Tái định cư - Ngăn ngừa thảm họa thiên tai

Anh Thơ Thứ năm, ngày 26/03/2020 13:22 PM (GMT+7)
Sau hơn 10 năm thực hiện Quyết định 1776/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ổn định chỗ ở cho cư dân vùng thiên tai, khu vực rừng phòng hộ, đã có hàng chục nghìn hộ sống ở những nơi nguy hiểm, có thể chịu tác động bởi sạt lở, lũ ống, lũ quét được chuyển về nơi ở mới. Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra thì kết quả đạt được vẫn là con số khiêm tốn. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, công việc này cần được đẩy nhanh để không có thêm những thảm họa đau lòng.
Bình luận 0

Kỳ 1: Hoa nở trên đống tàn tro

Thiên tai khốc liệt và khó lường, đã có những bản làng xinh đẹp chỉ trong phút chốc bị lũ cuốn trôi, đã có những gia đình chỉ trong chớp mắt bị mất người thân, nhà cửa, tài sản. Vượt lên nỗi đau khó có thể quên lãng, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, ngành chức năng, những khu tái định cư được xây dựng giúp các hộ chịu ảnh hưởng thiên tai gây dựng cuộc sống.

Sa Ná hồi sinh

img

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường tặng quà cho người dân Sa Ná. Ảnh: A.T

"Chương trình bố trí, ổn định dân cư là chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, hợp lòng dân, được nhân dân, các cấp, ngành đồng tình ủng hộ, góp phần ổn định xã hội và có ý nghĩa nhân văn cao cả”.

TS Lê Đức Thịnh –
Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn
(Bộ NNPTNT)

Một ngày tháng 8/2019, chỉ trong chớp mắt, bản Sa Ná, xã Na Mèo (Quan Sơn, Thanh Hóa) chỉ còn là một đống đổ nát bởi cơn lũ quét bất ngờ ập đến, nhanh đến mức người dân không kịp trở tay. 13 người đã chết và mất tích, 113 ngôi nhà của người dân bị trôi, sập và di dời khẩn cấp. Nhiều công trình hạ tầng như trường học, giao thông, thủy lợi... bị hư hỏng. Có những người chỉ trong phút chốc đã không còn người thân nào bên cạnh, như anh Hà Văn Vân mất 6 người thân sau cơn lũ dữ.

Nhưng chỉ sau 3 tháng, một khu tái định cư mới đã được xây dựng cách nơi ở cũ chỉ khoảng 1km. Theo đó, có 51 hộ bị ảnh hưởng và các hộ có nguy cơ trong bản Sa Ná được bố trí đến nơi ở mới.

Mức hỗ trợ đối với những nhà bị thiệt hại từ 70% trở lên là 300 triệu đồng/hộ; những nhà bị hư hỏng từ 50 - 70% được hỗ trợ 200 triệu đồng/hộ; những nhà bị thiệt hại từ 30 - 50%, được hỗ trợ 100 triệu đồng; còn những nhà có nguy cơ sạt lở, hư hỏng dưới 30% thì được hỗ trợ 40 triệu đồng để di chuyển nhà cửa.

Nhà được xây dựng kiên cố theo mẫu của Sở Xây dựng Thanh Hóa và sự đồng thuận của người dân, diện tích tối thiểu 65.85m2; hệ thống trường học, điện, nước cũng sớm được tái thiết… Tết Canh Tý, người dân bản Sa Ná đã được đón xuân trong những ngôi nhà mới. Dù nỗi đau mất người thân vẫn còn hiện hữu nhưng họ đều bày tỏ niềm tin rồi đây cuộc sống sẽ yên vui, đầm ấm hơn.

Ngày 16/1/2020, mang đến Sa Ná những giống cây ăn quả mới, gieo xuống đất này thêm niềm hy vọng về một cuộc sống mới sau những mất mát, đau thương, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường hy vọng, những người dân Sa Ná sẽ dần quên đi nỗi mất mát, đau thương, kiên cường vươn lên xây dựng lại bản làng, phát triển kinh tế.

“Thiên tai ngày càng diễn biến khó lường, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, ngoài việc thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong vùng có nguy cơ thiên tai, sạt lở thì việc bố trí di dân, tái định cư cho người dân ở những vùng có nguy cơ cao phải được coi là nhiệm vụ quan trọng, để không còn những thảm họa xảy ra như Sa Ná” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Phát hiện sớm, ngăn ngừa thảm họa

Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cho biết, việc thực hiện Quyết định số 1776/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới hải đảo, rừng đặc dụng giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020 đã góp phần hạn chế rất nhiều những thảm họa thiên tai như Sa Ná. Bởi từ nguồn vốn của chương trình này, nhiều địa phương đã bố trí, tái định cư cho hàng trăm nghìn hộ dân sống ở những nơi nguy hiểm hoặc bị ảnh hưởng bởi thiên tai, sạt lở.

Kể câu chuyện về cuộc sống của 36 hộ dân ở vùng lõi Vườn quốc gia Xuân Sơn (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) bị đe dọa khi bỗng nhiên xuất hiện những vết nứt, đứt gãy trên quả đồi phía sau nhà, tình trạng sạt lở, lũ quét đe dọa cuộc sống của người dân, ông Thịnh cho rằng, chính sách di dân đã giúp những người dân nơi đây có cuộc sống ổn định.

“Tôi nhớ, đã có trận lũ quét vùi lấp một căn nhà, may không có thiệt hại về người nhưng việc người dân sống thấp thỏm trong nỗi lo sợ là có thật, vì vậy, họ đã kiến nghị đến rất nhiều nơi. Sau đó, năm 2019, UBND tỉnh Phú Thọ đã bố trí vốn thực hiện dự án hạ tầng ổn định lại dân cư cho các hộ vùng ngập lụt, sạt lở. Gần đây, khi tôi đến thăm nơi ở mới của người dân, đa phần bà con đều rất hài lòng. Nếu không có những quyết sách kịp thời, chúng ta khó có thể lường trước được hậu quả bởi thiên tai vốn rất khó lường” - ông Thịnh nói.

Được biết, thực hiện Quyết định 1776, hơn 10 năm qua, các bộ ngành, địa phương đã di chuyển, bố trí, sắp xếp chỗ ở ổn định cho trên 105.352 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao về thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới và sống phân tán trong rừng phòng hộ, đặc dụng, đạt 66% so với mục tiêu chương trình đề ra (160.000 hộ); trong đó, vùng thiên tai bố trí sắp xếp ổn định cho 70.192 hộ (chiếm 66%). Qua đó, từng bước giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản khi có mưa lũ, hạn chế phá rừng, di cư tự do. Đồng thời, góp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và củng cố quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, các dự án bố trí dân cư đã xây dựng được nhiều công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt của các hộ di dân. Cụ thể bao gồm: 2.826km đường giao thông nội vùng, 209 công trình thủy lợi nhỏ, 368 hệ thống nước sinh hoạt, 638 giếng (bể), 193 trạm biến áp, 477km đường điện trung và hạ thế, 666 phòng học, 7 công trình trạm y tế, 65 nhà văn hóa, 75 cầu nông thôn.

Theo ông Lê Đức Thịnh, tuy chưa đạt được mục tiêu đề ra song việc bố trí, di dời các hộ dân ra khỏi vùng thiên tai góp phần hạn chế thiệt hại về người và tài sản. Quá trình thực hiện bố trí ổn định dân cư đã xây dựng được nhiều điểm dân cư có nội dung phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Người dân đến điểm tái định cư cơ bản ổn định đời sống, sản xuất, có nhà ở khang trang; đa số các điểm dân cư mới có kết cấu hạ tàng giao thông, điện, đường, trường, trạm tốt hơn nơi ở cũ.

“Tôi đánh giá đây là một chương trình có ý nghĩa nhân văn cao cả, vì con người, trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, việc bố trí, ổn định chỗ ở cho hơn 100.000 hộ dân đã thể hiện sự nỗ lực của các cấp ngành, địa phương sao cho người dân có cuộc sống an toàn nhất” - ông Thịnh nhấn mạnh.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem