dd/mm/yyyy

Tam Kỳ: Nhiều sản phẩm sẽ được gắn sao OCOP

Qua hơn một năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch theo hướng bền vững đã được chọn tham gia chương trình và được cộng nhận đạt chuẩn OCOP.

Nhiều mô hình hiệu quả

Ông Nguyễn Minh Nam – Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết,  thời gian qua TP.Tam Kỳ luôn khuyến khích phát triển nông nghiệp (NN) sạch, NN hữu cơ và xây dựng các sản phẩm NN đặc trưng. 

Nhờ đó, giá trị sản xuất NN trên đơn vị diện tích đạt 125 triệu/ha, tăng gần gấp đôi so với năm 2015; đã hình thành nhiều THT, HTX đầu tư xây dựng nhiều mô hình sản xuất NN có hiệu quả và phát triển 04 chuỗi giá trị sản phẩm NN trên địa bàn.

Tam Kỳ: Nhiều sản phẩm sẽ được gắn sao OCOP - Ảnh 1.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp của Tam Kỳ đã tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Một số mô hình sản xuất có hiệu quả tạo sức lan tỏa trên địa bàn thành phố, như: mô hình trồng rau hữu cơ, rau thủy canh, hoa giá trị cao tại Trường Xuân; mô hình sản xuất các loại nấm dược liệu như Đông Trùng Hạ Thảo, Linh chi ở xã Tam Phú; mô hình trồng nén, kiệu ở An Phú; mô hình nuôi gà ta theo chuỗi giá trị của HTX Mười Tín ở xã Tam Thăng; mô hình cải tạo vườn tạp xây dựng nhà vườn sinh thái định hướng kết hợp với du lịch cộng đồng ở Tam Ngọc…

Tam Kỳ: Nhiều sản phẩm sẽ được gắn sao OCOP - Ảnh 2.

Nhiều mô hình trồng hoa lan ở Tam Kỳ cho hiệu quả kinh tế khá cao và giúp nông dân thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Theo ông Nam, bên cạnh việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đạt được nhiều kết quả ấn tượng, hiện Tam Kỳ đang đề nghị công nhận hoàn thành NTM. Cùng với đó, thành phố đã có nhiều chủ trương đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực NN của Tam Kỳ. Nhiều dự án sản xuất rau, chăn nuôi, trồng hoa cây cảnh... đã hình thành và cho hiệu quả kinh tế cao.

Gắn sao OCOP cho các sản phẩm đặc trưng

Đặc biệt, qua hơn một năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), thành phố Tam Kỳ bước đầu đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong đó, nhiều sản phẩm NN sạch, sản xuất theo hướng bền vững đã được chọn tham gia chương trình và được cộng nhận đạt chuẩn OCOP. Trong đó phải kể đến các sản phẩm như: Dầu phộng Bảo Tâm (được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao), nước mắm Tam Thanh, bánh dừa nướng…

Năm 2019, Tam Kỳ tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm chưa đạt, đồng thời đăng ký thêm một loạt sản phẩm để nâng cấp, xây dựng thành sản phẩm OCOP đặc trưng như: Sản phẩm bột nấm dông trùng hạ thảo; Sản phẩm nấm lim xanh Quảng Nam Linasa; Nước mắm Tam Than; Bánh dừa nướng; Bánh tráng Huỳnh Mỹ… và còn nhiều sản phẩm khác.

Tam Kỳ: Nhiều sản phẩm sẽ được gắn sao OCOP - Ảnh 3.

Dầu đậu phộng Bảo Tâm đã được công nhận sản phẩm OCOP và được gắn sao.

 "Để nâng cao hơn nữa thu nhập cho người dân, Tam Kỳ sẽ tập trung triển khai hiệu quả các nội dung của Đề án phát triển kinh tế NN giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó, hỗ trợ nhân rộng, phát triển sản xuất các mô hình NN đã có hiệu quả kinh tế, NN công nghệ cao ở các khu vực ven đô với các đối tượng chính như: rau củ quả thực phẩm an toàn, nông sản hữu cơ, hoa cây cảnh, nấm dược liệu và tham gia vào phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái..." – ông Nam nhấn mạnh.

 Đẩy mạnh hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp ven đô để hình thành các sản phẩm hàng hóa, mở rộng thị trường như: mô hình trồng rau hữu cơ, trồng rau bằng công nghệ Aquaponic ở Trường Xuân; trồng hoa chậu trang trí, hoa lan, hoa cắt cành; sản xuất giống nấm, nấm dược liệu như Đông trùng hạ thảo, nấm linh chi, nấm liêm xanh ở Tam Phú; các sản phẩm phẩm làng nghề như nước mắm Tam Thanh, chiếu cói Thạch Tân – Tam Thăng,... và tham gia vào các mô hình du lịch cộng đồng tại Tam Thanh, làng Hương Trà – Hòa Hương và mô hình nhà vườn xã Tam Ngọc.          

Tam Kỳ: Nhiều sản phẩm sẽ được gắn sao OCOP - Ảnh 4.

Tam Kỳ đã hình thành một số mô hình sản xuất có hiệu quả tạo sức lan tỏa như: trồng rau hữu cơ, rau theo hướng sạch…

Đặc biệt, tổ chức xây dựng, phát triển các nhãn hiệu tập thể của địa phương gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Trong đó, tập trung hỗ trợ các nhãn hiệu tập thể hoàn chỉnh quy trình sản xuất, quy chế quản lý, kế hoạch phát triển, các nhãn hiệu, logo, mã vạch, mã QR, ... Phát triển các chuỗi giá trị trên địa bàn thành phố để hoạt động sản xuất nông nghiệp ngày càng ổn định, hướng đến quy mô sản xuất hàng hóa...

Đại Nghĩa - Trần Hậu