Tà Lang, Giàn Bí làm homestay gắn xây dựng nông thôn mới, được du khách săn đón

Tuyết Nhung – Nguyễn Sỹ Thứ ba, ngày 07/07/2020 18:31 PM (GMT+7)
Cách trung tâm TP.Đà Nẵng 30km về phía Tây, có một bản làng của đồng bào dân tộc Cơ Tu (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) nằm kề những con suối, tựa lưng vào núi rừng hùng vĩ. Từ năm 2018, nơi đây được du khách gần xa “săn đón” như là một điểm du lịch sinh thái cộng đồng thú vị và bổ ích.
Bình luận 0

Quyết tâm khôi phục nghề dệt thổ cẩm

Hai thôn Tà Lang và Giàn Bí thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng là nơi sinh sống của hàng trăm hộ dân là người Cơ Tu. Bà con sinh sống chủ yếu dựa vào núi rừng, với các công việc như phát rừng, đốn củi, làm rẫy, đốn keo, săn thú… Cũng vì thế, nên theo thời gian, những bản sắc văn hóa truyền thống của người Cơ Tu dần bị mai một và đi vào quên lãng.

Đà Nẵng: Khôi phục nghề dệt thổ cẩm Cơ Tu gắn với phát triển du lịch homestay - Ảnh 1.

Không chỉ được học nghề dệt miễn phí, các thành viên của Tổ dệt thổ cẩm xã Hòa Bắc còn được tặng ba bộ khung cửi để thuận tiện dệt luân phiên: khăn quàng, áo dài, váy.

Ông Đinh Văn Như (Alăng Như), Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn Giàn Bí bùi ngùi nói: “Mang trong mình dòng máu của dân tộc Cơ Tu, tôi luôn mong muốn khôi phục lại những bản sắc văn hóa cộng đồng đã đi vào quên lãng, như: Dệt vải thổ cẩm, múa cồng chiêng, các lễ hội truyền thống. Đến năm 2018, được sự quan tâm và giúp đỡ tận tình từ chính quyền địa phương mà đồng bào Cơ Tu phấn khởi tham gia những mô hình khôi phục và phát triển”.

Đà Nẵng: Khôi phục nghề dệt thổ cẩm Cơ Tu gắn với phát triển du lịch homestay - Ảnh 2.

Bình quân mỗi chiếc khăn giá 300.000 đồng, áo giá 500.000 đồng, áo dài hoặc váy giá 1-2 triệu đồng. Giá thành tuy đắt nhưng vẫn chưa đủ số ngày công dệt ra một sản phẩm.

Tổ hợp tác du lịch cộng đồng sinh thái và homestay xã Hòa Bắc được thành lập năm 2019, đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng những giá trị văn hóa linh thiêng của người Cơ Tu. Trong đó, khôi phục nghề dệt vải thổ cẩm Cơ Tu được ấp ủ nhiều năm với sự tham gia của 20 người.

Đà Nẵng: Khôi phục nghề dệt thổ cẩm Cơ Tu gắn với phát triển du lịch homestay - Ảnh 3.

Hai thôn Tà Lang – Giàn Bí có điều kiện tự nhiên thuận lợi, kết hợp với vẻ đẹp riêng biệt trong bản sắc của người Cơ Tu nên thích hợp để phát triển du lịch.

Chị Đinh Thị Tin (45 tuổi), một người có tay nghề dệt thổ cẩm cao tại thôn Giàn Bí nói: “20 chị em trong bản làng tôi được học nghề miễn phí khoảng 6 tháng để phát triển kinh tế và làm du lịch. Dù dệt thổ cẩm thủ công mất rất nhiều thời gian, yêu cầu cao sự tỉ mỉ, khéo léo và sáng tạo nhưng vì yêu mến bản sắc văn hóa của dân tộc mình, nên có khó khăn mấy tôi vẫn luôn bám trụ”.

Theo ông Đinh Văn Như, hiện nay, việc tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm của đồng bào Cơ Tu vẫn còn nhiều khó khăn. Điển hình như một chiếc khăn thổ cẩm dệt ba ngày, bán giá 300.000 đồng thì không đủ tiền công dệt và khó cạnh tranh lại với các sản phẩm dệt công nghiệp giá rẻ. Ngoài ra, để đáp ứng thị hiếu của du khách, các chị em mất nhiều công sức để học cách dệt hoa văn và kết hạt cườm cho tấm vải thổ cẩm thêm phần bắt mắt, sinh động.

Đà Nẵng: Khôi phục nghề dệt thổ cẩm Cơ Tu gắn với phát triển du lịch homestay - Ảnh 4.

Thời gian qua, văn hóa Cơ Tu (xã Hòa Bắc) được du khách gần xa “săn đón” như là một điểm du lịch sinh thái cộng đồng thú vị và bổ ích.

Phát triển du lịch homestay gắn với xây dựng nông thôn mới

Là trụ cột chính trong gia đình, chị Nguyễn Thị Nga (37 tuổi, trú thôn Giàn Bí) phải làm đủ mọi việc để nuôi con, nuôi chồng bệnh tật. Nhưng từ khi tham gia học nghề dệt thổ cẩm, chị Nga như có thêm niềm vui và động lực để cố gắng cải thiện đời sống.

Đà Nẵng: Khôi phục nghề dệt thổ cẩm Cơ Tu gắn với phát triển du lịch homestay - Ảnh 5.

Chỉ khi du lịch phát triển mạnh tại cộng đồng người Cơ Tu, thì các sản phẩm văn hóa của họ mới có thị trường tiêu thụ ổn định.

“Lúc mới học tôi thấy dệt thổ cẩm khó lắm, nhưng cũng phải cố gắng học để vừa có nghề ổn định, vừa gìn giữ được văn hóa truyền thống của người Cơ Tu. Đồng thời, tôi cũng mày mò học cách dệt hoa văn đẹp, hoa văn kết cườm để sản phẩm thu hút khách hàng hơn…”. Chị Nga phấn khởi nói.

Đà Nẵng: Khôi phục nghề dệt thổ cẩm Cơ Tu gắn với phát triển du lịch homestay - Ảnh 6.

Homestay của anh Alăng Như là nơi trưng bày các sản phẩm thủ công của đồng bào Cơ Tu, góp phần đưa sản phẩm đến gần hơn với khách du lịch.

Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, phụ nữ biết dệt thổ cẩm trong vùng rất hào hứng khi được UBND xã Hòa Bắc đặt mua 200 chiếc khăn. Từ đơn hàng này, nhiều chị em có thêm kinh phí trang trải sinh hoạt trong gia đình. Thêm vào đó, họ như được tăng thêm động lực để tiếp tục phát triển đa dạng mẫu mã sản phẩm, mở rộng quy mô tổ dệt tại bản làng.

Đà Nẵng: Khôi phục nghề dệt thổ cẩm Cơ Tu gắn với phát triển du lịch homestay - Ảnh 7.

Đến tham quan và lưu trú tại vùng Tà Lang – Giàn Bí, du khách sẽ được trải nghiệm lối sống, phong tục tập quán và sản vật của người dân tộc vùng cao.

Hỏi về ý tưởng xây dựng homestay Alăng Như, ông Như cho hay, vùng Tà Lang - Giàn Bí có cảnh quan sông suối tự nhiên và nét đặc trưng văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu, thích hợp để xây dựng và phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Từ đó, anh mạnh dạn vay 600 triệu đồng để làm homestay theo kiểu nhà sinh hoạt tập thể, đáp ứng nhu cầu vui chơi, trải nghiệm và lưu trú của khách du lịch.

Đà Nẵng: Khôi phục nghề dệt thổ cẩm Cơ Tu gắn với phát triển du lịch homestay - Ảnh 8.

Cách trung tâm TP.Đà Nẵng 30km về phía Tây, bản làng của đồng bào dân tộc Cơ Tu (xã Hòa Bắc) nằm kề những con suối, tựa lưng vào núi rừng hùng vĩ.

“Homestay hoạt động từ tháng 10/2019, nhưng do mùa mưa nên hầu như không có khách đến lưu trú. Sau Tết, vì dịch Covid-19 nên bản làng vắng khách, các hoạt động du lịch đi kèm cũng im ắng. Tôi chỉ mong thời gian tới điểm du lịch sinh thái Hòa Bắc đón nhiều khách hơn, đường tỉnh 601 sớm được tu sửa để thuận tiện đi lại, liên kết tiêu thụ sản phẩm của đồng bào…”, anh Như tâm sự.

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình, mô hình du lịch cộng đồng người Cơ Tu là một trong những sản phẩm du lịch mới, góp phần làm đa dạng cho ngành du lịch thành phố. Mô hình không chỉ thuần túy là làm kinh tế mà còn gắn phát triển du lịch với văn hóa, đặc biệt là giới thiệu văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu, qua đó góp phần tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc.

Đây sẽ là một sản phẩm có sức hấp dẫn đặc biệt với thị trường du khách quốc tế, du khách ưa trải nghiệm các sản phẩm gắn với cộng đồng, với tự nhiên, với sinh thái.

Sở Du lịch đã đồng hành cùng địa phương trong việc xây dựng sản phẩm này. Thời gian tới, Sở tiếp tục hỗ trợ việc quảng bá, giới thiệu mô hình này tới du khách cũng như các nhà đầu tư, cộng đồng dân cư liên quan.

"Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông về xây dựng nông thôn mới năm 2020 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem