Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020: Thể chế kinh tế chưa hoàn thiện kéo lùi nhiều mục tiêu

Minh Lê Thứ sáu, ngày 06/11/2020 07:55 AM (GMT+7)
Theo bà Đặng Thị Thu Hoài, một trong những nguyên nhân của việc doanh nghiệp không thể lớn đó là môi trường kinh doanh, sự cản trở không chỉ ở giai đoạn thành lập mà cả quá trình phát triển, vận hành của doanh nghiệp tư nhân.
Bình luận 0

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 vừa được Chính phủ bao cáo tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Bên cạnh những mục tiêu được đánh giá có hiệu quả cao thì còn có những mục tiêu quan trọng chưa thực hiện được. Để có được cái nhìn tổng thể về bức tranh kinh tế trong 5 qua, phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi với TS Đặng Thị Thu Hoài, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020: Thể chế kinh tế chưa hoàn thiện kéo lùi nhiều mục tiêu - Ảnh 1.

TS Đặng Thị Thu Hoài, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

3 trọng tâm tái cơ cấu không đạt mục tiêu

đánh giá thế nào về kết quả sau 5 năm thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 24/2016/QH1?

Nhìn chung quá trình cơ cấu lại nền kinh tế đất nước trong thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, có sự tiến bộ rõ rệt, đặc biệt trong 5 năm gần đây. Có thế thấy rõ nhất ở 3 điểm:

Thứ nhất, là hiệu quả sử dụng nguồn lực đã được nâng cao, được thể hiện ở một số chỉ số về ICOR đã được giảm từ 6,3 giai đoạn trước xuống còn 6,1. Mặc dù là không giảm nhiều nhưng rõ ràng là đã thấy xu hướng tích cực. Kết quả này có được là nhờ vào sự triển khai thực hiện quá trình tái cơ cấu như là như tái cơ cấu đầu tư công theo hướng giảm đầu tư công và thúc đẩy đầu tư tư nhân.

Trong nhiệm vụ thúc đẩy đầu tư tư nhân, vừa qua cũng được thực hiện mạnh mẽ việc cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đầu tư hệ thống khởi nghiệp sáng tạo… đã có nhiều chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân, được thể hiện qua kết quả là thúc đẩy được khu vực tư nhân góp phần vào hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020: Thể chế kinh tế chưa hoàn thiện kéo lùi nhiều mục tiêu - Ảnh 2.

Nguồn: Báo Đầu tư

Thứ hai, chỉ số năng suất được cải thiện đáng kể so với giai đoạn trước. Cụ thể giai đoạn trước năng suất lao động chỉ tăng 4,3 đến giai đoạn này là 5,8. Có thể nói kết quả này là đáng khích lệ. Như vậy là đã thực hiện được định hướng chung của tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất.

Thứ ba, củng cố được nền tảng vĩ mô. Quy mô nợ công giảm mạnh, từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống 55% GDP cuối năm 2019. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nợ công có thể lên đến 57-58% GDP, song vẫn thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2016-2020 là không quá 65% GDP. Quy mô nợ chính phủ đã giảm mạnh từ 52,7% năm 2016 xuống 48% GDP đến cuối năm 2019, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu không quá 54%. Đó là điều kiện cần thiết để thúc đẩy tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Theo báo cáo của Chính phủ, tái cơ cấu nền kinh tế còn 7 mục tiêu không đạt được, những mục tiêu này có ảnh hưởng như thế nào đến kết quả của quá trình 5 năm qua không, thưa bà?

Bên cạnh những kết quả đạt được, thì vẫn còn những mục tiêu không thực hiện được, trong đó có những mục tiêu quan trọng – đó là 3 trọng tâm tái cơ cấu.

Việc cơ cấu lại DNNN thực hiện rất chậm và không hoàn thành mục tiêu như việc xử lý 12 dự án yếu kém, kéo theo nhiều thành quả của quá trình tái cơ cấu xuống. Vì kế hoạch tái cơ cấu hy vọng thúc đẩy cơ cấu lại được DNNN từ đó có được nguồn lực nhất định để có thể đầu tư và tái cơ cấu vào cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện để phát triển kinh tế. Mục tiêu của chúng ta đặt ra là năm 2019 là hoàn thành 3 nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu nhưng đến nay kết quả đã không đạt được nên đã ảnh hưởng đến kết quả chung.

Đối với khu vực tư nhân mặc dù có khởi sắc nhưng chưa đạt được điều mong muốn. Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp không đạt được, năng lực của khu vực kinh tế tư nhân nói chung vẫn còn rất kém và khả năng tận dụng được cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế, đổi mới sáng tạo, công nghiệp 4.0 vẫn còn rất hạn chế. Những mục tiêu như vậy sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu chung đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng nội lực của nền kinh tế.

Cùng với đó việc tái cơ cấu các ngành cũng chưa đạt được những mục tiêu mong muốn. Chúng ta muốn nâng cấp chuỗi giá trị của các ngành tức là phải tham gia sâu hơn vào những phân khúc có giá trị gia tăng cao hơn, đặc biệt phải khẳng định được nhiều thương hiệu hơn trên thị trường quốc tế. Hàng hóa của Việt Nam phải thâm nhập vào được những thị trường "khó tính" nhiều hơn để đạt được giá trị cao hơn, lợi nhuận cao hơn trong quá trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ví dụ như doanh nghiệp nội địa phải liên kết được nhiều hơn với khu vực FDI từ đó vươn ra được thị trường thế giới… nhưng điều này vẫn còn rất hạn chế.

Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020: Thể chế kinh tế chưa hoàn thiện kéo lùi nhiều mục tiêu - Ảnh 4.

Vai trò của người đứng đầu hết sức quan trọng

Vậy những nguyên nhân chính nào khiến những mục tiêu quan trọng này đã không đạt được như mong đợi, thưa bà?

Đối với quá trình tái cơ cấu DNNN, việc chậm xử lý 12 dự án yếu kém chỉ là một phần của quá trình tái cơ cấu. Những dự án này là hậu quả của quá khứ để lại. Vì thế để giải quyết được hậu quả này còn tùy thuộc vào cả yếu tố chủ quan lẫn khách quan của các cơ quan nhà nước.

Nhiều văn bản pháp luật về quản lý nhà nước, quản lý chủ sở hữu, quản trị doanh nghiệp chưa được hoàn thiện, nhiều văn bản pháp luật liên quan đến định giá quyền sử dụng đất, định giá quyền sở hữu trí tuệ chẳng hạn trong DNNN chưa hoàn thiện nên còn nhiều khúc mắc vì vậy làm chậm quá trình thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch đặt ra.

Bên cạnh đó còn có nguyên nhân do người đứng đầu. Lãnh đạo doanh nghiệp đó có ý thức như thế nào trong việc thực hiện kế hoạch đã đặt ra về cổ phần hóa, thoái vốn.

Một nguyên nhân nữa là ở sự phối kết hợp giữa các cơ quan. Chúng ta đã thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước. Vừa rồi chúng tôi đã được yêu cầu đánh giá lại vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước. Chủ trương thành lập Ủy ban thì rất đúng theo hướng tách quyền chủ sở hữu với quản lý nhà nước nhưng những pháp luật đi kèm để đảm bảo cái quyền đó được tách bạch và thực thi được thì những văn bản pháp luật liên quan còn nhiều hạn chế, mâu thuẫn chồng chéo chưa rõ ràng. Kể cả việc phối kết hợp để xử lý các vấn đề cũng quá chậm.

Thời gian tới cần phải sửa đổi lại những quy chế pháp luật và đặc biệt làm rõ hơn vai trò chủ sở hữu của chính Ủy ban đối với doanh nghiệp để đảm bảo giữ đúng vai trò đó, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp có quyền tự chủ nhất định, linh hoạt trong điều hành hoạt động. Tất nhiên, doanh nghiệp vẫn phải bảo đảm bảo toàn vốn, phát triển phần vốn có sở hữu của nhà nước.

Về vấn đề xử lý nợ xấu cũng đã có bước tiến. Cuối năm 2019, NHNN cũng đã đưa ra được một bức tranh khá sáng sủa về việc đã đạt được mục tiêu dưới 3% tỉ lệ nợ xấu. Chúng ta cũng ghi nhận nỗ lực rất lớn của Quốc hội trong việc ban hành Nghị quyết 42 xử lý được tích cực tình trạng nợ xấu. Tuy nhiên, bước sang năm 2020, do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên mục tiêu xử lý nợ xấu đã không đạt được. Bên cạnh đó, quá trình xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 những năm sau không được thuận lợi nên việc thực hiện đặc biệt sự phối kết hợp giữa các cơ quan như Tòa án, ngân hàng còn nhiều vướng mắc.

Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020: Thể chế kinh tế chưa hoàn thiện kéo lùi nhiều mục tiêu - Ảnh 6.

Nợ xấu của một số ngân hàng trong 9 tháng đầu năm nay

Có nhiều ý kiến cho rằng, Nghị quyết 42 khi ban hành mâu thuẫn với 11 luật nên trong quá trình triển khai thực hiện để có được sự bài bản, căn cơ về việc xử lý nợ xấu lại cần phải sửa đổi văn bản pháp luật để quá trình triển khai được thuận lợi hơn.

Đối với khu vực tư nhân, cái yếu nhất là không lớn mạnh được theo thời gian. Muốn tận dụng được các cơ hội thì phải lớn mạnh. Số doanh nghiệp vừa phải tăng lên đặc biệt số doanh nghiệp lớn phải có vị trí cao hơn không chỉ trong nước mà cả trên thị trường quốc tế. Một trong những nguyên nhân của việc doanh nghiệp không thể lớn đó là môi trường kinh doanh, sự cản trở không chỉ ở giai đoạn thành lập mà cả quá trình phát triển, vận hành của doanh nghiệp tư nhân. Những rào cản về mặt quy định, điều kiện đăng ký kinh doanh thực hiện quy định của nhà nước, tham nhũng, kiểm tra chuyên ngành những vấn đề quản lý nhà nước trong quá trình phát triển của doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc.

Nhưng tại sao những rào cản này lại không ảnh hưởng đến doanh nghiệp lớn như doanh nghiệp nước ngoài? Nhiều ý kiến cho rằng chính các doanh nghiệp nội địa mới bị nhũng nhiễu nhiều hơn. Mặt khác, những doanh nghiệp quy mô nhỏ không đủ tiềm lực bỏ ra những chi phí trung gian để đạt được lợi nhuận lớn hơn. Ví dụ như doanh nghiệp có quy mô lớn thì có quy mô nhất định rồi thì người ta có thể chịu được chi phí trung gian ở mức độ nhất định nên mới tồn tại được chứ doanh nghiệp bé chỉ lấy công làm lãi.

Những doanh nghiệp có hợp đồng mua bán với doanh nghiệp nhà nước chẳng hạn thì thường không phải có được nhờ sự cạnh tranh lành mạnh thông qua đấu thầu mà là do mối thân quen. Vì thế, nhiều doanh nghiệp rất muốn nhưng cũng không thể có điều kiện để làm kể cả họ đảm bảo được hiệu quả công việc hơn. Cho nên những môi trường không lành mạnh là yếu tố cản trở rất lớn đối với sự phát triển của khu vực tư nhân.

Kể cả những chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay cũng không hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp e ngại thủ tục quá rườm rà nhưng khi nhận được hỗ trợ lại kiểm toán nọ kia. Trong khi đó nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng rất phân tán ra nhiều bộ ngành, nhiều cơ quan, khi đến doanh nghiệp mỗi nơi nhận được một ít nên hiệu quả rất kém. Để hỗ trợ được doanh nghiệp một cách hiệu quả cần phải đổi mới chính sách hỗ trợ.

Khu vực tư nhân là một trong những khu vực quan trọng. Vì khi chúng ta nói đến nội lực, nói đến tự chủ thì phải là doanh nghiệp tư nhân. Chúng ta nói đến tận dụng cơ hội một cách bền vững thì phải là sự đóng góp của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Như vậy, phải có những chính sách thực sự để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh.

Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020: Thể chế kinh tế chưa hoàn thiện kéo lùi nhiều mục tiêu - Ảnh 7.

Trong giai đoạn tiếp theo của kế hoạch tái cơ cấu lại nền kinh tế, theo bà đâu sẽ là yếu tố quan trọng nhất mà chúng ta cần thực hiện?

Theo tôi, thứ nhất, cần hoàn thành được 3 trọng tâm về tái cơ cấu. Đây là yếu tố quan trọng nhất và không thể không hoàn thành vì nó quyết định đến thành công của những yêu tố sau.

Thứ hai, là phát triển thị trường. Những yếu tố này phải đi cùng với nhau mới đảm bảo được phân bổ nguồn lực hiệu quả và khu vực tư nhân mới phát triển được. Có thị trường lành mạnh thì tư nhân mới phát triển được.

Thứ ba là kinh tế số, chuyển đổi số. Những điều này cần tích cực triển khai vì nếu đi sau sẽ không tận dụng được cơ hội. Kinh tế số liên quan đến nhiều lĩnh vực, phát triển doanh nghiệp cũng phải chuyển đổi số, phát triển hạ tầng cũng phải tập trung đầu tư cho hạ tầng số…

Về nhiệm vụ, quan trọng nhất là hoàn thiện thể chế để thúc đẩy được cả ba vấn đề trọng tâm. Cùng với đó trách nhiệm, quyết tâm của người đứng đầu. Thực hiện tái cơ cấu trong giai đoạn vừa rồi mới đạt 5,8% tăng trưởng năng suất lao động trong khi mục tiêu giai đoạn tới tăng 6,5%. Trong khi năm tăng cao nhất cũng chỉ đạt 6,2%. Nhìn vào những con số đó sẽ hình dung được khó khăn đòi hỏi sự quyết liệt của quá trình tái cơ cấu giai đoạn tới sẽ phải rất cao.

Tôi cho rằng, nếu chúng ta hoàn thành được 3 vấn đề trọng tâm, phát triển thị trường đồng thời chuyển đổi số thì đạt được mục tiêu trên cũng hoàn toàn là có cơ sở.

Xin cảm ơn bà!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem