Sửa đổi Luật Nhà ở: Bất động sản có nhiều vấn đề “nóng”, Thủ tướng chỉ đạo "nóng"

Thái Nguyễn Thứ hai, ngày 10/04/2023 12:13 PM (GMT+7)
Sáng nay ngày 10/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ để thảo luận, cho ý kiến về các dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi).
Bình luận 0

Theo chương trình, phiên họp thảo luận, cho ý kiến đối với 2 nội dung: việc lấy ý kiến nhân dân và hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trình Quốc hội; việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Thủ tướng cho rằng có nhiều nội dung khó, phức tạp, nhạy cảm, phạm vi rộng, đối tượng nhiều, thời gian ít, có tác động sâu rộng đến người dân, doanh nghiệp, do đó phải tập trung lắng nghe ý kiến của nhân dân, hoàn chỉnh và báo cáo Quốc hội.

Với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Thủ tướng đánh giá đây là vấn đề cũng rất cấp bách vì lĩnh vực bất động sản có nhiều vấn đề "nóng" phải tiếp tục từng bước giải quyết.

Sửa đổi Luật Nhà ở rất cấp bách vì bất động sản có nhiều vấn đề “nóng” - Ảnh 1.

Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi còn nhiều nội dung vướng mắc cần tiếp tục rà soát (Ảnh: TN)

Thủ tướng yêu cầu trước khi trình và các luật có hiệu lực, nếu thấy các vấn đề nổi lên thì tiếp tục tập hợp, xử lý, đề xuất các cấp có thẩm quyền theo quy định để khẩn trương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý.

Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 tới đây, trong đó có cơ chế, chính sách về xây dựng, phát triển nhà ở xã hội.

"Nhiều nội dung của các luật còn những điểm vướng mắc, cho nên chúng ta phải tích cực rà soát, sửa đổi. Trong quá trình sửa đổi, bổ sung, chúng ta phải hết sức lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, những người hoạt động thực tiễn có kinh nghiệm. Đồng thời, phải làm tốt công tác truyền thông chính sách trước, trong và sau khi xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật với sự vào cuộc của các cơ quan soạn thảo và các cơ quan báo chí, truyền thông để tạo sự đồng thuận, nhất trí cao", Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước đó, tại phiên họp thứ 21 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Đáng chú ý, cơ quan này đề nghị không bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần bổ sung quy định cụ thể, chặt chẽ, có tính khả thi về thẩm quyền, trình tự, thủ tục di dời cư dân, phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Trường hợp Chính phủ thấy cần thiết tiếp tục trình Quốc hội phương án khác với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì xây dựng 2 phương án.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem