Sự chân tình, hiếu khách của người Cà Mau cũng là một sản phẩm du lịch

Chúc Ly Thứ sáu, ngày 26/03/2021 13:00 PM (GMT+7)
Người dân địa phương cũng là một sản phẩm du lịch, chính họ nói về sản phẩm của họ thì không ai bằng cả. Chính sự chân tình, hiếu khách của người Cà Mau cũng là một sản phẩm du lịch.
Bình luận 0

Đó là khẳng định của bà Tạ Thị Tú Uyên, đại diện Công ty du lịch và giao thông vận tải Việt Nam Vietravel tại hội nghị xúc tiến du lịch tỉnh Cà Mau năm 2021, được UBND tỉnh tổ chức ngày 26/3.

Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù

Là một trong bốn tỉnh vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, Cà Mau sở hữu Khu Dự trữ sinh quyển thế giới và vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Khu Ramsar thế giới), gắn với Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có diện tích tự nhiên khoảng 42.000ha và Vườn Quốc gia U Minh hạ với diện tích 8.286ha. Đây là điều kiện rất thuận lợi đầu tư phát triển du lịch sinh thái, với tiềm năng của rừng, biển và hệ sinh thái động vật, thực vật rất phong phú, với trên 200 loài thủy sản của hệ sinh thái mặn, lợ, ngọt…

Sự chân tình, hiếu khách của người Cà Mau cũng là một sản phẩm du lịch - Ảnh 1.

Ông Trần Hồng Quân chủ trì hội nghị xúc tiến du lịch tỉnh Cà Mau được UBND tỉnh tổ chức ngày 26/3. Ảnh: Chúc Ly.

Bên cạnh đó, nhận thức được tiềm năng lợi thế sẵn có, trong những năm qua, Cà Mau đã có nhiều chính sách để bảo tồn di sản văn hóa, di tích lịch sử từng bước gắn kết với phát triển du lịch.

Đặc biệt, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó nêu rõ quan điểm "Phát triển du lịch đảm bảo hài hòa giữa kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân… giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc". Đồng thời trong nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, Nghị quyết cũng xác định "Đầu tư xây dựng và mở rộng điểm du lịch văn hóa, lịch sử tại các khu di tích trong tỉnh; … tập trung hình thành các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…".

Sự chân tình, hiếu khách của người Cà Mau cũng là một sản phẩm du lịch - Ảnh 2.

Cà Mau có điều kiện thiên nhiên ưu đãi, phù hợp cho phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm. Ảnh: Chúc Ly.

UBND tỉnh Cà Mau đã có nhiều kế hoạch, đề án phát triển du lịch; tu bổ, tôn tạo, phục dựng di tích, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể nhằm cụ thể hóa nghị quyết Tỉnh ủy. Qua đó đã hình thành 18 khu, điểm du lịch cộng đồng, thu hút sự quan tâm của khách du lịch, nhất là các hoạt động trải nghiệm văn hóa, đời sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân. Toàn tỉnh có 12 di tích cấp quốc gia và 32 di tích cấp tỉnh.…

Con người địa phương cũng là sản phẩm du lịch

Chia sẻ tại hội nghị, ông Tiêu Minh Tiên – Phó Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Cà Mau, thông tin: Xác định sản phẩm du lịch là yếu tố then chốt, quyết định sự phát triển du lịch của địa phương; do đó, thời gian qua Sở tập trung xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng, đặc thù tự nhiên của Cà Mau để huy động nguồn lực xây dựng và phát triển.

Sự chân tình, hiếu khách của người Cà Mau cũng là một sản phẩm du lịch - Ảnh 3.

Hoạt động trải nghiệm tại khu du lịch cộng đồng ở Cà Mau là một sản phẩm du lịch đặc thù. Ảnh: CTV.

Theo đó, du lịch Cà Mau xác định có ba tuyến du lịch chính gồm: Cà Mau – Khu du lịch Mũi Cà Mau; Cà Mau – Vườn Quốc gia U Minh hạ - Hòn Đá Bạc; Cà Mau – Khu du lịch sinh thái Sông Trẹm. Riêng tuyến du lịch Cà Mau – Khu du lịch Mũi Cà Mau được xác định là tuyến trọng điểm của tỉnh, để tập trung phát triển trở thành Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030.

Thời gian qua, du lịch Cà Mau đã và đang khai thác phát triển các tuyến du lịch tham quan xuyên rừng Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, được xem là sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc thù, từng bước phát triển thương hiệu du lịch Cà Mau có sức cạnh tranh so với khu vực và cả nước.

Tại hội nghị, các đại biểu, đơn vị du lịch lữ hành đã có nhiều đóng góp cho tỉnh Cà Mau trong phát triển các sản phẩm du lịch, nhất là du lịch cộng đồng.

Sự chân tình, hiếu khách của người Cà Mau cũng là một sản phẩm du lịch - Ảnh 4.

Bà Tạ Thị Tú Uyên, đại diện Công ty du lịch và giao thông vận tải Việt Nam Vietravel, cho rằng, sự chân tình, hiếu khách của người Cà Mau cũng là một sản phẩm du lịch. Ảnh: TT.

Nói về các giải pháp đề phát triển du lịch cộng đồng tại Cà Mau, bà Tạ Thị Tú Uyên, đại diện Công ty du lịch và giao thông vận tải Việt Nam Vietravel, cho rằng: "Cơ quan nhà nước cần tập trung hoàn thiện quy hoạch chi tiết cho các điểm tham quan du lịch. Tỉnh cần có cơ chế, chính sách để tạo cơ hội cho người dân được cung cấp được hàng hóa, dịch vụ du lịch, và khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành tiêu thụ sản phẩm do người dân địa phương làm ra".

"Người dân địa phương cũng là một sản phẩm du lịch, chính họ nói về sản phẩm của họ thì không ai bằng cả. Chính sự chân tình, hiếu khách của người Cà Mau cũng là một sản phẩm du lịch. Và loại hình du lịch cộng đồng ở đây là du khách tiếp cận đời sống của dân", bà Uyên nhấn mạnh.

Cũng theo bà Uyên, trong du lịch cộng đồng, chúng ta cần đầu tư cơ sở lưu trú mang tính riêng tư, nhất là đảm bảo an toàn cho du khách. Bên cạnh đó, tỉnh cần quy hoạch và mở rộng, làm sống dậy những làng nghề truyền thống. Du khách không chỉ xem mà còn phải trải nghiệm. Trong du lịch cộng đồng, người dân cần có sự liên kết bền vững. Họ phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường thiên nhiên, văn hóa của họ. Bởi chính điều đó là một sản phẩm du lịch để thu hút du khách.

Sự chân tình, hiếu khách của người Cà Mau cũng là một sản phẩm du lịch - Ảnh 5.

Con người địa phương có nhiều lợi thế để phát triển đầu tư làm du lịch cộng đồng. Ảnh: Chúc Ly.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Hồng Quân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, thông tin: Tỉnh sẽ có kế hoạch cụ thể để xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược tham gia các dự án du lịch, khu vui chơi giải trí… mang tính động lực để thúc đẩy phát triển du lịch.

"Bên cạnh đó, ưu tiên hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục thu hút đầu tư, hỗ trợ thuê đất ổn định lâu dài đối với các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù có sức cạnh tranh, các dự án phát triển sản phẩm du lịch thân thiện môi trường, đặc biệt tại khu vực Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn quốc gia U Minh Hạ. Khuyến khích đầu tư vào phát triển các khu vui chơi giải trí, đặc biệt là các loại hình văn hóa nghệ thuật dân tộc kết hợp với du lịch", ông Quân cho biết.

Theo ông Quân, với quyết tâm huy động mọi nguồn lực tập trung để trong thời gian tới, ngành du lịch Cà Mau trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế cùng phát triển.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem