Tài sản ông Đặng Văn Thành "bốc hơi" tiền tỷ vì ngành mía đường lao đao trước áp lực ATIGA

Quốc Hải Thứ hai, ngày 12/03/2018 06:00 AM (GMT+7)
Lượng đường tồn kho tăng, cùng với áp lực của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đang tác động tiêu cực lên hoạt động doanh nghiệp lĩnh vực ngành mía đường của Việt Nam. Cổ phiếu của một số doanh nghiệp ngành đường cũng vì thế mà chịu ảnh hưởng mạnh và nhóm cổ phiếu của đại gia Đặng Văn Thành cũng không ngoại lệ.
Bình luận 0

img

Ngành mía đường đang gặp khó khăn (Ảnh: IT)

Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết: Tình hình ngành mía đường đang rất căng. Nhiều nhà máy chấp nhận bán đường dưới giá thành song vẫn ế, đã có nhà máy phải tạm ngừng sản xuất.

Thất vọng với cổ phiếu ngành mía đường

Từ sau Tết Nguyên đán 2018 đến nay, cổ phiếu nhóm ngành mía đường đang liên tục giảm mạnh. Chẳng hạn, cổ phiếu SBT của đại gia Đặng Văn Thành liên tục “đỏ sàn”. Đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu SBT chỉ còn ở mức giá 17.750 đồng/CP, giảm mạnh so với mức giá 24.350 đồng/CP hồi đầu năm 2018. Sự sụt giảm này cũng “kéo” SBT lọt khỏi top 30 doanh nghiệp có mức vốn hóa lớn nhất sàn HoSE, từ mức vốn hóa đạt trên 13.560 tỷ đồng xuống mức vốn hóa chỉ còn vỏn vẹn hơn 9.887 tỷ đồng ở thời điểm hiện tại.

Đà sụt giảm của cổ phiếu SBT cũng khiến khá nhiều nhà đầu tư bất ngờ khi mới đây, SBT đã triển khai một loạt hoạt động M&A như: nắm gần như toàn bộ Mía đường Tây Ninh (TANISUGAR) và 23% điện Gia Lai (GEG). Bên cạnh đó, việc mở rộng M&A của Thành Thành Công (TTC) theo như chia sẻ của ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Thành Thành Công, là nhằm mục đích hợp nhất các công ty nhỏ lẻ thành một thể thống nhất với quy trình quản lý hiện đại, quy hoạch vùng nguyên liệu khoa học, nâng năng suất thu hoạch tiệm cận với các nước sản xuất mía đường hàng đầu thế giới như Brasil, Thái Lan... và sẵn sàng đối đầu với ATIGA. Thế nhưng, dường như kế hoạch này của Thành Thành Công hiện đang gặp sức ép khá lớn đến từ ATIGA.

Một mã cổ phiếu mía đường khác cũng đang sụt giảm khá mạnh là LSS của Công ty CP Mía đường Lam Sơn. Hiện tại, cổ phiếu LSS giao dịch ở mức giá 9.900 đồng/CP, giảm mạnh so với mức giá 12.400 đồng/CP thời điểm đầu năm 2018. Và nếu so với thời điểm cách đây một năm, nhà đầu tư “ôm” cổ phiếu LSS càng cay đắng hơn khi thời điểm đó LSS lên tới khoảng 18.000 đồng/CP.

Cổ phiếu KTS của Công ty CP Đường Kon Tum thời gian gần đây cũng liên tục “đỏ sàn”, tính đến thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu KTS chỉ đạt 23.300 đồng/CP, giảm mạnh so với thời điểm đầu năm 2018 khi mức giá KTS đạt tới 35.200 đồng/CP. Dù vậy, nếu so với thời điểm cách nay gần 2 năm (tháng 7.2016), cổ phiếu KTS đạt đỉnh gần 70.000 đồng/CP thì mới thấy được nỗi chua sót của nhà đầu tư khi “ôm” mã cổ phiếu này tới hiện tại.

Hay, cổ phiếu SLS của Công ty CP Mía đường Sơn La cũng đang giảm mạnh so với mức đỉnh chỉ trong vài tháng gần đây. Hiện SLS ở mức giá 148.200 đồng/CP, giảm mạnh so với mức giá 188.900 đồng/CP thời điểm đầu năm 2018.

Cổ phiếu một “ông lớn” khác là QNS của Công ty CP Đường Quảng Ngãi hiện tại cũng giao dịch quanh mức giá 64.600 đồng/CP. Mức giá này giảm gần một nửa so với thời điểm đầu năm 2017 khi cổ phiếu QNS giao động ở vùng giá 105.000 - 108.000 đồng/CP.

Vì đâu nên nỗi?

Bên cạnh áp lực đến từ ATIGA, câu chuyện kinh doanh và áp lực nợ vay của các doanh nghiệp ngành đường cũng khiến cổ phiếu ngành này sụt giảm mạnh và trở nên kém hấp dẫn trong mắt giới đầu tư. Chẳng hạn, với “ông lớn” Thành Thành Công - Biên Hòa, chỉ riêng hai quí đầu tiên của năm tài chính 2017-2018, mức chi trả lãi vay của SBT là 384 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế  chỉ đạt 259 tỷ đồng, chưa bằng 68% chi phí trả lãi vay.

Chưa kể, vốn chủ sở hữu của SBT gần 7.135 tỷ đồng, nhưng tổng nợ vay ngắn và dài hạn lên tới hơn 9.050 tỷ đồng, trong đó vốn vay ngắn hạn là 5.921 tỷ đồng. Chính áp lực lãi vay này cũng phần nào đè nặng lên đà tăng trưởng của cổ phiếu SBT dù các chiến lược M&A của doanh nghiệp này trước nay đều rất thành công.

Trong khi đó, với Công ty CP Mía đường Lam Sơn, theo báo cáo soát xét được công bố mới đây, tổng doanh thu thuần bán hàng trong 2 quý đầu (niên độ 2017-2018) xấp xỉ 475 tỷ đồng, chỉ tương đương 55% cùng kỳ niên độ trước. Nguyên nhân là vùng nguyên liệu của Mía đường Lam Sơn đã bị thiệt hại khá nặng trong đợt mưa lũ hồi tháng 10.2017 khiến hơn 30% diện tích mía đã đến lúc vào vụ thu hoạch bị ngập lụt, khu nông nghiệp công nghệ cao bị tổn thất nặng nề.

Ngoài ra, vay nợ tại Mía đường Lam Sơn so với thời điểm 1.7.2017 cũng đã tăng thêm 126 tỷ đồng lên 818 tỷ đồng đối với kỳ hạn ngắn dưới 1 năm. Vay nợ dài hạn chỉ ở mức khá khiêm tốn, xấp xỉ 6,65 tỷ đồng, cũng tăng 41% so với đầu năm. Tổng nợ hiện đang chiếm khoảng 39,7% nguồn vốn.

Trong khi đó, theo nhận định của một số công ty chứng khoán, ngành đường và cổ phiếu ngành đường năm 2018 sẽ tiếp tục gặp khó khăn, bởi, ngành mía đường mới bước vào niên vụ mới được 2 tháng, đã có khoảng 100 nghìn tấn đường mới ra lò, trong khi hàng trăm nghìn tấn đường của niên vụ cũ còn tồn đọng trong kho không thể bán nổi, khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước sẽ tiếp tục thoi thóp như hiện nay.

“Ngành mía đường đang vô cùng khó khăn, lượng đường tồn kho của niên vụ cũ vẫn còn 200.000 tấn. Trong khi đó, việc tiêu thụ đường khá chậm vì các đối tác ngừng nhập hàng, trông chờ thời điểm thực thi Hiệp định ATIGA, từ ngày 1.1.2018, khi thuế nhập khẩu đường khu vực ASEAN xuống 0%. Vì thế, nhiều nhà máy chấp nhận bán đường dưới giá thành song vẫn “ế”, đã có nhà máy phải tạm ngừng sản xuất”, ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem