư dân cố cựu ở vùng lõi Thủ Thiêm này. Biết ý khách tìm người, ông Hai Nhân hướng dẫn: "Chú theo con đường mòn này, đi vài chục mét nữa thấy khu nhà cấp 4 xuống cấp là tới nơi...".

Khi chúng tôi đến, gặp lúc ông Lê Văn Hơn đang nhổ tóc bạc cho vợ dưới một tán cây rừng. Nhìn ông Hơn chăm sóc người bạn đời, chúng tôi cảm nhận hạnh phúc như được lây sang! 

Dẫn chúng tôi tham quan khu tạm cư đã xuống cấp nặng, ông Hơn cho biết, hiện còn 4 hộ dân bám trụ ở đây khoảng 20 năm qua để chờ đền bù, liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong đó có gia đình ông. Trong nhà ông Hơn không có tài sản gì quý giá ngoài chiếc giường ngủ, bếp gas và chiếc tivi cũ…

Theo lời ông Hơn, mỗi khi mưa lớn hay triều cường, nước ngập tràn vào nhà. Cuộc sống rất khó khăn nhưng gia đình ông cùng 3 hộ còn lại vẫn cố lưu lại vì cũng không biết phải đi đâu, làm gì?

Bên chén trà chiều mời khách ngồi trước hiên nhà, vợ chồng ông Hơn ngậm ngùi kể lại hành trình mưu sinh vất vả trong 20 năm qua. Vợ chồng ông Hơn là dân gốc Thủ Thiêm, có một miếng đất nông nghiệp nhỏ do cha mẹ để lại. Khoảng 20 năm trước khi các cơ quan chức năng công bố thu hồi đất quy hoạch khu Thủ Thiêm, gia đình ông được đưa vào đây tạm cư chờ nhận đền bù, tái định cư. Nhưng do giá thấp, gia đình ông không chịu nhận và cứ thế sống tạm cho đến nay.

Do vùng này trước đây ruộng đồng mênh mông, nhiều cánh rừng dừa nước mọc lên san sát, nên cá, tôm, chim trời, các loài động vật khác quy tụ về đây sinh sống. "Chim trời cá nước nhiều" thì người săn bắt cũng nhiều nhưng ai cũng xem đó chỉ là nghề phụ vì mưu sinh chính vẫn là canh tác trên phần đất nông nghiệp.

Sau khi có quy hoạch, khu đô thị Thủ Thiêm, hầu hết dân phải di dời để chủ đầu tư thi công các tòa nhà, nhưng vẫn còn nhiều phần đất bỏ hoang, những cánh rừng dừa nước trong vùng lõi, bị ngập nặng nên cá, tôm, ếch tìm về vùng lõi sinh sống ngày càng nhiều.

Để có cái ăn, hai vợ chồng ông mỗi ngày phải lặn hụp từ sáng đến trưa, từ xế đến chiều tối trong những cánh rừng dừa nước để săn chim, bắt cá. Chiếu tối, ông Hơn đạp xe đem "chiến lợi phẩm" ra bán cho các quán nhậu kiếm tiền mua gạo. 

Một đời vất vả trong "rừng" Thủ Thiêm

Những ngày không đi bắt cá, vợ con ông Hơn tận dụng những mô đất cao trồng thêm rau xanh, hái bán mỗi ngày nhờ đó đã nuôi cả chục miệng ăn trong nhiều năm qua. "Tưởng làm chơi ai ngờ ăn thiệt và mới thoáng cái đã qua hơn 20 năm. Chưa đi rừng U Minh, nhưng qua sách báo, tôi thấy mình ở đây như đang sống giữa U Minh..." - ông Hơn ví von.

Sống trong rừng... Thủ Thiêm - Ảnh 3.

Ông Hơn đang chuẩn bị lưới bắt cá. Ảnh: B.P

Thấy tôi không tin, ông Hơn vào nhà xách theo tay lưới mới mua, dẫn tôi len lỏi vào sâu trong rừng. Hơn 2 giờ liền theo chân ông Hơn trong vùng lõi Thủ Thiêm, chúng tôi cảm nhận phần nào cuộc mưu sinh vất vả nhưng nhiều thú vị của ông Hơn. Ông thuộc làu đến từng gốc cây, mực nước lên xuống từng ngày, bước chân qua chỗ nào cho khỏi bị sụp xuống sình.

Chỉ tay vào một gốc cây, ở đầu ngã ba con rạch nhỏ, ông Hơn giải thích: "Đây là nơi hẹn hò của mấy cặp ếch uyên ương. Lần đầu gặp nhau chúng kêu to như muốn đánh nhau. Vài hôm sau tiếng kêu êm dịu lại chứng tỏ chúng chịu cùng nhau bước vào "lâu đài tình ái"…".

Đang đi, bất thình lình, một đàn ong bay ngang, ông Hơn đưa tay ra dấu hiệu đứng im! Nhìn đàn ong bay qua rồi mất hút trong rừng dừa nước, ông nói: "Đàn ong này mấy hôm nay đi hút mật khắp nơi, nay đang trên đường bay về tổ. Khoảng 2 tuần nữa chú nhà báo quay lại đây sẽ có "mật ong rừng Thủ Thiêm" chính hiệu, ngọt tuyệt vời...".

Xung quanh nơi ông Hơn sinh sống, có nhiều mô đất được vợ chồng ông trồng rau xanh, cây ăn trái. Trong đó có hẳn một vườn thuốc nam nhỏ xanh tươi. Ông Hơn giải thích, hồi mới quy hoạch, từ trong khu tạm cư này đi ra bên ngoài rồi về lại còn nhiều khó khăn, nhất là ban đêm nếu có người đau ốm. Thấy rõ sự bất tiện này, ông Hơn đã sưu tầm những cây thuốc nam trị những bệnh thông dụng như đau bụng, đau khớp, ho, bệnh ngoài da… về trồng. Nhờ vườn thuốc nam này, nhiều người khỏi bệnh khi gặp lúc trái gió trở trời trong những năm qua.

Nối nghiệp ông Hơn là người con rể Lê Văn Tuấn, nổi tiếng với tài bắt rắn và sóc. Trước đây, Thủ Thiêm nổi tiếng có nhiều rắn, sóc và có luôn cả chồn.

Hiện tại, 4 người con của ông Hơn, cũng đã có vợ chồng, sinh con trong đó có vợ chồng anh Tuấn. Tổng số gia đình ông Hơn đã lên 15 người sống chung tại khu tạm cư. Do cá, tôm, ngày càng ít lại, nên các người con của ông Hơn cũng xin đi làm công nhân. Còn các cháu nội, ngoại của ông Hơn cũng được học ở các ngôi trường gần đó.

Nghiệp săn, bắt cá giờ chỉ còn lại ông Hơn. Nếu có thì các con ông chỉ tham gia vào những ngày cuối tuần. Tôi hỏi: Không lẽ đại gia đình, con cháu anh cứ sống mãi ở đây, tương lai các cháu sẽ ra sao?

Im lặng, đưa ánh mắt nhìn về hướng khu đô thị Sala một hồi lâu, ông Hơn buồn giọng: "Ai mà không muốn tương lai của mình được ở trong những ngôi nhà khang trang, không bị nước ngập, mưa dột… Nhưng điều kiện của gia đình tôi bây giờ không biết phải dời đi đâu, về đâu? Có một điều tôi sẽ buồn nếu phải rời xa nơi này. Bởi cả tuổi thơ, thời thanh xuân của vợ chồng tôi đều ở đây. Con cháu tôi cũng lớn lên từ những cánh rừng này…". 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem