Tại Dự án LIFSAP: Vì sao phải lấy cả vốn vay của WB chi vào... tiền ăn, phòng ngủ, vé máy bay?

Nhóm PVĐT Chủ nhật, ngày 12/07/2020 11:14 AM (GMT+7)
Theo tài liệu của Dân Việt có được, trong năm 2019, Dự án cạnh tranh Ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm- LIFSAP (phần của BQL Trung ương), có những khoản chi như tiền ăn, tiền tàu xe, máy bay, phòng ngủ... đều lấy từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB).
Bình luận 0

Như Dân Việt đã có loạt bài phản ánh về "Sự thật đằng sau Dự án 80 triệu USD" của LIFSAP nêu thực trạng, các hộ chăn nuôi ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khi tham gia vào dự án này đã lâm nợ, chuồng trại xập xệ trong khi đã phải chi ra tới 134 triệu USD cho cả 2 gói vay theo 2 giai đoạn. Vậy thực sự, số tiền trên đã được chi vào những khoản, mục gì?

Kinh khủng, tại Dự án LIFSAP: Lấy cả vốn vay của WB chi vào... tiền ăn, phòng ngủ, vé máy bay - Ảnh 1.

Một dự án có tổng mức đầu tư đến 134 triệu USD, nhưng cái người chăn nuôi nhận được là chuồng trại xập xệ như thế này. Ảnh: Trần Quang.

Tiền ăn uống, phòn ngủ, vé máy bay... cũng lấy vào nguồn vốn vay

Năm 2019, chỉ riêng BQL Trung ương Dự án LIFSAP, thuộc BQL các Dự án Nông nghiệp được giao tổng nguồn vốn là 26,2 tỷ đồng; trong đó 6,2 tỷ đồng là vốn ngân sách và 20 tỷ đồng vốn vay của WB thuộc khoản vay bổ sung. Trong số này, có hơn 3,38 tỷ đồng phải hủy bỏ do kế hoạch lập không sát, trong đó có 2,38 tỷ đồng từ nguồn vốn đối ứng của ngân sách và hơn 1 tỷ đồng vốn vay WB.

Như vậy, tổng số thực chi là 22,8 tỷ đồng với 3,81 tỷ đồng từ vốn ngân sách và 18,99 tỷ đồng vốn vay của WB.

Trong 22,8 tỷ đồng đã chi, có 15,6 tỷ đồng được chi để mua sắm thiết bị, công nghệ, còn lại 7,2 tỷ đồng chi vào rất nhiều khoản khác nhau, không liên quan trực tiếp đến việc hỗ trợ cho người chăn nuôi.

Cụ thể, chỉ riêng khoản hội nghị đã chi hết 882 triệu đồng, trong đó lấy từ nguồn vốn vay 831 triệu đồng. Trong đó, toàn bộ 194,8 triệu đồng chi phí mua vé máy bay, tàu xe đều được lấy từ vốn vay WB ; khoản chi bù tiền ăn hết 239,4 triệu đồng, thì lấy 206,7 triệu đồng từ vốn vay WB. Tương tự, một số khoản chi khác cũng được lấy từ vốn vay WB như: 98 triệu đồng tiền phòng ngủ, chi khác 110 triệu đồng.

Cần tiến hành kiểm toán, thanh tra ngay Dự án LIFSAP

Theo một chuyên gia, việc xét duyệt quyết toán đối với các khoản chi của Dự án LIFSAP mới đơn thuần nằm ở mặt sổ sách, giấy tờ; còn việc xem các khoản chi trên có đúng mục đích, đơn giả, hiệu quả không thì cơ quan kiểm toán, thậm chí thanh tra phải vào cuộc kiểm tra. Vẫn theo vị chuyên gia này, dự án thực tế là để hỗ trợ trực tiếp cho các hộ chăn nuôi, nhưng chỉ riêng ở BQL Trung ương đã chi 7,2 tỷ vào các khoản khác thì cần phải xem xét lại.

"Đến cả tiền ăn, tiền phòng ngủ, tiền vé máy bay, tàu xe, nhiên liệu đi lại... cũng lấy vào nguồn vốn vay thì quá kinh khủng. Đã gọi là vốn vay, thì chúng ta phải trả lãi suất, điều này có nghĩa là việc ăn, ngủ, đi lại cũng phải... trả lãi, trong khi đáng lẽ những khoản này nếu phải chi thực thì phải lấy vào nguồn vốn đối ứng, tức ngân sách"- vị chuyên gia này nói.

Chưa hết, nhiều khoản chi "lặt vặt" của dự án cũng đều được lấy từ khoản vốn vay của WB. Đơn cử như tiền làm thêm giờ 87 triệu đồng, kinh phí công đoàn 6,5 triệu đồng, thanh toán nhiên liệu 92,3 triệu đồng, cước phí điện thoại trong nước 9,4 triệu đồng, cước phí internet 9,1 triệu đồng.

Hàng loạt khoản chi công tác phí cũng được lấy từ nguồn vốn vay WB như: tiền vé máy bay hết tới 462 triệu đồng, thì lấy từ WB là 246 triệu đồng, phụ cấp công tác phí 62 triệu đồng, tiền phòng ngủ 121 triệu đồng, chi phí khác 892 triệu đồng.

Đặc biệt, có tới 2,83 tỷ đồng "chi khác", mà không có giải trình đó là chi cho hạng mục gì. Trong đó, chỉ riêng phần phụ cấp lương, phần khi "khác" lên tới 1,6 tỷ đồng...

Kinh khủng, tại Dự án LIFSAP: Lấy cả vốn vay của WB chi vào... tiền ăn, phòng ngủ, vé máy bay - Ảnh 3.

Dự án có mục tiêu hỗ trợ trực tiếp cho người chăn nuôi, nhưng phần nhiều các khoản chi lại không đến tay nông dân. Trong ảnh: bà Ngô Thị Dung ở xã Hồng Phong lại khóc nức nở trong sự uất hận. "Hàng tỷ đồng đầu tư vào chăn nuôi lợn VietGAP giờ đã bị dịch tả lợn châu Phi "cướp" hết, chúng tôi thực sự "trắng tay" rồi". Ảnh: Trần Quang

Vẫn còn 3 tỉnh chưa quyết toán xong

Trao đổi với Dân Việt, ông Tôn Thất Sơn Phong - Phó Ban Quản lý các dự án nông nghiệp, Giám đốc Dự án LIFSAP cho biết, đến nay trong 12 tỉnh thì có 9 tỉnh quyết toán hoàn thành xong dự án, còn 3 tỉnh đang trình các cơ quan có thẩm quyền để phê duyệt quyết toán dự án.

Theo chỉ đạo của Bộ NNPTNT, dự kiến đến hết quá 3/2020 dự án sẽ quyết toán hoàn thành xong theo đúng quy định. Như vậy, tất cả các hoạt động từ sau 31/12/2018 thì các kinh phí chỉ còn duy trì phục vụ công tác quyết toán dự án.

Trong thời điểm dự án kết thúc đúng vào lúc xảy ra dịch tả lợn châu Phi, chúng tôi cũng có văn bản gửi cho các tỉnh và có báo cáo Bộ chỉ đạo để các tỉnh trong dự án bố trí nguồn vốn đối ứng (từ nguồn vốn của các tỉnh) để bảo vệ các thành quả của dự án cũng như việc hỗ trợ cho các nông hộ trong dự án.

Kinh khủng, tại Dự án LIFSAP: Lấy cả vốn vay của WB chi vào... tiền ăn, phòng ngủ, vé máy bay - Ảnh 5.

Ông Tôn Thất Sơn Phong- Giám đốc BQL Dự án LIFSAP.

Hiện, chúng tôi cũng đang rất lo và trăn trở về các khó khăn mà các nông hộ, đây là đối tượng bị động, biến động và dễ bị tổn thương nhất. Có thể trong quá trình triển khai dự án, chúng tôi cũng đã có hành động để kịp thời hỗ trợ bà con, nhưng khi xảy ra dịch tả lợn châu phi lại diễn ra đúng vào thời điểm kết thúc dự án nên bà con bị ảnh hưởng, thiệt hại ngay.

Dù dự án đã kết thúc từ 31/12/2018 nhưng đến ngày 26/5/2020, khi được PV Dân Việt hỏi về báo cáo chi tiết các kinh phí hỗ trợ cụ thể cho các hợp phần trong dự án, ông Phong vẫn khẳng định Ban quản lý dự án Trung ương vẫn chưa nhận được báo cáo cụ thể của các địa phương.

"Cái này phải làm việc với các Sở NNPTNT các tỉnh, chúng tôi trên nay chỉ là điều phối chung các dự án, còn việc hỗ trợ, làm trực tiếp các hoạt động này. Hiện, các tỉnh vẫn đang tiếp tục gửi lên và chúng tôi sẽ phải tổng hợp lại sau chứ chưa có ngay lập tức được", ông Phong nói.

Vụ Tài chính, Bộ NNPTNT nói gì?

Trao đổi với PV Dân Việt, bà Phạm Thanh Huyền- Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ NNPTNT) cho biết: "Phần quyết toán mà Vụ Tài chính đã duyệt cho BQL Trung ương dự án LIFSAP được thực hiện theo các quy định chung".

Trả lời câu hỏi về việc, vì sao lại dùng tiền vốn vay của WB (phải trả lãi suất) để chi vào các khoản chi thường xuyên như tiền lương, ăn, nghỉ, vé máy bay, xe cộ đi lại..., mà không dùng tiền từ vốn đối ứng ngân sách, bà Huyền cho biết: "Chủ trương đúng là như thế, nhưng có quy định cụ thể cho các dự án theo thời gian ký kết của Hiệp định trước hoặc sau năm 2017. Mặt khác, cũng phụ thuộc vào thiết kế của dự án nữa". 

Tuy nhiên, khi được PV Dân Việt hỏi tiếp, dù thiết kế thế nào, thì việc lấy cả tiền đi vay để chi vào tiền ăn, tiền ngủ, tiền vé may bay... là quá vô lý, bà Huyền cho biết: "Đúng là trong dự án này, tiền vốn vay WB chỉ dùng để chi cho tiền lương".

Về việc 3 tỉnh chưa hoàn thành quyết toán dự án, bà Huyền cho biết: "Phần quyết toán của các tỉnh là do các tỉnh tự quyết toán, Bộ không quyết toán phần chi của các tỉnh".

Dự án LIFSAP kết thúc, dân nuôi lợn Thủ đô cũng "vỡ mộng" làm giàu - Ảnh 3.

Chúng tôi không thể tin chuồng trại nuôi lợn theo Dự án LIFSAP của ông Bùi Văn Thuần ở thôn Hạ, xã Hồng Phong xuống cấp, xập xệ sau khi dịch tả lợn châu Phi quét qua. Ảnh: Trần Quang

Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP) do Ngân hàng Thế giới tài trợ được thực hiện bởi Ban Quản lý các dự án nông nghiệp, việc áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt (GAHP) cấp nông hộ. Giải pháp này được cho là hoàn hảo cho chăn nuôi quy mô nông hộ ở Việt Nam.

Dự án LIFSAP được thực hiện trên địa bàn 12 tỉnh gồm: Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Cao Bằng, Thanh Hoá, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai và Lâm Đồng. Trong năm đầu tiên, dự án sẽ được triển khai thử nghiệm trên địa bàn 4 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Thái Bình, TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Sau khi tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm sẽ mở rộng ra các tỉnh còn lại.

Tổng vốn đầu tư ban đầu của dự án: 79,03 triệu USD. Trong đó: Vốn ODA 1.109,9 tỷ VNĐ, tương đương 65,26 triệu USD. Vốn đối ứng: 57,8 tỷ VNĐ, tương đương 3,4 triệu USD. Vốn khác: 176,29 tỷ VNĐ, tương đương 10,37 triệu USD từ nguồn vốn của tư nhân. Chủ dự án là Ban Quản lý các dự án nông nghiệp.

Sang giai đoạn 2 (2016-2018), dự án tiếp tục được WB cấp khoản vay bổ sung với tổng nguồn vốn là 54,68 triệu USD. Như vậy, tổng nguồn vốn đầu tư của Dự án này lên tới 133,71 triệu USD (tương đương hơn 3.000 tỷ đồng).

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem