Tại Afghanistan - một trong những nước nghèo nhất hành tinh, 1.000 tỷ USD khoáng sản đang ngủ yên dưới lòng đất

25/09/2021 15:57 GMT+7
Afghanistan được cho là đang sở hữu lượng tài nguyên khoáng sản và kim loại khổng lồ trị giá hơn 1 nghìn tỷ USD đang ngủ yến dưới lòng đất.

Theo một báo cáo được công bố bởi Bộ Mỏ và Dầu mỏ Afghanistan, sâu dưới lòng đất quốc gia này là những mỏ khoáng sản và kim loại khổng lồ có trị giá ít nhất 1.000 tỷ USD chưa được khai thác.

Cụ thể, Afghanistan, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với 38 triệu dân có thể đang sở hữu hơn 2,2 tỷ tấn quặng sắt, 1,3 tỷ tấn đá cẩm thạch và 1,4 triệu tấn khoáng sản đất hiếm.

Scott Montgomery, một nhà địa chất nổi tiếng nghiên cứu về tài nguyên của Afghanistan cho hay quốc gia này cần tối thiểu 7-10 năm để phát triển các mỏ khai thác quy mô lớn, biến khai khoáng thành nguồn thu nhập chính của quốc gia. Hiện nay, bất ổn chính trị, hệ thống luật pháp yếu kém và nạn tham nhũng phổ biến là những nguyên nhân chính đang ngăn cản sự phát triển của lĩnh vực khai khoáng ở quốc gia này.

Hồi thập kỷ 60-70 của thế kỷ trước, Liên Xô và các đồng minh Đông Âu đã bắt đầu tiến hành các cuộc thăm dò về nguồn tài nguyên địa chất của Afghanistan. Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ chiến tranh và bất ổn chính trị, đến nay, hầu hết các nguồn tài nguyên vẫn nằm yên dưới mặt đất. 

Năm 2010, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cùng với Cơ quan Khảo sát Địa chất Afghanistan (AGS) đã tiến hành một cuộc khảo sát địa chất toàn diện nhất từ trước đến nay tại 24 khu vực cụ thể trên khắp 34 tỉnh của Afghanistan. 

Tại Afghanistan - một trong những nước nghèo nhất hành tinh, 1.000 tỷ USD khoáng sản đang ngủ yên dưới lòng đất - Ảnh 1.

Bản đồ nguồn tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác của Afghanistan: trữ lượng kim loại có giá trị (màu xanh lá cây), trữ lượng vật liệu xây dựng (màu vàng), trữ lượng khoáng sản công nghiệp (màu tím) và các khu vực có dầu khí (màu đỏ) (Ảnh: Al Jazeera)

Kết quả cho thấy sắt là kim loại phong phú nhất trong số các kim loại quý giá của Afghanistan. Tổng trữ lượng quặng sắt ước tính là 2,2 tỷ tấn, đưa Afghanistan vào top 10 quốc gia có lượng sắt có thể khai thác lớn nhất hành tinh. Mỏ Hajigak nằm ở tỉnh miền núi Bamyan, cách Kabul 130 km (80 dặm) về phía tây, có trữ lượng quặng sắt lớn nhất trong khu vực với 1,7 tỷ tấn quặng chất lượng cao hàm lượng 63-69% sắt.

Để dễ hình dung, 2,2 tỷ tấn quặng sắt có thể được sử dụng để xây dựng ít nhất 200.000 bản sao của Tháp Eiffel ở Paris, một công trình mang tính biểu tượng của nước Pháp với chiều cao 324m, được xây dựng từ 7.300 tấn sắt vào năm 1889.

Afghanistan cũng sở hữu khoảng 183 triệu tấn quặng nhôm được tìm thấy chủ yếu ở các tỉnh Badakhshan và Kandahar. Đây là kim loại được sử dụng nhiều thứ hai trên toàn cầu, chỉ sau sắt.

Chưa hết, Afghanistan cũng có trữ lượng vàng ước tính khoảng 2.698kg dọc theo hai vành đai vàng chính là Badakhshan - Takhar và phía tây nam Ghazni - Zabul. 

Bên cạnh kim loại có giá trị, Afghanistan còn sở hữu một lượng tài nguyên vật liệu xây dựng khổng lồ bao gồm đá cẩm thạch, đá vôi và đá sa thạch.

Đá cẩm thạch là một loại đá đa năng thường được sử dụng trong kiến trúc và điêu khắc. Tại Afghanistan, lượng đá cẩm thạch được phát hiện lên tới 1,3 tỷ tấn, đủ để xây dựng khoảng 13.000 tượng đài Washington - một trong những biểu tượng của nước Mỹ với chiều cao 160m và rộng 17m. Tỉnh Nangarhar nằm ở biên giới giáp Pakistan được biết đến là nơi phát hiện đá cẩm thạch mã não màu hồng giá trị với trữ lượng lớn bậc nhất khu vực.

Ngoài ra, đá vôi và đá sa thạch là những loại đá trầm tích phổ biến được sử dụng rộng rãi trong xây dựng. Đá vôi là thành phần thiết yếu trong sản xuất xi măng và là thành phần chính trong các sản phẩm gia dụng như kem đánh răng và sơn. Afghanistan ước tính có ít nhất 500 triệu tấn đá vôi được tìm thấy chủ yếu ở các tỉnh Badakhshan, Herat và Baghlan.

Các nhà địa chất cũng phát hiện lượng lớn khoáng sản công nghiệp nằm sâu dưới lòng đất Afghanistan, trong đó có những khoáng sản đá quý giá trị cao như ngọc bích, ngọc lục bảo, hồng ngọc, phần lớn được phát hiện ở miền đông bắc đất nước… Trong lịch sử, Afghanistan là một trong những nguồn cung cấp ngọc bích, ngọc lục bảo và hồng ngọc hàng đầu thế giới. 

Các nhà địa chất ước tính Afghanistan có khoảng 1,4 triệu tấn khoáng sản đất hiếm bao gồm lithium (được sử dụng trong pin xe điện và nhiều ngành công nghệ cao quan trọng như hàng không vũ trụ...), uranium (được sử dụng làm nhiên liệu hạt nhân)... Một trong những mỏ khoáng sản đất hiếm lớn nhất có thể được tìm thấy tại Khanneshin thuộc tỉnh Helmand.

Ngoài ra, Afghanistan cũng có khoảng 152 triệu tấn barit, một loại khoáng chất không màu thường được ngành dầu khí sử dụng để khoan dầu.

Dữ liệu từ The Observatory of Economic Complexity (OEC) cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu của Afghanistan năm 2019 đạt 2,24 tỷ USD, trong đó xuất khẩu kim loại quý, đá quý và đồ trang sức chiếm 1 tỷ USD, tương đương khoảng 45%. Xuất khẩu trái cây đạt 538 triệu USD, chiếm khoảng 24% và xuất khẩu rau, củ đạt 177 triệu USD, chiếm khoảng 8%.

3 thị trường xuất khẩu chủ lực, chiếm hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của Afghanistan trong cùng năm là UAE (45%), Pakistan (24%) và Ấn Độ (22%).


NTTD
Cùng chuyên mục