Tái cơ cấu ngành chăn nuôi heo, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị

Quang Sung Chủ nhật, ngày 13/11/2022 15:25 PM (GMT+7)
Đề án “Tái cơ cấu ngành chăn nuôi heo trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020-2025” nhằm hướng đến việc tái cơ cấu ngành chăn nuôi heo của đàn heo thành phố một cách hợp lý.
Bình luận 0

Cơ cấu lại ngành chăn nuôi heo là một trong những chính sách, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị. Tại TP.HCM, UBND thành phố đã ban hành Đề án Tái cơ cấu ngành chăn nuôi heo trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020-2025. UBND TP.HCM cho rằng, việc tái cơ cấu ngành chăn nuôi heo của đàn heo thành phố một cách hợp lý, mạnh mẽ trong thời gian tới, sẽ phục vụ tốt hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro và thiệt hại cho ngành chăn nuôi heo.

Giảm số lượng, tăng chất lượng các mô hình chăn nuôi heo

Mục tiêu chung của đề án là phát triển chăn nuôi theo hướng giảm tỷ lệ đàn heo thịt, tăng tỷ lệ đàn heo giống, hướng đến hình thành nhiều trại giống hạt nhân để cung cấp con giống có chất lượng cao cho người chăn nuôi thành phố và các tỉnh. Tiếp tục duy trì thành phố là trung tâm cung cấp con giống cho cả nước.

Thực hiện chuyển các mô hình chăn nuôi heo nông hộ nhỏ lẻ, sang chăn nuôi trang trại quy mô lớn hơn, công nghiệp có kiểm soát. Ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn sinh học, chăn nuôi theo quy trình VietGAHP. Trong trường hợp nông hộ chăn nuôi nhỏ không đáp ứng điều kiện đảm bảo an toàn sinh học, thực hiện chuyển đổi sang các ngành nghề khác. 

Tái cơ cấu ngành chăn nuôi heo, hướng đến chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị - Ảnh 1.

UBND TP.HCM khuyến khích chăn nuôi heo theo quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP). Ảnh: Trần Đáng

Chuyển dịch liên kết trong sản xuất và tái cơ cấu theo chuỗi giá trị, ngành hàng, gắn với các mô hình kinh tế tập thể (HTX, tổ hợp tác). Phát triển tổ chức sản xuất liên kết theo mô hình chuỗi sản phẩm, từ khâu sản xuất đến thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu. Qua đó nhằm giảm khâu trung gian, giảm chi phí giá thành, đảm bảo chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế. 

Đối với công tác phân bố lại vùng chăn nuôi heo trên địa bàn thành phố, UBND thành phố chủ trương tiếp tục duy trì và phát triển chăn nuôi heo tại các huyện ngoại thành: Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ. Đến cuối năm 2021, quận 2, quận 7, quận 9 và quận Bình Tân không còn chăn nuôi heo. Riêng các quận còn lại (quận Thủ Đức, Bình Thạnh, quận 12) đến năm 2025 không còn chăn nuôi heo. 

UBND thành phố cũng chủ trương đưa các mô hình chăn nuôi heo theo hướng hiện đại, công nghệ cao và thân thiện với môi trường. Tập trung phát triển vùng chăn nuôi quy mô trang trại, quy mô công nghiệp, công nghệ cao đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Đầu tư trong xử lý chất thải và hạn chế ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. 

Cơ sở chăn nuôi phải đảm bảo khoảng cách ly an toàn theo Nghị định số 66/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch động vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm. 

Về phương thức chăn nuôi, UBND TP.HCM khuyến khích chăn nuôi heo theo quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP). Áp dụng đồng bộ các biện pháp an toàn sinh học theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 01-14:2010/BNNPTNT về điều kiện trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. 

Không tận dụng thức ăn thừa, thức ăn không rõ nguồn gốc, xuất xứ trong chăn nuôi heo. Khuyến khích đầu tư trang trại chăn nuôi kín, , chuồng sản, tự động hoá các khâu chăm sóc, nuôi dưỡng (máng ăn, máng uống, điều chỉnh nhiệt độ chuông... ). Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi heo. Tổ chức sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ. Khuyến khích chuyên môn hóa chăn nuôi riêng biệt con giống hoặc thương phẩm, áp dụng phương thức cùng vào, cùng ra. 

Tập trung phát triển đàn giống chất lượng cao

Công tác tổ chức sản xuất chú trọng cơ cấu lại ngành chăn nuôi heo thành phố theo hướng tập trung sản xuất con giống chất lượng cao. Tổ chức sản xuất liên kết chuối sản phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ. 

Đối với đàn giống, tiến hành xây dựng đàn heo giống có năng suất cao, chất lượng tốt, cung cấp nguồn heo giống cho thị trường thành phố và các tỉnh. Đầu tư xây dựng tháp giống theo mô hình tháp 4 cấp gồm đàn GGP, GP, PS và con thương phẩm. Nhập con giống, tỉnh có tiềm năng di truyền cao, tiên tiến của các nước có ngành chăn nuôi heo phát triển như: Đan Mạch, Mỹ, Canada, Đài Loan,... Nhanh chóng cải tạo nguồn gen có chất lượng tốt trong chăn nuôi heo góp phần nâng cao năng suất, hạ giá thành và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. 

Tái cơ cấu ngành chăn nuôi heo, hướng đến chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị - Ảnh 3.

Xây hầm biogas nhằm xử lý chất thải và tận dụng triệt để trong chăn nuôi. Ảnh: Trần Đáng

Đối với đàn heo thương phẩm, tập trung phát triển hệ thống vệ tỉnh, liên kết, sản xuất, gia công. Tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, liên kết giữa con giống - chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ. Xây dựng thương hiệu gắn với việc áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Trong đó, các doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm đề liên kết với các tổ hợp tác, HTX.

Lựa chọn hình thức liên kết phù hợp và hiệu quả, tổ chức ký kết và đẩy mạnh các hình thức liên kết, nhất là hợp tác với các tỉnh. Đồng thời, giới thiệu các doanh nghiệp của TP.HCM đề hợp tác đầu tư, phát triển chăn nuôi trên địa bàn các tỉnh, cung cấp nguồn thực phẩm cho thành phố. 

Nâng cao năng lực hoạt động của các hộ chăn nuôi, các HTX, tổ hợp tác chăn nuôi theo hướng liên kết khép kín chuỗi sản xuất, truy xuất được nguồn gốc. Hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật mới về chuồng trại, chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý trong chăn nuôi. Hỗ trợ các hộ chăn nuôi về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, tiếp cận thị trường. Cung cấp dịch vụ kỹ thuật, đào tạo, tập huấn về chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP, chăn nuôi theo công nghệ cao,...Đối với các trang trại công nghiệp, cần áp dụng công nghệ tự động hóa từng khâu và toàn bộ quá trình sản xuất. 

Hỗ trợ và khuyến khích người chăn nuôi thành phố sử dụng heo giống bố mẹ từ các trang trại, xí nghiệp chăn nuôi trên địa bàn thành phố có tham gia Chương trình xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và cung ứng trong nông nghiệp. Tổ chức chứng nhận chất lượng giá trị giống heo theo các phương pháp tiên tiến (BLUP và GEN BLUP). 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem