Hóa giải thách thức chứng minh nguồn gốc gỗ: “Khát” nguồn nguyên liệu gỗ FSC (bài 2)

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 15/11/2022 05:46 AM (GMT+7)
Những yêu cầu về sự minh bạch trong nguồn gốc gỗ hợp pháp của các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã khiến “cơn khát” nguồn gỗ có chứng chỉ rừng bền vững (FSC) trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết.
Bình luận 0

Sản phẩm dùng gỗ FSC bán đắt hàng

Là doanh nghiệp chuyên tập trung vào sản phẩm ván ép uốn cong, sản xuất theo đơn đặt hàng của những "ông trùm" thức ăn nhanh từ Mỹ, Công ty TNHH ván ép cơ khí xây dựng Nhật Nam có trụ sở ở TP.HCM và nhà máy chế biến tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, rất cần nguồn gỗ có chứng chỉ rừng bền vững (FSC). 

Ông Nguyễn Minh Nhật - Giám đốc công ty cho biết, doanh nghiệp của ông tập trung vào thị trường ngách là ván ép uốn cong, chuyên cung cấp cho chuỗi các cửa hàng đồ ăn nhanh của Mỹ như Starbucks, McDonald. 

"Làm những dòng sản phẩm này tuy khó hơn, cao cấp hơn và phải theo khuôn đối tác yêu cầu, nhưng bù lại là giá cao" - ông Nhật cho biết.

Hóa giải thách thức chứng minh nguồn gốc gỗ (bài 2): “Khát” nguồn nguyên liệu gỗ FSC - Ảnh 1.

Chế biến sản phẩm gỗ tại Công ty TNHH ván ép cơ khí xây dựng Nhật Nam (thị xã Bến Cát, Bình Dương). Ảnh: K.N

Thế giới hiện có 2 hệ thống chứng chỉ dành cho vùng nguyên liệu rừng trồng. Một là FSC với 10 nguyên tắc và 64 tiêu chí, áp dụng cho gỗ và một số sản phẩm phi gỗ. Việt Nam hiện có 180.000ha rừng trồng đạt chứng nhận FSC. Hai là, hệ thống chứng chỉ PEFC, diện tích rừng được đánh giá theo chứng chỉ này lớn hơn. Hiện Việt Nam có 226.429 ha rừng đạt chứng chỉ FSC và 54.529 ha rừng đạt chứng chỉ VFCS/PEFC.

Để làm được ván ép uốn cong, công ty ông Nhật sử dụng khoảng 95% là gỗ cao su, 5% là các loại gỗ nhập khẩu. Đối với việc sử dụng nguyên liệu gỗ có chứng chỉ FSC, ông Nhật cho biết, nếu khách hàng yêu cầu nguyên liệu gỗ phải lấy từ diện tích rừng có chứng chỉ FSC thì doanh nghiệp của ông buộc phải nhập khẩu từ những quốc gia có rừng đã được cấp FSC.

"Khách hàng ngày càng đòi hỏi phải chứng minh nguồn gốc gỗ, 25% số lượng đơn hàng của chúng tôi có yêu cầu nguyên liệu phải có FSC nên chúng tôi phải nhập khẩu nguyên liệu để đáp ứng. Nếu đàm phán được với khách hàng đồng ý sử dụng gỗ keo thì đơn giản hơn vì hiện diện tích gỗ keo có chứng chỉ FSC ở Việt Nam đã nhiều hơn" - ông Nhật thông tin.

Cũng theo ông Nhật, gỗ cao su trắng đẹp, làm được nội thất cao cấp tuy nhiên hiện nay cao su của Việt Nam chưa có chứng chỉ FSC. Đáng chú ý, nếu làm gỗ có chứng chỉ FSC, giá của sản phẩm cao hơn khoảng 25%. Năm 2021, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của doanh nghiệp của ông Nhật đạt khoảng 4 triệu USD.

uốn có nguồn nguyên liệu gỗ cao su có FSC

Là một doanh nghiệp hàng đầu trong sản xuất ván plywood, Công ty CP Tekcom (thị xã Tân Uyên, Bình Dương) đang có nhu cầu rất lớn về nguồn nguyên liệu gỗ cao su, keo có chứng chỉ FSC. Hiện, nguồn nguyên liệu Tekcom sử dụng chủ yếu là gỗ cao su, keo, bạch đàn, thông - là các loại gỗ rừng trồng trong nước.

Hóa giải thách thức chứng minh nguồn gốc gỗ: “Khát” nguồn nguyên liệu gỗ FSC (bài 2) - Ảnh 3.

ông ty CP Tekcom (thị xã Tân Uyên, Bình Dương) đang có nhu cầu rất lớn về nguồn nguyên liệu gỗ cao su, keo có chứng chỉ FSC. Ảnh: T.K

"Hiện nay, nhu cầu ván plywood khá lớn, lên đến 18.000m3/tháng, tuy nhiên do thị trường xuất khẩu EU, Mỹ có sự ràng buộc về nguồn gốc, ví dụ thị trường phải đảm bảo có chứng chỉ FSC nên Tekcom cố gắng đáp ứng được yêu cầu này. Với nguồn nguyên liệu keo thì làm FSC đơn giản hơn, nhưng với cao su thì còn nhiều khó khăn" - bà Cao Thị Thúy An - Trưởng phòng mua hàng của Tekcom cho biết.

Cũng theo bà An, để đáp ứng được yêu cầu của các nhà nhập khẩu về nguồn gốc gỗ và gỗ có chứng nhận FSC, Tekcom phải lựa chọn nhà cung cấp chứng minh được nguồn gốc đầu vào: "Đối với nhà máy của Tekcom ở Bình Dương, nguồn gỗ có ưu thế nhất là cao su. Gỗ cao su có chất lượng bề mặt tốt, có thể so sánh với gỗ birch của Nga nhưng lại khó lấy chứng chỉ FSC cho vùng nguyên liệu".

Trong khi đó, nguồn gỗ keo có lợi thế về FCS vì người dân có ý thức trồng rừng có hệ thống, rừng keo cũng có trữ lượng lớn, nhất là ở miền Bắc, miền Trung nhưng lại quá xa nhà máy của Tekcom. 

Bên cạnh đó, do phải thu mua nguyên liệu qua nhiều đầu mối nên việc chứng minh nguồn gốc gỗ cũng là vấn đề nan giải. Tekcom phải hỗ trợ nhà cung cấp thì mới hoàn thiện bộ chứng từ để chứng minh nguồn gốc.

Theo bà An, để hóa giải những khó khăn trong việc xác minh nguồn gốc gỗ, cũng là vấn đề làm đau đầu các doanh nghiệp ngành dăm gỗ khi không thể hoàn thuế giá trị gia tăng, cần hoàn thiện từ khâu ban đầu, từ nhà trồng rừng đầu tiên, xây dựng các mô hình liên kết giữa các nhóm hộ, HTX trồng rừng với doanh nghiệp để rút ngắn được khoảng cách chứng minh nguồn gốc.

"Tekcom đang đầu tư xây dựng nhà máy ở Bình Định để tiến tới gần vùng nguyên liệu, tương lai chúng tôi muốn liên kết với người trồng rừng để sử dụng nguồn rừng FSC" - bà An nói. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem