"Tắc đường" xuất sang Trung Quốc, khoai lang tím Vĩnh Long giá tăng mà không bán được nhiều

Nguyễn Vy Thứ bảy, ngày 21/11/2020 06:00 AM (GMT+7)
Sau nhiều vụ trồng thua lỗ liên tiếp, diện tích và sản lượng khoai lang tím tại huyện Bình Tân (Vĩnh Long) giảm xuống. Trong khi Trung Quốc siết chặt tiêu chuẩn nhập khẩu nông sản nên dù giá tăng cao, khoai lang tím lại không thể xuất khẩu để nhà nông gia tăng lợi nhuận.
Bình luận 0

Giá tăng vù vù

Tại khu vực huyện Bình Tân, giá khoai lang tím (giống Nhật) đã tăng một đợt từ hồi đầu năm 2020. Trước đó, năm 2019, giá khoai lang tím Nhật tại đây chỉ đạt 350.000 đồng/tạ (ở Vĩnh Long, 1 tạ = 60kg); tương đương 5.800 đồng/kg.

Những ngày cuối tháng 2/2020, giá khoai lang tím bất ngờ tăng mạnh lên mức trên 650.000 đồng/tạ (khoảng 12.000 đồng/kg). Khi đó, khoai lang tím tăng giá được cho là do thị trường tiêu thụ hút hàng khi diện tích khoai đến kỳ thu hoạch không còn nhiều. 

Diện tích này chủ yếu được xuống giống từ vụ thu đông năm 2019 chuyển sang, nên nguồn cung cho thị trường hạn chế.

Khoai lang tím giá cao nhưng tắc xuất khẩu - Ảnh 1.

80% lượng khoai lang tím Vĩnh Long là xuất khẩu. Ảnh: Bình Nguyên

"Đề án Xây dựng mô hình chuỗi cung ứng khoai lang sẽ triển khai trong năm 2021-2022, tập trung các nhóm giải pháp về quy hoạch phát triển sản phẩm, thương mại và quảng bá thương hiệu. Đặc biệt là xây dựng liên kết chuỗi cung ứng khoai lang, đổi mới tổ chức sản xuất...".

Ông Lê Quang Trung -

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long

Sau thời gian giá bán cầm chừng do dịch Covid-19, cuối tháng 10/2020, đại diện HTX Nông nghiệp dịch vụ Thanh Ngọc ở xã Thành Trung cho biết, giá khoai lang tím tiếp tục tăng lên mức 900.000 - 950.000 đồng/tạ (khoảng 15.000-16.000 đồng/kg). Mức giá này cao hơn từ 300.000 - 350.000 đồng/tạ so với cùng kỳ năm trước.

Theo đại diện HTX Thanh Ngọc, giá khoai lang tím tăng cao do các tháng đầu năm ảnh hưởng của dịch bệnh, khoai lang khó xuất khẩu nên nhiều nông dân không xuống giống, khiến nguồn cung hạn chế. So cùng kỳ năm trước, nguồn khoai lang tím thu mua đã giảm khoảng 40 - 50%.

Ông Trương Văn Luận - Chủ tịch HĐQT HTX khoai lang Tân Thành cho biết, đến nay, giá khoai lang tím đã tăng lên 1,1 - 1,2 triệu đồng/tạ, tức 20.000 đồng/kg. Giá tăng cao vì thị trường hút hàng nhưng nguồn cung lại đang thiếu. Trước đây, diện tích trồng khoai tím ở Vĩnh Long tăng nhanh phần lớn do tự phát. Sau 3-4 năm liền thất thu, nhiều người đã giảm diện tích trồng để chuyển qua cây khác có giá trị hơn.

Diện tích trồng khoai lang của huyện Bình Tân chiếm gần 95% toàn tỉnh Vĩnh Long, và chiếm khoảng 50% toàn vùng ĐBSCL. Trong khi đó, khoai lang Vĩnh Long chủ yếu là khoai tím Nhật, giống khoai hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu, chiếm hơn 81% diện tích trồng.

Theo ông Luận, hết ảnh hưởng của dịch bệnh lại đến việc Trung Quốc tăng cường tiêu chuẩn kỹ thuật lên hàng nông sản nhập khẩu, nên dù giá đang tăng nhưng HTX Tân Thành gặp rất nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu mặt hàng này.

Giai đoạn từ 2015-2019, khi thị trường còn thông thoáng, trung bình mỗi ngày ông xuất 30 tấn hàng sang Trung Quốc. "Từ đầu năm tới nay, tôi chưa xuất được lô hàng nào sang thị trường này" - ông Luận kể.

Khi thị trường Trung Quốc hẹp lại, ông Luận thu mua với số lượng hạn chế bán tại nội địa hoặc xuất khẩu qua Malaysia. Thế nhưng nhu cầu của Malaysia không lớn, mỗi tuần ông chỉ xuất được 1 container.

Trung Quốc vẫn là thị trường rộng lớn, vì thế HTX khoai lang Tân Thành đang xúc tiến các thủ tục chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và mã số vùng trồng. "Đầu năm sau sẽ hoàn tất các thủ tục. Hy vọng thị trường lúc đó vẫn duy trì được sức hút" - ông Luận nói.

Trang bị "hành trình" cho khoai lang

Khoai lang tím giá cao nhưng tắc xuất khẩu - Ảnh 3.

Khoai lang tím Bình Tân là giống khoai lang tím Nhật.

Ông Bùi Văn Phèn (nông dân trồng khoai lang ở xã Thành Lợi, huyện Bình Tân) cho biết, tuy giá khoai lang đang ở mức cao, nông dân có lợi nhuận khá, nhưng gần đây mưa nhiều, triều cường dâng cao nên bà con phải đợi khô đất mới thu hoạch được.

Với mức giá hiện nay, ông Phèn cho biết, những ruộng canh tác tốt có thu lãi khoảng 10 triệu đồng/1.000m2. Những ruộng kém hơn, lợi nhuận ít nhất cũng được 1 - 2 triệu đồng/1.000m2.

Ông Phèn kể, mình trồng 8.000m2 khoai từ rất lâu. Nhưng giá khoai luôn trồi sụt thất thường do đầu ra không ổn định. Không cần đợi đến điệp khúc được mùa mất giá, cây khoai lang đã luôn đặt người trồng trong cảnh nơm nớp lo âu.

Ông Sơn Văn Luận - Giám đốc HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Thanh Ngọc (xã Thành Trung) thì phân tích, băn khoăn nhất hiện nay là đầu ra vì hễ giá cao là nông dân trồng ồ ạt, đến khi khoai lang xuống giá thì nhiều người vỡ nợ.

Có một thực tế là nhiều hộ sản xuất khoai theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng năng suất và giá bán lại kém hơn hộ trồng bình thường. Ví dụ, khoai lang VietGAP bán chỉ 500.000 đồng/tạ thì khoai thường bán được 700.000 đồng/tạ. Năng suất khoai thường có thể cho 4 tấn/1.000m2 thì khoai lang VietGAP khoảng 1,2 tấn/1.000m2.

Việc lạm dụng phân, thuốc cũng đáng báo động, thậm chí chỉ một loại sâu bệnh mà nông dân dùng 2-3 loại thuốc cho chắc ăn, làm ảnh hưởng uy tín chất lượng chung của khoai lang. "Trước đây khoai đem về 10 ngày chưa nảy mầm, thì nay chỉ sau 3 ngày đã nảy mầm. Đây là nguyên nhân của việc lạm dụng phân, thuốc, chất kích thích" - ông Sơn Văn Luận nói.

Đầu tháng 11 vừa qua, UBND tỉnh Vĩnh Long cũng đã phê duyệt đề án xây dựng mô hình chuỗi cung ứng khoai lang trên địa bàn tỉnh. Ông Lê Quang Trung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, đề án này nhằm giúp khoai lang từng bước tiếp cận hệ thống phân phối hiện đại; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, nhất là xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem