“Tại sao đụng tới cái gì cũng phải nộp phí?”

Long Nguyên Thứ năm, ngày 17/09/2015 14:16 PM (GMT+7)
Sáng 17.9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã gay gắt phản đối vấn đề thu phí, lệ phí khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế.
Bình luận 0

Tiếp tục chương trình làm việc của phiên họp thứ 41, sáng 17.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế.

Theo Tờ trình Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế, dự thảo Nghị định đã quy định các loại phí, lệ phí gồm: Lệ phí công bố đủ điều kiện sản xuất trang thiết bị y tế; công bố tiêu chuẩn trang thiết bị y tế thuộc loại A; công bố đủ điều kiện mua bán trang thiết bị y tế; phí cấp mới, cấp lại, gia hạn số lưu hành; phí thẩm định cấp mới, cấp lại giấy chứng nhận kiểm định, hiệu chuẩn.

Việc thu, nộp, quản lý, sử dụng các loại phí này sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

img

Các đại biểu cho rằng cần xem xét lại nhiều vấn đề của Dự thảo Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế.

Không đồng tình về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói thẳng: “Nếu thu phí theo kiểu này thì máy móc đưa về Việt Nam sẽ đắt nhất thế giới vì chịu quá nhiều loại phí. Tôi cho rằng chẳng cần phí nào hết. Tại sao lại cứ đưa phí vào đây?”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng phân tích, kinh doanh trang thiết bị y tế là kinh doanh có điều kiện nhưng “không phải cứ đụng cái gì cũng phải xin phép, nộp phí”. Theo Chủ tịch Quốc hội, điều cần thiết là phải đưa ra các điều kiện để nhà sản xuất theo đó mà làm.

“Nếu không thì ta như trở lại thời bao cấp ngày xưa, cuối cùng phần thiệt lại đổ lên đầu Nhà nước, người bệnh mà cán bộ, công chức cũng chịu rủi ro. Cần phải đổi mới tư duy đi”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trong khi đó, các đại biểu cho rằng, cần có văn bản pháp luật điều chỉnh nhưng Dự thảo Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế còn nhiều điểm chưa hợp lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng: “Cần xem xét lại nếu không sẽ phá vỡ nhiều luật hiện hành”. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý nhận định: “Chỉ cần quy định các vấn đề mà những luật khác chưa quy định”. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng cần tránh đặt ra quá nhiều thủ tục hành chính khiến các cơ sở kinh doanh gặp khó khăn bởi luật cần phải chặt chẽ nhưng tránh gây phiền hà, tiêu cực.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Bộ Y tế cần phải rà soát lại Dự thảo Nghị định bởi nếu đưa nghị định này ra có thể khiến trong nước thiếu trang thiết bị y tế, không phát triển, không sản xuất, không nhập khẩu và không lưu hành được. “Cứ thế thì cuối cùng lại dẫn tới buôn gian bán lận, quản lý chặt chẽ nhưng vẫn xảy ra tình trạng buôn lậu. Làm kiểu này thì chắc chắn trang thiết bị y tế nước ta sẽ không ổn”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cần có nghị định trong lĩnh vực quản lý trang thiết bị y tế, nhưng đối tượng điều chỉnh phải theo hướng gọn hơn và đúng với chức năng quản lý nhà nước của ngành y tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem