Sự hiện diện của ông Lý Xuân Hải ở Coteccons và thời kỳ có vay nợ lớn bắt đầu

Quang Dân Chủ nhật, ngày 11/04/2021 11:07 AM (GMT+7)
Từ một doanh nghiệp có tài chính mạnh bậc nhất Việt Nam với trữ tiền mặt thường xuyên trên 30% tổng tài sản, không có bất kỳ khoản nợ vay nào. Đến nay dưới đế chế của Kusto và điều hành của ông Lý Xuân Hải, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng ACB, coteccons sẽ bước sang thời kỳ mới, thời kỳ có vay nợ.
Bình luận 0

Nhân sự ở vị trí cấp cao của Coteccons lần lượt rời đi

CTCP Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD) cho biết vừa nhận được đơn từ nhiệm trưởng Ban kiểm soát và thành viên ban kiểm soát của ông Luis Fernad Garcia Agraz vì lý do cá nhân. 

Được biết, ông Luis Fernad Garcia Agraz được bầu làm trưởng ban kiểm soát Coteccons vào tháng 6/2017, nhiệm kỳ 2017 - 2022.

Chuyện gì đang xảy ra ở Coteccons? - Ảnh 1.

Ông Luis Fernad Garcia Agraz

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian vừa qua ông Luis Fernad Garcia Agraz không phải là nhân sự ở vị trí cấp cao rời khỏi Coteccons. Mới đây, ngày 5/3, HĐQT của CTD có thông báo cho biết không gia hạn nhiệm kỳ vị trí quyền Tổng giám đốc với ông Võ Thanh Liêm.

Như vậy, sau hơn 7 tháng ngồi vị trí này ông Liêm, một trong những nhân sự chủ chốt cuối cùng dưới thời ông Nguyễn Bá Dương, chính thức rời khỏi CTD. Hiện công ty xây dựng này khuyết vị trí CEO.

Trước đó, tháng 10/2020, ông Dương đã phải rời bỏ vị trí Chủ tịch HĐQT sau hơn 16 năm gắn bó để nhường vị trí này cho ông Bolat Duisenov, người của Kustocem Pte. Ltd (Kusto), đại diện nhóm cổ đông thâu tóm CTD.

Sau sự ra đi của ông Nguyễn Bá Dương, một loạt lãnh đạo cấp cao, gắn bó nhiều năm của Coteccons rời đi như ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, ông Từ Đại Phúc -  Phó Tổng giám đốc công ty, ông Nguyễn Sỹ Công (Tổng giám đốc), ông Trần Quang Quân (Phó Tổng giám đốc), ông Trần Văn Chính (Phó Tổng giám đốc).

Điều đáng nói, không chỉ cán bộ chủ chốt, nhiều lao động có tay nghề cũng quyết định rời bỏ CTD, sau khi tập đoàn xây dựng hàng đầu Việt Nam về tay nhóm cổ đông lớn với đại diện là Kusto.

Cụ thể theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2020, số lượng nhân viên đang làm việc tại CTD tính đến cuối năm 1.659 người (giảm 613 người so với đầu năm).

Cần nhấn mạnh, Coteccons trước đây dưới thời ông Dương được đánh giá là doanh nghiệp có chế độ phúc lợi tốt bậc nhất Việt Nam, đảm bảo giữ chân được nhân viên.

Khách hàng lớn lâu năm chuyển sang Newtecons

Không chỉ biến động ở mặt nhân sự, việc nhiều khách hàng lớn lâu năm của Coteccons chuyển sang Newtecons - một công ty xây dựng có liên quan đến người cũ Nguyễn Bá Dương.

Cụ thể, Dự án Spirit of Saigon tại khu "đất vàng" ngay trung tâm quận 1, TP. HCM (hay còn được gọi là Khu tứ giác Bến Thành) đã được đổi tên thành One Central HCM. Tường rào chắn cũng được thay đổi sang thương hiệu Masterise Home, trực thuộc Masterise Group. Thông tin giới thiệu trước dự án cho thấy, Newtecons tham gia dự án với vai trò nhà thầu chính.

Ở dự án khác, Grand Marina Saigon (tên cũ The Centennial Saigon) đang được thi công bởi Newtecons thay vì Coteccons như đã công bố trước đây. Còn nhớ, dưới thời ông Nguyễn Bá Dương còn “cầm lái” Coteccons, Alphaking, chủ đầu tư cũ Grand Marina Saigon (tên cũ The Centennial Saigon) đã ký kết hợp tác chiến lược với Coteccons, theo đó Alphaking sẽ ưu tiên chọn Coteccons làm nhà thầu xây dựng cho các dự án của họ, trong đó có The Centennial Saigon.

Chuyện gì đang xảy ra ở Coteccons? - Ảnh 2.

Dự án Spirit of Saigon tại khu "đất vàng" ngay trung tâm quận 1, TP. HCM (hay còn được gọi là Khu tứ giác Bến Thành) đã được đổi tên thành One Central HCM.

Ngoài ra, Newtecons là đối tác của Masterise khi đơn vị này đang làm tổng thầu thi công xây dựng loạt dự án căn hộ cao cấp tại TP. HCM và Hà Nội, đơn cử tại căn hộ Lumiere Riverside ở quận 2.

"Lướt sóng" lỗ cổ phiếu IDICO

Cuối năm 2020, Covestcons – doanh nghiệp do Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) sở hữu 100% vốn vừa mua 24,4 triệu cổ phiếu IDC của Tổng công ty IDICO để trở thành cổ đông lớn nắm 8,13% vốn. Thị giá khi đó là 35.000 đồng/cổ phiếu.

Thời điểm đó, việc Covestcons mua lượng lớn cổ phiếu IDICO diễn ra hai tháng sau khi ông Bolat Duisenov – Chủ tịch Hội đồng quản trị Coteccons cho biết sắp tới công ty không chỉ làm các dự án xây dựng đơn thuần mà sẽ mở rộng sang hợp tác toàn diện, nghiên cứu thị trường và những cơ hội tiềm năng trong lĩnh vực hạ tầng, xây dựng công nghiệp và nhà thầu EPC (thực hiện toàn bộ công việc từ thiết kế kỹ thuật, cung ứng vật tư cho đến xây dựng). 

Tuy nhiên, không lâu sau, Convestcons đã ra hơn 22,5 triệu cổ phiếu IDC, qua đó hạ tỷ lệ sở hữu tại đây từ 8,13% xuống còn 0,62% và không còn là cổ đông lớn tại IDICO.

Phiên thoái vốn nêu trên diễn ra vào ngày 29/1, tạm tính theo mức giá tham chiếu của phiên là 32.000 đồng/cổ phiếu, Convestcons có thể đã thu về hơn 700 tỷ đồng.

Như vậy, với mức giá thoái vốn thấp hơn 3.000 đồng/cổ phiếu, Coteccons có thể đã lỗ hơn 67,5 tỷ đồng đồng chỉ sau khoảng 1,5 tháng nắm giữ cổ phiếu IDC.

Chuyện gì đang xảy ra ở Coteccons? - Ảnh 3.

Coteccons hợp nhất có khoản phải thu về cho vay ngắn hạn gần 265 tỷ đồng liên quan đầu tư mua 8,13% cổ phần IDICO

Điểm đáng lưu ý rằng, mặc dù Covestcons công bố ngày hoàn tất mua vào hơn 24,4 triệu cổ phiếu IDC là ngày 15/12/2020. Tuy nhiên, trên Báo cáo tài chính hợp nhất của Coteccons (đã hợp nhất Báo cáo tài chính của Covestcons) không thể hiện giá trị khoản đầu tư tài chính vào cổ phiếu IDC.

Nhưng ở khoản mục khác, "Phải thu về cho vay ngắn hạn", Coteccons hợp nhất phải thu về gần 263 tỷ đồng sau kiểm toán (265 tỷ đồng trước kiểm toán) đã cho CTCP Đá Vĩnh Tân vay theo hợp đồng hợp tác kinh doanh được ký vào ngày 17/11/2020 giữa Covestcons và CTCP Đá Vĩnh Tân để mua 8,13% cổ phần của IDICO.

Điều này khiến không ít nhà đâu tư đặt câu hỏi vì sao CTD phải đi đường vòng trong thương vụ đầu tư IDICO, cũng như mối quan hệ giữa CTCP Đá Vĩnh Tân và Covestcons?

Kết quả kinh doanh lao dốc

Báo cáo tài chính kiểm toán của Coteccons vừa công bố cho thấy, sau soát xét, lợi nhuận hợp nhất sau thuế chỉ còn gần 335 tỷ đồng, "bốc hơi" gần 129 tỷ đồng so với con số trên báo cáo tự lập. Nguyên nhân chủ yếu do Coteccons tăng trích lập dự phòng so với báo cáo tự lập khiến chi phí quản lý tăng mạnh. Doanh thu thuần 2020 của Coteccons giảm 39% so với năm trước, ghi nhận hơn 14.558 tỷ đồng.

Coteccons sẽ bước sang thời kỳ mới, thời kỳ có vay nợ.! - Ảnh 4.

Kết quả kinh doanh của Coteccons qua các năm. Nguồn: BCTC hợp nhất kiểm toán

Đáng chú ý, dòng tiền kinh doanh của Coteccons tiếp tục âm hơn 566 tỷ đồng.Tính đến cuối năm, tổng tài sản của Coteccons còn 14.157 tỷ đồng, giảm khoảng 2.000 tỷ đồng. Các khoản tiền và tương đương tiền có hơn 1.396 tỷ đồng, khoản phải thu ngắn hạn trên 7.648 tỷ đồng, hàng tồn kho trên 1.492 tỷ đồng.

Lần đầu phát hành nợ

Từ một doanh nghiệp có tài chính mạnh bậc nhất Việt Nam với trữ tiền mặt thường xuyên trên 30% tổng tài sản, không có bất kỳ khoản nợ vay nào (dữ liệu công khai từ năm 2006). Đến nay dưới đế chế của Kusto và các nhà quản trị tài chính gạo cội như ông Lý Xuân Hải, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng ACB, bà Trịnh Quỳnh Giao, Coteccons sẽ bước sang thời kỳ mới, thời kỳ có vay nợ.

Cụ thể, tại Đại hội đồng cổ đông năm 2021, dự kiến tổ chức ngày 26/4 tại TP.HCM tới đây,  lãnh đạo công ty sẽ trình cổ đông kế hoạch phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được bảo đảm bằng tài sản.

Coteccons sẽ bước sang thời kỳ mới, thời kỳ có vay nợ.! - Ảnh 5.

Trữ tiền mặt của Coteccons thường xuyên trên 30% tổng tài sản

Nếu kế hoạch này thành công, đây sẽ là lần đầu tiên trên bảng cân đối kế toán của Coteccons sẽ ghi nhận khoản vay nợ lớn.

Đồng thời, công ty lên kế hoạch doanh thu năm 2021 là 17.413 tỷ đồng, tăng trưởng 20%; lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 340 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với thực hiện 2020.

Việc quá nhiều biến động trong thời gian qua khiến khiến nhiều Nhà đầu tư sợ Coteccons sẽ đánh mất vị thế của mình trong ngành xây dựng. Đặc biệt, việc tái cơ cấu bộ máy nhân sự hậu "thay máu" Coteccons cũng cho thấy, cả ông Lý Xuân Hải và bà Trịnh Quỳnh Giao đều là người có chuyên môn sâu về lĩnh vực tài chính, khó có thể khoả lấp được công việc mà ông Nguyễn Bá Dương và đồng sự để lại.

Bên cạnh đó, cái kết của những "cú bẻ lái" thêm ngành khi nhóm Bình Thiên An (từng là cổ đông lớn của Coteccons trước khi Kusto kế thừa) giành quyền chi phối các doanh nghiệp xây dựng vang bóng như Descon hay Beton6 một lần nữa được hằn sâu. Liệu Coteccons với định hướng phát triển rộng ra ngoài ngành nghề truyền thống dưới thời Kusto có đi vào vết xe đỗ của Descon hay Beton6? .

Đối với Descon, nhóm Kusto sau khi nắm đủ số phiếu biểu quyết đã tiến hành bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Nguyễn Xuân Bằng, người sau đó phải rời đi sau 20 năm gắn bó với doanh nghiệp. Còn về Beton 6, doanh nghiệp này cũng bất ngờ hủy niêm yết vào cuối năm 2015, dưới danh nghĩa tái cấu trúc hoạt động trong một năm có sự tăng trưởng mạnh về doanh thu, với sự hậu thuẫn của nhóm cổ đông có liên quan đến Kusto.

Descon và Beton 6 cuối cùng đều đi đến bước đường phá sản.

Tại Đại hội thường niên Coteccons vào tháng 04/2019, phía Kusto từng phải nhận chất vấn từ các cổ đông khác của Coteccons về động cơ của việc công bố những thông tin bất lợi về thương vụ sáp nhập Ricons vào Coteccons trước thềm cuộc họp.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem