Tạm giữ số lượng "khủng" mỹ phẩm, đồ gia dụng không rõ nguồn gốc

Vũ Khoa Thứ sáu, ngày 19/05/2023 09:55 AM (GMT+7)
Nếu trót lọt, hàng vạn sản phẩm vi phạm bao gồm mỹ phẩm, đồ gia dụng sẽ được chủ hàng tuồn ra thị trường qua các kênh bán hàng online.
Bình luận 0

Ngày 19/5, thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, lực lượng quản lý thị trường thuộc Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội vừa ra quyết định tạm giữ lô hàng hóa vi phạm lên tới hơn 28.000 sản phẩm để tiến hành xác minh, và xử lý theo quy định của pháp luật. Đây là kết quả sau quá trình theo dõi, thẩm tra, xác minh những dấu hiệu vi phạm được do Đội Quản lý thị trường số 9 thực hiện.

Cụ thể, Đội Quản lý thị trường số 9, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện kho hàng hóa với nhiều hàng hóa bao gồm đồ mỹ phẩm, đồ gia dụng, đồ tiện ích cá nhân.. 

Các sản phẩm trong lô hàng này đều do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Lô hàng được tập kết trong kho tại khu vực giữa số nhà 13 và số nhà 15, ngõ 2, Đội 9, Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

Tạm giữ số lượng "khủng" mỹ phẩm, đồ gia dụng không rõ nguồn gốc - Ảnh 1.

Bằng nghiệp vụ, Đội Quản lý thị trường số 9 bắt quả tang kho hàng tập kết 28.000 sản phẩm không rõ nguồn gốc

Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 9 phát hiện tại cơ sở kinh doanh trên đang có hơn 28.000 sản phẩm (gồm mỹ phẩm, đồ gia dụng, đồ tiện ích cá nhân…), tổng giá trị hàng hóa ước tính hơn 1 tỷ đồng. Có nhiều hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ; nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chủ cơ sở khai nhận, đang thực hiện kinh doanh bằng hình thức online trên sàn thương mại điện tử.

Trong những năm qua, hoạt động thương mại điện tử ở nước ta đã có những bước phát triển đáng kể, các hoạt động kinh doanh, mua bán trực tuyến ngày càng phổ biến đã và đang đem lại những giá trị, lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tạm giữ số lượng "khủng" mỹ phẩm, đồ gia dụng không rõ nguồn gốc - Ảnh 2.

Nếu trót lọt, hàng vạn sản phẩm sẽ bị tuồn ra thị trường bằng cách bán online

Tuy nhiên, trong và sau thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, lợi dụng nhu cầu tiêu dùng của người dân mua hàng qua hoạt động thương mại điện tử tăng cao, các tổ chức, cá nhân đã triệt để lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, qua mạng internet để quảng cáo, giới thiệu, cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm, chào bán các sản phẩm hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng không có hóa đơn, chứng từ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hảng giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng, hàng kém chất lượng...

Tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, UBND Thành phố và Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử.

Cùng với đó, ngày 15/2/2023 Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 05/KH-QLTTHN về triển khai công tác đấu tranh chống buôn lậu, kinh doanh hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, vi phạm an toàn thực phẩm, chất lượng và gian lận thương mại, vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử năm 2023 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Trong thời gian qua, Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ việc vi phạm với quy mô lớn, tính chất phức tạp, số lượng tang vật là hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ lớn, có giá trị cao... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem