Sửa luật về phân bón (Luật thuế 71): Doanh nghiệp và nông dân đều trông

Quốc Hải Thứ bảy, ngày 30/01/2021 13:05 PM (GMT+7)
5 năm áp dụng Luật Thuế 71, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước liên tục “kêu cứu” mong sửa đổi luật này để giảm giá thành phân bón cho người nông dân, ủng hộ ngành sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, đến nay việc sửa đổi luật vẫn đang là… kỳ vọng.
Bình luận 0

Ngành phân bón trong vài năm trở lại đây đã hứng chịu nhiều khó khăn cả chủ quan và khách quan khiến hàng loạt doanh nghiệp (DN) thua lỗ, thậm chí trên bờ vực phá sản.

Doanh nghiệp điêu đứng

Thực tế, thuế VAT là thuế gián thu, trong trường hợp với ngành sản xuất phân đạm thời gian qua thì khoản thuế này "đánh" trên vai người tiêu dùng, cuối cùng là nông dân chịu ảnh hưởng. Điều này được các DN phân bón lý giải rằng, ở vai nhà sản xuất, nếu chính sách thuế đánh trên đầu vào của DN, mà DN thì phải có nghĩa vụ phải đảm bảo bảo toàn và phát triển vốn. 

Do đó, chi phí đầu vào bao gồm cả nghĩa vụ tài chính, các chính sách về ngân sách Nhà nước sẽ được hạch toán vào giá bán cho nông dân trên cơ sở giá thành cộng với biên lợi nhuận. Tuy nhiên, Luật 71 sửa năm 2014 lại quy định thuế đầu vào thì không được khấu trừ.

Sửa luật về phân bón (Luật thuế 71): Doanh nghiệp và  nông dân đều trông - Ảnh 1.

Sản phẩm Đạm Phú Mỹ của PVFCCo. Ảnh: Q.H

Mới đây Bộ Tài chính đã trình Chính phủ bản dự thảo luật sửa đổi Luật Thuế 71, trong đó phân bón được thay đổi từ không chịu GTGT sang chịu thuế GTGT 5%.

Với chính sách thuế này, giá bán phân bón nhập khẩu sẽ kém hấp dẫn hơn trước do phải gánh thêm thuế GTGT. Đồng thời, DN sản xuất phân bón được phép khấu trừ toàn bộ thuế GTGT đầu vào của máy móc, nguyên vật liệu, dịch vụ đầu vào dùng trong sản xuất.

"Luật 71 quy định phân bón là mặt hàng không chịu thuế VAT đầu ra nhưng không được khấu trừ đầu vào. Quan sát số liệu từ Hiệp hội Phân bón, Hội Nông dân Việt Nam gửi lên theo đề nghị của Văn phòng Chính phủ, thì lượng phân bón nhập khẩu không ngừng tăng, lên tới 40% sau 5 năm áp dụng luật phân bón sửa đổi" - bà Nguyễn Thị Hiền- Phó Tổng Giám đốc Đạm Cà Mau (hiện nay là Phân bón Cà Mau) cho hay.

Chính vì quy định của Luật 71, các nhà sản xuất phân bón trong nước gặp khó, đặc biệt với các DN sản xuất phân đạm, như Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình liên tục nặng nợ; ngay cả như Đạm Phú Mỹ có nhiều thuận lợi như đặt ở vùng logistics tốt, khấu hao nhà máy bằng 0 nhưng lợi nhuận cũng liên tục giảm.

"Từ khi bắt đầu đưa ra kiến nghị sửa đổi Luật 71 đã là từ năm 2015-2016 rồi nhưng cho đến nay vẫn chưa sửa được. Tại kỳ họp cuối năm 2020 của Quốc hội khóa XIII cũng chưa sửa được, giờ chỉ còn một cơ hội cuối cùng của Quốc hội khóa này là kỳ họp toàn thể vào tháng 3/2021, hy vọng sẽ được sửa đổi" - bà Hiền nói.

Cũng theo bà Hiền, cách nay hơn 1 tháng, phân bón Cà Mau có cơ hội cùng Tập đoàn Dầu khí và Phân bón Phú Mỹ được gặp các ban có thẩm quyền ở Quốc hội để giải trình bản chất vấn đề của Luật 71 và chứng minh rằng đã tối ưu mọi thứ về mặt chi phí nhưng rõ ràng ảnh hưởng của chi phí VAT vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành.

"Gỡ khó về Luật 71 cho chúng tôi, cũng là cách giúp gián tiếp cho người nông dân mua được phân bón nội có chất lượng đảm bảo, có giá không bao gồm chính sách thuế trong đó. 

Phải biết rằng, Cà Mau năm 2020 đặt ra mục tiêu lợi nhuận chỉ 54 tỷ đồng, trong khi tiền thuế lên tới gần 350 tỷ đồng. Do đó chúng tôi rất muốn thuế suất 0% và khi đó giá thành 1 năm giảm đi rất đáng kể" - bà Hiền nói thêm.

Không "cân" được thuế?

Sửa luật về phân bón (Luật thuế 71): Doanh nghiệp và  nông dân đều trông - Ảnh 3.

Lý giải thêm về Luật Thuế 71, lãnh đạo một DN phân bón cho hay: Vì luật cũng lý giải khá "lòng vòng" nên khi chúng tôi kiến nghị tới đại biểu Quốc hội, nhiều người đặt vấn đề nếu "không chịu thuế" đầu ra thì tốt cho nông dân chứ, còn tự nhiên sửa đổi làm gì khi nâng thuế đầu ra 5% gây ảnh hưởng cho nông dân. Trên thực tế, nếu nhà nước thu thuế đầu vào, thì sẽ phải hạch toán hết vào giá thành.

Câu chuyện 0% thuế đầu ra theo luật thuế VAT thì có nghĩa là đầu vào được khấu trừ hết, như phân bón Cà Mau một năm có VAT đầu vào là khoảng 350 tỷ đồng, còn Phú Mỹ thì đâu đó khoảng 400 tỷ đồng. Trong khi đó, Bộ Tài chính là đơn vị cân ngân sách nên sẽ không cân được ngân sách, nếu tính 0% thuế đầu ra, cũng có nghĩa là khấu trừ thuế đầu vào thì một năm Bộ Tài chính phải bỏ ra 1.200 tỷ để hoàn thuế cho DN sản xuất phân bón.

Vì thế, nếu 1.200 tỷ đồng đó áp dụng đầu ra vào thì sẽ thu lại được khoảng 1.000 tỷ đồng, chỉ bù "chênh" vài trăm tỷ, vì đã có nguồn thu từ 5% thuế phân bón nhập khẩu (trước đây bằng 0). 

"Bù qua bù lại, nếu áp 5% thuế VAT đầu ra thì về mặt logic, khoản thuế này phải chuyển vào giá bán cho người nông dân, khi đó nhiều đại biểu và cả người nông dân cũng cho rằng, đang khi không thuế mà lại chuyển thành 5% thuế, như thế là không ủng hộ nông dân" - vị lãnh đạo này nói.

Ở góc độ khác, bà Nguyễn Thị Hiền chia sẻ: "Vì sao lượng phân bón nhập khẩu tăng, trước hết do không chịu thuế VAT, thêm vào đó hầu như các nước trong khu vực đều có áp trừ thuế đầu vào nên sẽ cạnh tranh mạnh hơn phân bón trong nước? Trong khi đó, chúng tôi khi đi nói đến câu chuyện này hầu như nhận những "gáo nước lạnh", bị phản ứng rằng chúng tôi quản lý yếu kém, đi đâu cũng đòi chính sách này nọ. Tôi nói luôn là chúng tôi không đòi hỗ trợ chính sách, chúng tôi chỉ muốn được đối xử bình đẳng". 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem