Tại sao thủy sản Việt Nam xuất được sang EU nhưng siêu thị trong nước lại từ chối?

Khánh Nguyên Thứ tư, ngày 07/07/2021 13:59 PM (GMT+7)
Đó là một trong những bất cập đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nêu ra tại cuộc họp giữa Bộ NNPTNT với đại diện các hiệp hội để kịp thời lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp sáng 7/7.
Bình luận 0

Cụ thể, theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dù ngành thủy sản đạt được nhiều kết quả tích cực trong 5 tháng đầu năm 2021 nhưng có những vấn đề khó khăn, bất cập, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đó là chi phí sản xuất, vận chuyển tăng cao khiến các doanh nghiệp trong ngành phải gồng mình thực hiện mục tiêu kép.

Về những kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành thủy sản, ông Nam cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp thủy sản có các nhóm ngành hàng khác nhau nhưng nguyện vọng chung nhất là muốn được Chính phủ, Bộ NNPTNT quan tâm để nhóm người lao động làm việc trong các nhà máy chế biến của ngành thủy sản được tiêm vaccine kịp thời. 

Đối với nhóm hàng khai thác từ biển, mong muốn Chính phủ, Bộ NNPTNT tiếp tục cho cộng đồng doanh nghiệp ngành thủy sản đồng hành tháo gỡ thẻ vàng càng sớm càng tốt.

Đối với vấn đề nguyên liệu cho ngành hàng chế biến thủy sản, theo ông Nam, nếu ngành hàng thủy sản có nguyên liệu tốt sẽ duy trì được năng lực cạnh tranh. 

Tại sao thủy sản Việt Nam xuất được sang EU nhưng siêu thị trong nước lại từ chối? - Ảnh 1.

Hàng thủy sản có thể xuất khẩu sang EU nhưng lại không thể đưa vào các siêu thị của Việt Nam vì một quy định tại Thông tư số 10. Trong ảnh: Dây chuyền chế biến cá tra của Vĩnh Hoàn. (Ảnh: V.H).

"Có 2 nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, một là duy trì sản xuất trong nước, hai là nhập khẩu nguyên liệu có chất lượng để đáp ứng nhu cầu năng lực chế biến. Qua rà soát văn bản liên quan đến kiểm tra nhập khẩu, doanh nghiệp kiến nghị các sản phẩm chế biến làm thực phẩm cho người thì áp dụng kiểm tra an toàn thực phẩm chứ không phải áp dụng kiểm dịch như hiện nay" - ông Nam nói.

Ngoài ra, ông Nam kiến nghị Bộ NNPTNT sớm triển khai đánh số vùng nuôi thủy sản để đảm bảo truy xuất nguồn gốc, kiểm soát toàn bộ vật tư đầu vào.

Bên cạnh đó, theo ông Nam, một số quy định của EU khiến việc xuất khẩu cồi sò điệp của Bình Thuận đang gặp khó khăn do chưa kiểm tra khảo nghiệm xuất khẩu.

"Đã mất hơn 2 năm doanh nghiệp gặp khó khăn khi xuất khẩu cồi sò điệp sang EU. Chúng tôi kiến nghị Bộ NNPTNT, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản xúc tiến nhanh để cồi sò điệp của BÌnh Thuận có thể xuất khẩu sang EU vào dịp Noel tới" - ông Nam kiến nghị.

Theo ông Nam, ngoài nỗ lực thực hiện các khuyến nghị của EC để gỡ "thẻ vàng" cần khơi thông xuất khẩu ở thị trường này vì có một thực tế xuất khẩu thủy sản khai thác đang rất tốt ở thị trường khác nhưng lại có xu hướng giảm ở EU.

Một vấn đề bất cập nữa theo ông Nam, Việt Nam được xếp vào top 3 thế giới về xuất khẩu thủy sản nhưng thị trường nội địa 100 triệu dân lại có những vướng mắc, hàng thủy sản có thể xuất khẩu sang EU nhưng lại không thể đưa vào các siêu thị của Việt Nam vì một quy định tại Thông tư số 10 của Bộ NNPTNT.

Nguyên nhân dẫn đến bất cập này là do Thông tư 10 cấm kháng sinh Enrofloxacin vì thị trường Nhật Bản, Mỹ cấm loại kháng sinh này, trong khi thị trường EU lại chấp nhận một lượng rất nhỏ. Đấy là lý do dẫn đến một số hàng hóa có thể xuất khẩu vào châu Âu nhưng các siêu thị ở Việt Nam không chấp nhận do vướng quy định tại Thông tư 10.

"VASEP đã báo cáo vấn đề này để Bộ NNPTNT và các bộ ngành chức năng nắm tình hình, hiện tại các bộ ngành đang kêu gọi người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, vì vậy trước bất cập nhỏ này các bộ ngành cần có nghiên cứu kỹ hơn, từ đó điều chỉnh văn bản pháp luật cho phù hợp" - ông Nam nói. 

Bà Vũ Thị Mai Hiên - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện, Vụ Pháp chế đang xem xét sửa đổi một số văn bản trong lĩnh vực thủy sản như cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở; Cấp G ấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản...

Trước kiến nghị của VASEP, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Cục Thú y nghiên cứu, xem xét và giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp, nhất là quy định kiểm dịch hay kiểm tra an toàn thực phẩm với tinh thần không làm khó doanh nghiệp.

"Chúng ta không chỉ sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp mà còn sửa đổi cả thái độ làm việc" - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem