Sức mạnh lòng dân trong chương trình xây dựng NTM

P.V Thứ hai, ngày 28/09/2020 09:43 AM (GMT+7)
Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), nhờ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, bức tranh nông thôn ở Đắk Lắk đã được điểm tô những màu sắc mới.
Bình luận 0

Huy động toàn dân vào cuộc

Đắk Lắk là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn về kinh tế, hệ thống chính trị cơ sở ở nhiều nơi còn yếu; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã còn thấp. Việc thực hiện các tiêu chí NTM về xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn còn gặp rất nhiều khó khăn (do kinh phí đầu tư quá lớn); đồng thời, Đắk Lắk là tỉnh nghèo, do hạn chế nguồn lực nên vẫn là tỉnh được Trung ương bổ sung kinh phí hàng năm; đời sống người dân còn ở mức thấp, việc huy động vốn để xây dựng NTM còn hạn chế, nhất là ở các xã nghèo, xã biên giới, xã khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Sức mạnh lòng dân trong chương trình xây dựng NTM - Ảnh 1.

Mô hình phát triển sản xuất của nông dân Võ Tiến Dũng (thôn 2, xã Ea Tu, TP.Buôn Ma Thuột) được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới tham quan.

Trước khi chưa triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, hầu hết các xã của tỉnh đều ở xuất phát điểm rất thấp so với mặt bằng chung toàn quốc, trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cấp xã còn hạn chế, tâm lý trông chờ ỷ lại vào nhà nước vẫn còn tồn tại ở hầu hết các xã.

Trước những khó khăn này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc, nhằm huy động sức mạnh toàn dân. Theo đó, hàng loạt các phong trào thi đua đã được Văn phòng điều phối NTM của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các tổ chức Hội, đoàn thể… phát động, triển khai nhằm khơi dậy sức mạnh trong nhân dân đã được triển khai. Qua công tác vận động tuyên truyền, nhân dân từ thế bị động chuyển sang chủ động tích cực tham gia xây dựng quê hương. Từ đó, bộ mặt NTM đã có nhiều chuyển biến, khởi sắc rõ rệt ở cả các huyện, thị xã, thành phố, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng lên rõ rệt; văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, quốc phòng được củng cố, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Nhân dân chung sức, chung lòng

Sau 10 năm thực hiện Chương trình NTM, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là sự cố gắng nỗ lực của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tỉnh Đắk Lắk đã đạt được một số kết quả quan trọng. Phong trào xây dựng NTM thực sự đã lan tỏa một cách mạnh mẽ trong toàn dân. 

Chỉ sau vài năm thực hiện, nhiều xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí. Điển hình như Ea Ô (huyện Ea Kar), từ một xã có xuất phát điểm về phát triển kinh tế xã hội thấp hơn nhiều xã khác nhưng từ khi phát động phong trào thi đua xây dựng NTM, tất cả cán bộ, người dân đều đồng lòng hưởng ứng. Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, năm 2012, xã Ea Ô đã mở mới và nâng cấp hơn 90 km đường giao thông, nhân dân hiến trên 160 ngàn m2 đất khu dân cư. Tổng giá trị thực hiện từ ngân sách xã và nhân dân góp công trong 9 tháng năm 2012 ước thực hiện trên 7,3 tỷ đồng (trong đó nhân dân đóng góp đất và tài sản khoảng 6,1 tỷ đồng, xã hỗ trợ ca máy trên 1,2 tỷ đồng). Hội Nông dân xã Ea Ô, cũng đã hiến 156.900 m2 đất các loại, 6.000 cây cà phê, 4000 cây điều, 400m tường rào...để xây dựng NTM.

Giai đoạn 2011-2015, hàng loạt các xã như Buôn Tría (huyện Lắk), xã Ea M'Nang (huyện Cư M'gar), Hòa Thuận, Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột)…nhân dân cũng đã hiến hàng chục ngàn m2 đất, đóng góp hàng chục tỷ đồng để cùng chính quyền xây dựng cơ sở hạ tầng…Giai đoạn 2016-2020 cũng xuất hiện hàng loạt các xã nhờ những cách làm hay mà đã tạo được sự đồng thuận lớn từ nhân dân, doanh nghiệp…đóng góp công, của cho việc thực hiện chương trình xây dựng NTM.

Đặc biệt, qua 10 năm xây dựng NTM, Đắk Lắk đã xuất hiện nhiều nông dân điển hình được các cấp ghi nhận, khen thưởng. Chỉ tính từ năm 2011- 2015 các hộ dân trên địa bàn tỉnh đã hiến đất hơn 650.000m2 để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu tại địa bàn nông thôn; tổng số tiền đóng góp của người dân là trên 817 tỷ đồng, hơn 89.000 ngày công lao động. 

Điển hình như cựu chiến binh Vũ Ngọc Nhanh (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M'gar) không chỉ vượt khó vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng với nguồn thu nhập mỗi năm hơn 1,5 tỷ đồng, mà gia đình ông còn hỗ trợ cho UBND xã hơn 40 tấn xi măng, hàng chục mét khối đá để làm đường bê tông nông thôn. Hay như, hộ ông Nguyễn Hạnh (xã Hòa An, huyện Krông Pắc) đã tự nguyện đóng góp 745 triệu đồng (hiến 3.300m2 đất và 45 triệu tiền mặt); hộ ông Đặng Hữu Nghênh (xã Ea Ô, huyện Ea Kar) phá dỡ hàng rào, cổng sắt 13,5 m2, nhà quản, mái vòm 34 m2 với kinh phí đóng góp là 111 triệu đồng; hộ ông Nguyễn Đức Năng (xã Ea Tul, huyện Cư M'gar) đã đóng góp 97,6 triệu đồng cho các chương trình hỗ trợ hộ nghèo, quà tết trung thu cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…

Đắk Lắk hiện đã đạt 2.263 TC/2.888 TC, bình quân toàn tỉnh đạt 14,89 TC/xã. Lũy kế toàn tỉnh có 52 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 34,2%. Trong đó, TP.Buôn Ma Thuột hiện đã hoàn thành nhiệm vụ NTM. Dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ có hơn 65 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Giai đoạn 2011-2015, trong tổng số hơn 37.400 tỷ đồng huy động thực hiện chương trình NTM thì người dân đã đóng góp 1.490 tỷ đồng, cao hơn số tiền ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp cho chương trình 2,7%. Trong giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn huy động trong dân dự kiến sẽ tăng hơn giai đoạn 20111-2015 khoảng 300 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem