Sức sống mới trên vùng đất bãi ngang

Hồng Đức - Hoài Thu Thứ bảy, ngày 02/08/2014 18:04 PM (GMT+7)
Là một xã nghèo thuộc diện bãi ngang của huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), sau 60 năm xây dựng và trưởng thành, Quảng Nham đã, đang “thay da, đổi thịt” từng ngày. Cuộc sống mới đang hiện hữu từng ngày với bà con nơi đây.
Bình luận 0

Quảng Nham ngày ấy

Theo tài liệu địa chí, Quảng Nham xưa gọi là Kẻ Mom (hay làng Mom), tên chữ là Cự Nham; Đến thế kỷ XIX Cự Nham là xã thuộc tổng Thái Lai, huyện Quảng Xương, phủ Tĩnh Gia. Cách mạng tháng Tám (1945) thành công, Cự Nham được sáp nhập với thôn Hóa Quyền thành một xã gọi là Ký Con. Tháng 8.1948, huyện Quảng Xương tiến hành sát nhập 39 xã thành 17 xã lớn, lấy từ Quảng làm tên đầu. Theo đó, các xã Hoa Lư, Ký Con, Lý Thường Kiệt sát nhập thành một xã lớn gọi là Quảng Chính, do vậy Cự Nham là một thôn thuộc xã Quảng Chính (lớn). Đến ngày 10.8.1954, Quảng Chính được chia làm 5 xã nhỏ, và Quảng Nham có tên gọi từ đây. Ban đầu thành Lập, Quảng Nham có 18 xóm, sau quá trình chia tách, sát nhập đến nay có 13 thôn.

Dẫn chúng tôi thăm những ngôi trường khang trang, sạch sẽ, ông Đoàn Văn Sâm – Chủ tịch UBND xã, tâm sự: “Khi mới thành lập, số người biết chữ ở đây ít lắm, đời sống dân trí thấp kém, lạc hậu, không có trường học, trạm xá, đường sá đi lại hết sức khó khăn. Cuộc sống của bà con gắn liền với biển cả, thu nhập phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, hiểm nguy luôn rình rập… Vì vậy, cái đói, cái nghèo luôn đeo đuổi bà con nơi đây. Tuy nhiên, nhờ vào đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, sự nỗ lực phấn đấu của đảng bộ, chính quyền và nhân dân, nên giờ đây, cuộc sống của bà con đã được đổi thay từng ngày. Hiện nay, mức thu nhập bình quân đầu người đã đạt 11,3 triệu đồng/năm (2013). Tỷ lệ hộ nghèo còn 24% (giảm 4,9% so với năm 2012), cận nghèo 20,48% (giảm 5% so với năm 2012)...”.

Sức sống mới trên vùng quê nghèo

Về Quảng Nham, nhìn những ngôi nhà tầng khang trang, từng đường làng ngõ xóm bê tông sạch sẽ, cảnh bán buôn tấp nập… mới cảm nhận thấy hết sức sống mới của vùng đất bãi ngang này.

Ông Hoàng Thanh Tân – Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Với hơn 4km bờ biển chạy dài theo hướng bắc – nam, có cửa lạch Ghép là bến đậu của tàu thuyền, cửa ngõ giao thoa bằng đường biển với các vùng trong, ngoài tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho Quảng Nham phát triển kinh tế. Cũng theo ông Tân, cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2014, địa phương đã đóng mới thêm 21 phương tiện có công suất từ 48CV trở lên và 5 tàu thu mua dịch vụ hải sản trên biển có công suất 250CV… giải quyết được hơn 1.500 lao động tại địa phương; xây dựng mới được trạm y tế xã… Hiện nay, Quảng Nham hiện có hơn 300 phương tiện khai thác hải sản. Ngoài nghề khai thác, đánh bắt hải sản và nuôi trồng thủy sản, Quảng Nham còn có một số nghề phụ như chắp gai, đan lưới… và ít hộ làm nghề nông nghiệp.

Theo Chủ tịch Sâm, cho hay: Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở xã còn cao. Nhưng, sau 3 năm xây dựng NTM, đến nay Quảng Nham đã đạt 15/19 tiêu chí. “Với một xã có xuất phát điểm thấp, hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Do vậy, Quảng Nham đang rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành trong tỉnh hỗ trợ, đầu tư… để địa phương này sớm hoàn thành Chương trình xây dựng NTM”- ông Sâm đề nghị.

 Trải qua 60 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Quảng Nham đã vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Kháng chiến hạng 3; nhiều bằng khen, giấy khen của Nhà nước trao tặng...”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem