Startup Việt thổi hồn cho vỏ ốc, vỏ sò nhận vốn 6 tỷ đồng
Nhà sáng lập BluSaigon - Tôn Nữ Xuân Quyên xuất hiện cùng bố - doanh nhân Tôn Thạnh Nghĩa, đến Shark Tank kêu gọi sự đồng hành của các Shark cho doanh nghiệp của mình.
Tôn Thạnh Nghĩa là "ông trùm" ngành xuất khẩu nút áo bằng vỏ sò, ngọc trai sang rất nhiều nước trên thế giới. Trong 25 năm khởi nghiệp, ông luôn trăn trở về việc giới thiệu và mang tặng những người bạn, đối tác quốc tế một món quà Việt Nam đúng nghĩa.
Với lợi thế sẵn có từ việc chế tác vỏ ốc, ông đã nghĩ đến việc tạo ra các món quà từ sản vật thiên nhiên này. Trong 10 năm trở gần đây, ông đã từng bước nghiên cứu và chế tác các loại bút từ vỏ sò, vỏ ốc, ngọc trai và đến năm ngoái mới làm ra thành phẩm vừa ý.
Được chuyển giao việc chế tác và giới thiệu sản phẩm này từ bố để độc lập sản xuất, Tôn Nữ Xuân Quyên đã chính thức dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ vỏ sò, vỏ ốc.
Chia sẻ thêm về sản phẩm đầu tiên của BluSaigon - bút ngọc trai, Xuân Quyên cho biết, với mọi người đây có thể chỉ là một chiếc bút đẹp nhưng với cô, đây là sự bảo tồn nghệ thuật khảm trai hàng nghìn năm tuổi của Việt Nam.
Bút ngọc trai thân thiện với môi trường, được làm bằng tay hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên. “Mỗi một vân ốc trên cây bút nó là độc bản nên tất cả sản phẩm đều khác nhau và chúng là duy nhất” – Xuân Quyên tự hào nói về sản phẩm của mình.
Nhà sáng lập BluSaigon bày tỏ mong muốn, “Sản phẩm này tiềm năng trở thành quà tặng quốc gia của Việt Nam, hoặc trở thành một kỷ vật mà chúng ta có thể để lại cho con cháu của mình”.
Phân tích thêm về quy mô thị trường, Xuân Quyên cho biết, sản phẩm này có thị trường trị giá 400 tỷ USD và khả năng doanh thu lên đến 400 triệu USD.
BluSaigon cũng đã có rất nhiều lời đề nghị từ các nhà phân phối đến từ Mỹ, Úc, Canada muốn trở thành đại lý độc quyền. Chính vì những lý do trên, Xuân Quyên đến Shark Tank để kêu gọi số vốn 4 tỷ đồng cho 10% cổ phần.
Sau phần trình bày của Xuân Quyên, các Shark đã liên tục đặt ra các câu hỏi về sự khác biệt của BluSaigon và công ty của ông Tôn Thạnh Nghĩa, về các sản phẩm đang sản xuất, cũng như bức tranh tài chính của startup.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Xuân Quyên cho biết, công ty của bố tập trung vào xuất khẩu sản phẩm nút, không phát triển thương hiệu. Còn BluSaigon sản xuất bút, trang sức, ốc tường, các sản phẩm về vỏ sò, ốc, ngọc trai,.. với mong muốn tạo ra sản phẩm của người Việt Nam có thương hiệu trên thương trường.
Nhà sáng lập của BluSaigon cũng chia sẻ thêm, vốn điều lệ của công ty là 5 tỷ, thực góp 4 tỷ. Doanh số năm 2020 của doanh nghiệp khoản 3 tỷ, lợi nhuận 20%.
BluSaigon đã có website và bán qua Amazon cũng như thử phát triển trên Indiegogo và nhận được những phản hồi khá tích cực. “Ở Đức, Ý có một số thương hiệu nổi tiếng như Mont Blanc,… doanh số trung bình là 400 triệu USD/năm, khá trường tồn…Đây là một thị trường mà Việt Nam có thể đến” - Xuân Quyên khẳng định.
Cùng chung một ý kiến, các Shark cho rằng bút của BluSaigon rất đẹp, tinh xảo, đẳng cấp nhưng quan trọng là câu chuyện xây dựng thương hiệu.
Trả lời các Shark, Xuân Quyên cho biết, mình dự định sẽ phát triển về thiết kế, đầu tư vào trải nghiệm của người dùng. Bên cạnh đó, các sản phẩm đều có ý nghĩa riêng, có loại được đặt theo tên các vị thần Hy Lạp vì định hướng bán ra Châu Âu.
Lúc này, Shark Việt lên tiếng góp ý, BluSaigon nên suy nghĩ về việc đặt tên bút theo các học giả nổi tiếng của Việt Nam vì Việt Nam có rất nhiều danh nhân để tự hào.
Shark Phú băn khoăn, hỏi Xuân Quyên về căn cứ của việc định giá khi lợi nhuận chỉ có 600 triệu nhưng đã định giá công ty lên 40 tỷ, nghĩa là gấp gần 100 lần.
Xuân Quyên cho rằng, cô dựa vào doanh thu hiện tại ngành nút của gia đình là 40 tỷ một năm. Sản phẩm bút có thể dễ hơn nút, bên cạnh đó còn một số sản phẩm khác như trang sức, ốc tường trang trí cho các dự án bất động sản.
Shark Phú khuyên BluSaigon nên duy trì doanh nghiệp ở quy mô gia đình, vì ngành thủ công mỹ nghệ không tăng trưởng quá nhanh nên không cần nhiều vốn phát triển ra bên ngoài. Ngành này cũng không liên quan đến hệ sinh thái sẵn có của SUNHOUSE nên Shark Phú quyết định không đầu tư.
Shark Hưng nhận định đây là một sản phẩm đi theo thị trường ngách. Để bán với mức giá đắt thì quan trọng là làm sao cho khách hàng nhận biết được giá trị con người và yếu tố văn hóa nằm trong sản phẩm. Shark Hưng cũng chia sẻ thêm về câu chuyện thương hiệu xung quanh chiếc bút nổi tiếng thế giới Mont Blanc và cách ứng dụng giá trị thương hiệu vào BluSaigon.
“Em phải kể câu chuyện, muốn trở thành món quà quốc gia thì các nguyên thủ đã dùng để tặng các nguyên thủ quốc gia khác chưa. Hãy nghĩ câu chuyện đằng sau nó và hãy khiến người mua tặng và người được tặng biết giá trị và tự hào khi sử dụng sản phẩm này” - Shark Hưng khuyên. Nhận thấy có thể hỗ trợ Xuân Quyên trong việc kinh doanh sản phẩm cao cấp tầm cỡ quốc tế, Shark Hưng đưa ra đề nghị 4 tỷ cho 40% cổ phần.
Shark Liên chia sẻ mình rất tự hào vì đây là một sản phẩm đẹp và tinh tế, ý tưởng hướng về môi trường nhưng định hướng của Xuân Quyên đang muốn giống các thương hiệu quốc tế như Mont Blanc là rất khó và cần thời gian đủ lâu dài. Vì vậy Shark Liên rút khỏi deal này và khuyên nhà sáng lập BluSaigon nên tìm ai có cùng định hướng trong lĩnh vực này.
Tiếp lời Shark Liên, Shark Việt cho rằng “Không phải người ta to mà mình không dám chơi mà muốn làm từ cái lớn phải làm từ cái bé”. Vì vậy, Shark Việt đưa ra đề nghị 4 tỷ cho 32% với định giá trước khi đầu tư là 8,5 tỷ, “Và em sẽ có cả một kho kinh nghiệm về văn hóa, lịch sử, kinh doanh” – Shark Việt chia sẻ lợi thế nếu BluSaigon về với mình.
Sau Shark Liên và Shark Phú, Shark Bình là vị “cá mập” thứ 3 từ chối đầu tư. Tuy nhiên, Shark Bình có thể hỗ trợ startup trong việc chuyển đổi số và bán hàng bằng thương mại điện tử ở Việt Nam và ra vùng Đông Nam Á.
Định giá của các Shark đưa ra hơi thấp khiến Xuân Quyên không khỏi phân vân. Cô cũng nghĩ rằng, những lời góp ý của các Shark là rất chính xác vì đây là lĩnh vực đang trong giai đoạn “đốt tiền”, “4 tỷ là không đủ, không biết Shark có sẵn lòng góp thêm” – Xuân Quyên đề nghị với 2 Shark đang xuống deal.
Shark Hưng khẳng định: “Chúng ta sẽ cùng nhau đi gọi” còn Shark Việt tự tin: “Anh chưa bao giờ thấy khó khăn về vốn, quan trọng nhất là mình khẳng định được thương hiệu”.
Lúc này, Xuân Quyên đưa ra con số khác: 6 tỷ cho 20% và mong có 2 Shark cùng tham gia nhưng các Shark đề nghị cô chỉ có thể chọn một. Sau nghi nghe tham vấn từ bố, Xuân Quyên đã quyết định chọn về với Shark Việt và giải thích, tuy Shark Việt và Shark Hưng đều có kiến thức rất sâu rộng về lịch sử Việt Nam - một trong những điều mà BluSaigon đang muốn tìm hiểu nhưng “Shark Việt mở lòng hơn với các sản phẩm mới và dám liều hơn” – Nhà sáng lập BluSaigon nói.