"Sốt đất" hạ nhiệt, ngân hàng “rót” tiền vào đâu?

N.Minh Thứ sáu, ngày 07/05/2021 13:33 PM (GMT+7)
Đến nay, "sốt đất" đã hạ nhiệt, các chuyên gia dự báo dòng vốn ngân hàng sẽ “rót” nhiều hơn vào chứng khoán và lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Với lĩnh vực bất động sản, dư nợ đối với lĩnh vực này có thể tăng chậm lại song không “đột biến”.
Bình luận 0

Bộ Xây dựng vừa công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý I/2021, trong đó đề cập đến hiện tượng tăng nóng ở nhiều địa phương trên cả nước.

Cụ thể, tại Hà Nội, theo ghi nhận của các đơn vị nghiên cứu thị trường, một số khu vực đất đai ở các vùng ven đô, quy hoạch nâng cấp lên quận đều bị đẩy lên tương đương 30 - 50 triệu đồng/m2; bình quân các vùng Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên, Quốc Oai tăng khoảng 20 - 30%, Ba Vì tăng 45%.

Một số điểm thuộc các tỉnh như Hòa Bình tăng 46%, Bắc Ninh tăng 20%, Hưng Yên tăng 26%.

Tại TP.HCM, giá nhà đất ở khu vực TP. Thủ Đức liên tục tăng nhiều đợt từ trước thời điểm thành lập thành phố đến nay. Đơn cử trên tuyến đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Phước Thiện, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Văn Tăng…, vị trí đất mặt đường đã lên tới hơn 100 triệu đồng/m2, thậm chí gần 200 triệu đồng/m2; tại phường Trường Thọ, giá đất trước đây chỉ khoảng 40 - 50 triệu đồng/m2 đã tăng lên tới 70 - 90 triệu đồng/m2, thậm chí 100 triệu đồng/m2.

"Sốt đất" hạ nhiệt, ngân hàng “rót” tiền vào đâu? - Ảnh 1.

Bộ Xây dựng cho biết, tình trạng giá đất tăng nóng cục bộ tại một số địa phương chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi lắng xuống sau khi chính quyền kịp thời đưa ra các chỉ đạo.

"Sốt đất" hạ nhiệt, tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh?

Dù Ngân hàng Nhà nước đã lên tiếng khẳng định, tín dụng ngân hàng không phải là nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng "sốt đất" trong thời gian qua nhưng theo số liệu thống kê về dư nợ tín dụng trong 3 tháng đầu năm – cùng thời điểm diễn ra hiện tượng sốt đất, tín dụng bất động sản đã chạm mốc 1,85 triệu tỷ đồng, tức tăng 3% trong quý I/2021.

Con số này cao hơn so với tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành tại cùng thời điểm là 2,93% (tương đương khoảng gần 8,5 triệu tỷ đồng đổ vào nền kinh tế).

Trong khi đó, tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng thấp. Tiêu biểu như dư nợ tín dụng với nông nghiệp, nông thôn chỉ tăng 0,5%, doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 2,5%, xuất khẩu tăng 2,5%, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 0,3%.

Như vậy, dư nợ tín dụng bất động sản "không hề khiêm tốn".

Tại cuộc họp báo mới đây của Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cũng thừa nhận, sự sôi động của thị trường bất động sản thời gian qua tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.

"Bất động sản cũng như chứng khoán là 2 lĩnh vực tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Do đó thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường chỉ đạo các tổ chức tín dụng giám sát chặt chẽ hoạt động đầu tư và giám sát chặt chẽ dòng tiền, kiểm tra kiểm soát cho vay đối với các khoản đầu tư vào lĩnh vực này".

Trên thực tế, sau hàng loạt chỉ đạo từ các bộ ngành, địa phương và cảnh báo về việc "siết" tín dụng vào BĐS của Ngân hàng Nhà nước, nhiều nơi đã có dấu hiệu "dứt" cơn sốt đất, cảnh giao dịch đông đúc, nhộn nhịp gần như biến mất.

Ông Nguyễn Văn Bình, giám đốc một doanh nghiệp sản xuất nhựa hy vọng "cắt" được "cơn sốt đất" thì tín dụng sẽ chuyển hướng sang lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

"Nhu cầu vốn sản xuất của doanh nghiệp hiện nay rất lớn nhưng thời gian qua lĩnh vực bất động sản lại là kênh hút vốn lớn của các ngân hàng. Hy vọng, khi bất động sản hạ nhiệt, dòng vốn ngân hàng thay vì chảy mạnh vào bất động sản sẽ chuyển hướng chảy nhiều hơn sang lĩnh vực sản xuất kinh doanh", ông Bình chia sẻ.

"Sốt đất" hạ nhiệt, ngân hàng “rót” tiền vào đâu? - Ảnh 3.

"Sốt đất" hạ nhiệt, tín dụng dự báo sẽ đổ nhiều hơn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên đang có mức tăng trưởng tín dụng thấp trong quý I vừa qua

Chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh cũng cho hay, khi "sốt đất" hạ nhiệt những đối tượng vay vốn ngân hàng để đầu tư kiếm lợi lúc này sẽ không đạt được lợi nhuận như kỳ vọng, như vậy có thể sẽ tìm đến kênh đầu tư khác.

"So với quý I, tín dụng có thể sẽ chảy nhiều hơn vào sản xuất kinh doanh khi nhu cầu vay vốn "ôm" bất động sản giảm. Cũng không loại trừ khả năng tiền được "rót" mạnh hơn vào chứng khoán khi thị trường này cũng đang rất sốt", vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nêu ý kiến: "Tôi kỳ vọng là thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nắn dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn nữa. Như vậy, tín dụng sẽ không còn chảy mạnh vào lĩnh vực rủi ro.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phải phát triển thị trường bất động sản một cách lành mạnh, bởi đây vẫn là kênh đầu tư, đóng góp quan trọng vào huy động vốn, cũng như phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, ngân hàng cần đầu tư vào những dự án minh bạch, chủ đầu tư có nền tảng tài chính vững vàng".

Cho vay bất động sản vẫn hấp dẫn vì lãi suất thấp

Cho rằng "sốt đất" hạ nhiệt tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản có thể sẽ không còn "nóng" như trong những tháng đầu năm nay, song theo ông Thịnh, dòng vốn tín dụng đổ vào lĩnh vực này có thể tăng trưởng chậm lại nhưng không quá "đột biến" so với thời kỳ bất động sản tăng nóng, bởi nhu thực về nhà ở vẫn rất lớn.

Trong khi đó, việc các ngân hàng đang tích cực triển khai các gói vay ưu đãi bất động sản, cho vay mua nhà, cũng kích thích nhu cầu vay vốn của người dân khi "sốt đất" hạ nhiệt.

Đơn cử như tại VPBank, đến hết 31/12/2021, khách hàng có nhu cầu vay mua nhà phố, bất động sản có giấy chủ quyền sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi từ VPBank với kỳ hạn linh hoạt chỉ từ 5,9%/năm trong 03 tháng đầu tiên, 8,1%/năm trong 06 tháng hoặc 8,9%/năm trong 24 tháng đầu tiên.

Ngân hàng Sacombank giảm lãi suất ưu đãi từ 9,5%/năm xuống còn 8,5%/năm, lãi suất sau ưu đãi được tính theo lãi suất tiết kiệm 13 tháng cộng biên độ 4,7%. Ngân hàng Techcombank giảm lãi suất từ 7,29%/năm xuống 6,69%/năm; còn lãi suất sau thời gian ưu đãi từ 10,5%/năm. Ngân hàng BIDV và PVCombank giảm lãi suất từ 7,8%/năm xuống 7,5%/năm và từ 7,49%/năm xuống 6,5%/năm. Ngân hàng TPBank cũng giảm lãi suất ưu đãi từ 7%/năm xuống 6,9%/năm.

"Sốt đất" hạ nhiệt, ngân hàng “rót” tiền vào đâu? - Ảnh 4.

Các ngân hàng tung nhiều chương trình cho vay ưu đãi dành cho lĩnh vực bất động sản

Bà Vũ Thị Mai (Từ Sơn, Bắc Ninh) bày tỏ: "Hy vọng là Chính phủ cũng như các ban ngành kiềm chế được giá đất, bình ổn giá để người dân có nhu cầu nhà ở thực sự như chúng tôi tận dụng được thời điểm lãi suất vay mua nhà của các ngân hàng đang xuống thấp để có thể an cư lạc nghiệp"

Anh Lê Văn Hoan (Triều Khúc, Hà Nội) cho biết, thời gian qua do giá nhà đất tăng lên quá cao nên dù nhu cầu mua nhà ở đang rất cấp thiết nhưng gia đình anh Hoan vẫn phải "hoãn" do không đủ điều kiện tài chính. "Trước kia tích góp chưa được nhiều, lãi suất vay ngân hàng lại cao nên tôi vẫn đợi cơ hội tốt hơn. Thế nhưng, khi lãi suất vừa hạ chưa kịp trở tay thì giá nhà đất lại tăng vùn vụt, gia đình chờ giá đất giảm thêm sẽ vay thêm ngân hàng để mua", anh Hoan nói.

CEO Techcombank Jens Lottner cũng thừa nhận, nhà băng này nhận thấy dù nhu cầu mua nhà ở rất lớn. Nắm bắt nhu cầu, nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay mua nhà. Tuy nhiên giá sản phẩm là một thách thức lớn với nhiều người. Vì vậy, để có thể thúc đẩy cho vay mua nhà và mua các sản phẩm bất động sản, lãi suất hợp lý là lợi thế.

Ông Lê Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng An Bình (ABBank) thì cho hay: "Ngân hàng An Bình chỉ tập trung cho vay mua nhà để ở, với nguồn thu từ lương hoặc các nguồn thu nhập khác đều đặn hàng tháng của họ. Còn lĩnh vực kinh doanh bất động sản sẽ khống chế dưới 8%".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem