Tâm điểm chú ý dồn vào các cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm nay

Thứ hai, ngày 19/09/2022 12:26 PM (GMT+7)
Thông điệp mà lãnh đạo các quốc gia phát đi tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tuần này sẽ rất đáng chú ý, trong bối cảnh thế giới đối mặt khủng hoảng trên nhiều khía cạnh.
Bình luận 0

Sau 2 năm tổ chức trực tuyến bởi Covid-19, năm nay, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ một lần nữa tập trung tại phòng họp lớn của Liên Hợp Quốc tại New York, Mỹ trong phiên họp cấp cao của Đại hội đồng khóa 77, sự kiện biểu tượng của hy vọng hòa bình trường tồn sau Thế chiến II, theo AP.

Phiên khai mạc Đại hội đồng khóa 77 diễn ra trong bối cảnh thế giới đang đối mặt khủng hoảng trên gần như mọi phương diện. Chiến dịch quân sự Nga phát động tại Ukraine đã thổi bùng cơn bão lạm phát, bất ổn kinh tế, khủng hoảng lương thực trên khắp thế giới.

Chủ nghĩa khủng bố, tư tưởng cực đoan, môi trường xuống cấp, lũ lụt, hạn hán, cháy rừng và đại dịch Covid-19 là những hiểm họa khác đang đe doa nhận loại ở quy mô toàn cầu.

Tuần lễ được trông đợi

Ngày 19/9, tuần lễ cấp cao của Đại hội đồng sẽ khai mạc với buổi thảo luận về vấn đề giáo dục. Sự gián đoạn việc dạy và học trong hai năm Covid-19 vừa qua sẽ có tác động lan tỏa trong nhiều thập niên tới.

Từ 20/9, dưới đề mục Thảo luận chung, lãnh đạo các quốc gia sẽ bắt đầu phát biểu cho đến ngày 26/9.

Trong khi phiên họp cấp cao của Đại hội đồng đã trở lại như thông lệ trước đại dịch, Covid-19 cũng tạo ra những thay đổi. Bên cạnh các quy định về y tế, sẽ có ít sự kiện bên lề hơn được tổ chức tại trụ sở Liên Hợp Quốc.

Tâm điểm chú ý dồn vào cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm nay - Ảnh 1.

Tổng thống Joe Biden xuất hiện trước Đại hội đồng Khóa 76 năm 2021. Ảnh: Reuters.

Ai sẽ có quyền phát biểu?

Gần như tất cả quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đều có thể cử đại diện tham dự phiên họp Đại hội đồng và phát biểu. Để có quyền phát biểu, lãnh đạo hoặc quan chức cấp cao được ủy quyền của quốc gia phải trực tiếp dự họp.

Tuy nhiên, phiên họp năm nay có một ngoại lệ đáng chú ý dành cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Kể từ khi chiến sự bùng phát hôm 24/2, Tổng thống Zelensky đã không rời Ukraine. Hôm 16/9, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu thông qua quyết định cho phép Tổng thống Zelensky gửi bài phát biểu thu trước để phát tại phiên họp. Quyết định được thông qua với 101 phiếu thuận, 19 phiếu trắng và 7 phiếu chống.

Ngoài các quốc gia thành viên, một số quan sát viên của Liên Hợp Quốc cũng có quyền phát biểu trước Đại hội đồng gồm tòa thánh Vatican, nhà nước Palestine và Liên minh châu Âu (EU).

Ý nghĩa bài phát biểu tại Đại hội đồng

Dù vai trò của Liên Hợp Quốc trong thực hiện các sứ mệnh của tổ chức này đã luôn bị hoài nghi kể từ khi thành lập năm 1945, lợi ích từ việc phát biểu trước Đại hội đồng là không thể chối cãi.

Với các quốc gia, đây là cơ hội để họ phát đi chương trình nghị sự mong muốn, gửi đi thông điệp, kêu gọi hành động tới toàn bộ thế giới, thông điệp của họ sẽ được vĩnh viễn lưu lại.

Phiên họp của Đại hội đồng là nơi mà các nước nhỏ, nếu họ tự coi là bị trật tự thế giới bá quyền chèn ép, thu hút sự chú ý từ cộng đồng quốc tế. Đây cũng là cơ hội để lãnh đạo các nước có mâu thuẫn gặp gỡ nhau trên lãnh thổ trung lập.

Tâm điểm chú ý dồn vào cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm nay - Ảnh 3.

Ông Trump phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2019. Ảnh: Reuters.

Thứ tự các bài phát biểu

Theo đề nghị của Đại hội đồng, bài phát biểu của các nước có thời lượng tối đa 15 phút. Tuy vậy, các bài phát biểu thường dài hơn thời gian này. Bài phát biểu dài nhất từng được đọc tại Đại hội đồng thuộc về nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro năm 1960, dài 269 phút.

Theo thông lệ, Brazil là nước phát biểu đầu tiên tại Đại hội đồng. Nguyên nhân là trong phiên họp đầu tiên của Đại hội đồng, Brazil đã tình nguyện phát biểu khi không nước nào đứng ra. Kể từ đó, quốc gia Nam Mỹ có đặc quyền phát biểu đầu tiên tại mọi phiên họp.

Mỹ, nước chủ nhà, thường có quyền phát biểu thứ hai sau Brazil. Nhưng năm nay, bởi Tổng thống Joe Biden dự tang lễ Nữ hoàng Anh Elizabeth II, bài phát biểu của Mỹ sẽ phải lùi sang ngày 21/9.

Sau hai vị trí đầu tiên, thứ tự phát biểu sẽ được quyết định dựa vào đại diện thay mặt các quốc gia theo nguyên tắc ưu tiên nguyên thủ quốc gia, rồi tới lãnh đạo chính phủ, sau đó là các cấp thấp hơn trong chính phủ.

Sẽ có tranh cãi?

Các phát biểu tại đề mục Thảo luận chung không nhất thiết tạo ra những cuộc tranh luận nảy lửa, những màn la ó hay trả đũa lập tức tại nghị trường, nhưng điều đó không đồng nghĩa không có những kịch tính nổ ra.

Năm ngoái, Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã chỉ trích nặng lời đối với chính quyền dân tộc chủ nghĩa Hindu của Ấn Độ. Đáp lại, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chỉ trích cả Pakistan và đồng minh của Islamabad là Trung Quốc dù không trực tiếp nêu tên.

Tâm điểm chú ý dồn vào cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm nay - Ảnh 4.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu trước Đại hội đồng. Ảnh: AFP.

Các quốc gia cũng được phép thực hiện quyền phản bác ý kiến của nước khác. Những màn đáp trả này thường rất nảy lửa nhưng đôi khi được thực hiện bởi các thành viên ít quan trọng hơn trong phái đoàn cử tới Liên Hợp Quốc.

Những cái tên đáng chú ý

Năm nay, ngoài một số cái tên được mong chờ như Tổng thống Biden, Tổng thống Zelensky, những nhà lãnh đạo đáng chú ý khác có Thủ tướng Anh Liz Truss, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi, hay tân Tổng thống Kenya William Ruto.

Nga, nước được quan tâm vì chiến sự ở Ukraine, chỉ cử Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov tới dự phiên họp Đại hội đồng năm nay. Sau một thời gian tranh cãi, Mỹ đã xác nhận sẽ cấp thị thực nhập cảnh cho ông Lavrov cùng một số lượng giới hạn quan chức tháp tùng để dự họp.

Duy Anh (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem