Tâm điểm phố Wall tuần tới: Mỹ sẽ đánh thuế 156 tỷ USD vào hàng Trung Quốc?
Sau 3 phiên giảm liên tiếp, cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đã leo dốc trong phiên giao dịch 6/12 bất chấp những nhận định của các chuyên gia kinh tế rằng, thỏa thuận thương mại Mỹ Trung có thể không đến sớm như những gì Tổng thống Trump dự đoán.
Theo các nhà phân tích thị trường, chứng khoán phố Wall chắc chắn sẽ biến động lớn trước ngày 15/12, thời điểm mà mức thuế quan 15% của Mỹ với 156 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại có hiệu lực.
Hồi đầu tuần, giá cổ phiếu đã giảm sâu sau thông tin Bắc Kinh và Washington không thể tiến tới thỏa thuận thương mại trong năm 2019 do những xung đột về dỡ bỏ thuế quan. Tuy nhiên, những thông tin từ các quan chức cấp cao sau đó đã trấn an tâm lý thị trường và phần nào khơi dậy kỳ vọng. Thêm vào đó, những dữ liệu kinh tế mạnh mẽ khi tăng trưởng việc làm đạt mức kỷ lục 266.000 và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1969 đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ leo dốc trở lại.
Keith Lerner, chiến lược gia thị trường tại SunTrust Advisory Services nhận định: “Trong khi xung đột Mỹ Trung đang trở thành tâm điểm chú ý, thị trường cũng quan ngại về nhiều vấn đề thương mại khác như trì hoãn trong hiệp ước thương mại Bắc Mỹ hay đe dọa thuế quan của Mỹ với ô tô nhập khẩu từ EU, Nhật Bản…, thuế thép mà Trump áp lên hàng hóa xuất xứ Brazil và Argentina…”
Còn Art Hogan, chiến lược gia thị trường tại National Securities thì cho rằng: “Sự bất ổn từ xung đột thương mại đang tác động mạnh mẽ đến các kết quả kinh doanh. Không có thỏa thuận thương mại tạm thời nào được ký kết cho đến lúc này, điều đó ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường chứng khoán và nền kinh tế”.
Mức thuế 15% với 156 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại sẽ chính thức được Mỹ áp dụng từ ngày 15/12 tới đây. Số hàng hóa bị áp thuế trong lần trừng phạt thuế quan này chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng, bao gồm cả smartphone, laptop, đồ chơi, quần áo thời trang… Trước đó, mức thuế này dự kiến sẽ có hiệu lực vào 1/9 nhưng Tổng thống Donald Trump quyết định hoãn thời hạn thi hành đến giữa tháng 12, khi hàng hóa phục vụ kỳ nghỉ đông tại Mỹ đã lên kệ. Điều này giúp hạn chế tối đa những tác động của thuế quan đến người tiêu dùng Mỹ.
Các nhà kinh tế từ UBS ước tính thuế quan 15% với 156 tỷ USD hàng hóa tiếp theo sẽ làm giảm tăng trưởng GDP của Mỹ từ 0,1-0,2% trong mỗi quý năm 2020, do ảnh hưởng trực tiếp từ thuế quan đến chi tiêu tiêu dùng của các hộ gia đình. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ lợi ích thương mại, khó có thể chờ đợi Nhà Trắng dỡ bỏ thêm thuế quan với hàng hóa Trung Quốc. Các quan chức thương mại sẽ muốn giữ lại thuế quan như một đòn bẩy mạnh mẽ cho quá trình đàm phán, nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế.
Robert Pavlik, chiến lược gia đầu tư tại SlateStone Wealth LLC thì cho rằng trọng tâm thị trường sẽ hướng đến cuộc họp của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang FED vào tuần tới - lần họp chính sách tiền tệ cuối cùng của năm 2019. Dự kiến, Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ giữ mức lãi suất ổn định sau 3 lần cắt giảm lãi suất 0,25% trước đó đó trong năm.