Tại sao Mỹ không cứu Pháp ở Điện Biên Phủ?

N.H Chủ nhật, ngày 20/09/2020 19:32 PM (GMT+7)
Pháp và Mỹ là 2 đồng minh lớn trong khối Bắc Đại Tây Dương. Tuy nhiên, Mỹ luôn đòi Pháp nhanh chóng trao trả độc lập cho Đông Dương, kể cả sau khi Pháp và Bảo Đại ký Hiệp ước Elysée. Vì sao lại vậy?
Bình luận 0

Cứu được Điện Biên Phủ không có nghĩa là cứu được chiến dịch tái chiếm Đông Dương, nhưng Pháp vẫn hy vọng làm được nếu có sự can thiệp của Mỹ. Từ năm 1950, Washington đã nắm cuộc chiến qua tay Paris, nên cứu Điện Biên Phủ không vì Pháp thì cũng vì Mỹ. Nhưng việc Mỹ không can thiệp là hệ quả tất yếu của những khác biệt về ý đồ, chính sách và biện pháp.

Tại sao Mỹ không cứu Pháp ở Điện Biên Phủ? - Ảnh 1.

Điện Biên Phủ năm 1954.

Pháp và Mỹ là 2 đồng minh lớn trong khối Bắc Đại Tây Dương. Tuy nhiên, Mỹ luôn đòi Pháp nhanh chóng trao trả độc lập cho Đông Dương, kể cả sau khi Pháp và Bảo Đại ký Hiệp ước Elysée. Theo hiệp ước này, độc lập mà Pháp trao cho Bảo Đại thực tế chỉ là độc lập của "một nước vệ tinh" - như cách gọi của nhà sử học Pháp Philippe Devillers.

Vì Mỹ luôn đòi Pháp trả lại độc lập thật sự cho các nước Đông Dương, nên Pháp nghĩ Mỹ mưu tính gạt mình ra khỏi Đông Dương. Nhiều sự việc khác cũng chứng tỏ ý đồ của Mỹ muốn thay thế Pháp ở Đông Dương, và sự nghi ngờ của Pháp càng tăng thêm. Năm 1954, Mỹ ép Pháp gạt Hoàng thân Bửu Lộc để chấp nhận Ngô Đình Diệm, người của Mỹ, làm thủ tướng chính phủ Sài Gòn. Sau đó, Mỹ lại ép Pháp nhường việc huấn luyện quân đội của Bảo Đại cho các cố vấn Mỹ. Ngay trong khi mong muốn Mỹ tiến hành chiến dịch Diều hâu, can thiệp bằng không quân giúp Pháp ở Điện Biên Phủ, Paris vẫn lo sợ Mỹ đòi tham gia chỉ đạo cuộc chiến.

Về phía Mỹ, càng ráo riết thực thi chiến lược toàn cầu, Mỹ càng nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của Đông Dương. Từ cuối năm 1953, đầu năm 1954, Mỹ đã chính thức đặt Đông Dương vào phòng tuyến chống cộng sản của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi tăng cường viện trợ cho Pháp về tài chính và quân sự, Mỹ cũng gấp rút chuẩn bị những lá bài riêng cho mình, phòng khi Pháp thất bại và Mỹ sẽ nhảy vào thay thế Pháp ở Đông Dương.

Theo kế hoạch can thiệp không quân của Mỹ, 200 máy bay xuất phát từ các tàu sân bay Essex và Boxer đang đậu ở Biển Đông. Về sau, các chuyên gia lại bàn cụ thể điều kiện thực hiện kế hoạch đó.

Ngày 4/4/1954, tướng Navarre chính thức đề nghị thực hiện kế hoạch Diều hâu, mà không biết rằng ngày 2/4, đô đốc Radford làm việc với tổng thống Eisenhowr đã từ bỏ kế hoạch này rồi.

Kế hoạch Diều hâu không được thực hiện do sự phản đối của các lực lượng dân chủ và tiến bộ, do bản thân quốc hội Mỹ và các nước đồng minh khác của Mỹ ở châu Âu. Nhưng trước hết, do ngay chính giới Mỹ không tin rằng hành động đó có thể cứu nguy cho thất bại của người Pháp ở Điện Biên Phủ. Những cố gắng của Mỹ giúp Pháp, như điều máy bay vận tải cỡ lớn chở quân tiếp viện từ Pháp sang Việt Nam, lập cầu hàng không thả dù tiếp tế xuống Điện Biên Phủ, đã không thể giúp ích gì cho người Pháp trong việc tránh khỏi một thất bại ở Điện Biên Phủ và Đông Dương.

Phía Mỹ lúc đó cũng cân nhắc chiến lược giữa châu Âu và châu Á. Thế Chiến II kết thúc, mặc dù châu Á đang sôi sục phong trào giải cách mạng, Mỹ rõ ràng đặt "ưu tiên chiến lược" ở châu Âu. Sau khi cách mạng Trung Quốc thắng lợi, các nhà chiến lược Mỹ đã đánh giá lại chiến lược "ưu tiên châu Âu" và coi trọng cả châu Á. Tướng Mathew Ridway, sau khi tham chiến ở Chiến tranh Triều Tiên, kết luận không nên đưa lục quân Mỹ vào lục địa châu Á. Sau khi phải rút quân về nam vĩ tuyến 38, ký Hiệp ước đình chiến Bàn Môn Điếm, Mỹ đã tỉnh ngộ về ưu tiên chiến lược. Vì vậy, đối với Mỹ, nhảy vào Điện Biên Phủ không chỉ là vấn đề cứu hay không cứu Điện Biên Phủ, mà trước hết là vấn đề chấp nhận hoà hoãn hay gây lại chiến tranh với Trung Quốc.

Theo nhà nghiên cứu Lưu Văn Lợi, nguyên trợ lý bộ trưởng ngoại giao, sau khi cân nhắc hiệu quả của một cuộc oanh tạc ồ ạt quanh Điện Biên Phủ và tác động của nó đối với chiến lược chung, Mỹ thấy rằng cuộc tái chiếm Đông Dương đã đi đến giai đoạn nhất định thất bại, không thể cứu vãn được. "Nếu Mỹ nhảy vào cứu Điện Biên Phủ, thì chiến tranh có thể bị kéo dài với nguy cơ gây một chiến tranh với Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, mà hậu quả là một Bàn Môn Điếm mới, thậm chí tồi tệ hơn", ông Lợi nhận định.

Washington cho rằng không cứu Điện Biên Phủ, họ sẽ tránh được một cuộc chiến tranh nhất định thất bại với cả Việt Nam và Trung Quốc. Họ có thời gian tập hợp lực lượng chống cộng, biến miền nam Việt Nam thành một căn cứ quân sự mạnh để thực hiện chiến lược ngăn chặn và răn đe đối với Việt Nam và Trung Quốc. Chính vì vậy, khối SEATO (Hiệp ước Phòng thủ tập thể Đông Nam Á), bao gồm Australia, Pháp, Anh, New Zealand, Pakistan, Philippines, Thái Lan và Mỹ, được thành lập năm 1954, nhằm ngăn chặn nguy cơ cộng sản ở Đông Nam Á.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem