Ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc Điều hành châu Á Tập đoàn De Heus của Hà Lan đã chính thức được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham). Ông Gabor Fluit sinh năm 1979, đã sinh sống tại Việt Nam 15 năm. Tập đoàn De Heus nơi ông đang làm việc hiện là doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới. 

Ông Gabor đã có buổi trò chuyện với Dân Việt ngay sau khi nhậm chức Chủ tịch EuroCham. 

Tân Chủ tịch EuroCham: Thúc đẩy thực thi Hiệp định EVFTA, giúp nông sản Việt xuất khẩu nhiều hơn vào châu Âu - Ảnh 1.

Lời đầu tiên xin chúc mừng ông đã được bầu làm Tân Chủ tịch của Euro Cham - Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Ông có thể cho biết cảm xúc khi lần đầu tiên đảm nhận chức vụ này, cũng như chương trình hành động của mình?

-Chủ tịch EuroCham có vai trò khá quan trọng, bởi chúng tôi đại diện cho 8 hiệp hội doanh nghiệp của các quốc gia châu Âu tại Việt Nam. Mỗi hiệp hội cử 1 người đảm nhận 1 vị trí tại EuroCham, trong 17 thành viên thì có 9 người nhận nhiệm vụ trực tiếp.

Chủ tịch EuroCham đại diện cho 1.300 doanh nghiệp của châu Âu. Đặc biệt, sau khi Việt Nam và châu Âu ký kết Hiệp định thương mại tự do Eu - Việt Nam (EVFTA), rất nhiều doanh nghiệp châu Âu quan tâm đầu tư vào Việt Nam

Kể cả những doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào Việt Nam cũng rất quan tâm tới các chính sách của Chính phủ Việt Nam. Họ luôn muốn có những ý kiến góp ý để Việt Nam đi đúng hướng và thu hút thêm nhiều nguồn đầu tư hơn nữa từ bên ngoài.

Tân Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit: Thúc đẩy thực thi Hiệp định EVFTA, hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững - Ảnh 1.

Ông Gabor Fluit cho rằng, Việt Nam đang chuyển đổi từ sản lượng sang chất lượng, thì phải nghĩ đến việc nâng cao giá trị của nông sản. Ảnh: Quang Linh

Tôi là một người làm lĩnh vực nông nghiệp, vì vậy tôi rất quan tâm tới các chính sách, chương trình liên quan đến nông nghiệp. Tôi nghĩ rằng với giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam hiện tại, cơ hội phát triển của doanh nghiệp rất lớn, và tôi cho rằng các doanh nghiệp châu Âu sẽ có thể đóng góp được 1 phần khá lớn trong xuất khẩu, thúc đẩy sản xuất sạch, an toàn cho thị tường Việt Nam và thế giới.

Ông đánh giá như thế nào về chính sách phát triển của Việt Nam trong thời gian vừa qua, nhất là các chính sách kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam?

-Trong mười mấy năm gần đây, so với nhiều quốc gia phát triển khác thì Việt Nam ký kết khá nhiều hiệp định thương mại tự do và đó là bằng chứng cho thấy Việt Nam muốn mở cửa thị trường; Việt Nam hiểu rằng muốn phát triển kinh tế thì phải hợp tác với rất nhiều quốc gia khác. Đó là bước đi đột phá.

Sáng 19/3, tại phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên với chủ đề "Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã so sánh giữa Philippines và Việt Nam.

Cách đây 25 năm quy mô nền kinh tế Philippines gấp Việt Nam 8 lần và đến bây giờ Việt Nam đã vượt Philippines. Đó là nhờ một phần đóng góp đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) cùng với sự nỗ lực hợp tác của các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong số các thành viên của Euro Cham cũng có vai trò của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), điều đó cho thấy EuroCham luôn luôn hợp tác với để tìm cách phối hợp với Chính phủ, áp dụng các chính sách mới nhất thúc đẩy phát triển kinh tế. Năm vừa rồi, so với các quốc gia khác thì Việt Nam đứng đầu trong tổng tăng trưởng kinh tế trên thế giới.

Tân Chủ tịch EuroCham: Thúc đẩy thực thi Hiệp định EVFTA, giúp nông sản Việt xuất khẩu nhiều hơn vào châu Âu - Ảnh 3.

Trong giai đoạn vừa qua, EuroCham cũng có nhiều hành động cụ thể để thúc đẩy thực thi Hiệp định EVFTA, với vai trò mới của mình, ông sẽ thực hiện nhiệm vụ đó như thế nào?

-Tôi nghĩ rằng, Việt Nam và EU ký được Hiệp định EVFTA là rất giá trị. Nhưng hiện trong quá trình áp dụng và triển khai hiệp định giữa hai bên đang gặp nhiều khó khăn, do đó chưa tận dụng hết được cơ hội của Hiệp định.

Vì vậy, EuroCham cùng với các Đại sứ quán, các Bộ, ngành liên quan sẽ tìm cách để giải quyết được những khó khăn trong việc triển khai. Ví dụ, doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu sang châu Âu đang gặp một số khó khăn nhất định, nếu mở được các chìa khoá đó ra thì chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều.

Tân Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit: Thúc đẩy thực thi Hiệp định EVFTA, hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững - Ảnh 2.

Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên diễn ra ngày 19/3/2023: Sứ mệnh của chúng tôi là thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương giữa châu Âu và Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đâu là những lĩnh vực tiềm năng mà các doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam có thể đẩy mạnh hợp tác trong tương lai, thưa ông?

-Đối với ngành nông nghiệp, tôi nghĩ rằng các sản phẩm như trái cây, trà, cà phê có tiềm năng rất lớn, và rất nhiều sản phẩm đã được doanh nghiệp Việt Nam xuất sang châu Âu. Tuy nhiên, một số sản phẩm xuất khẩu chưa nhiều, chưa khai thác được hết cơ hội.

Và cũng phải phân tích lại là trước đây Việt Nam tập trung vào sản lượng, bán được càng nhiều càng tốt. Còn bây giờ Việt Nam đang chuyển đổi từ sản lượng sang chất lượng, thì phải nghĩ đến việc nâng giá trị của nông sản Việt Nam lên.

Một số doanh nghiệp đang làm rất tốt, đang xây dựng hình ảnh, thương hiệu của Việt Nam tại thị trường châu Âu, nhưng một số sản phẩm chưa làm được. Đối với kinh nghiệm của EuroCham, chúng tôi có thể giúp được các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng thương hiệu để lấy được thị phần lớn hơn ở châu Âu.

Điều mà ông vừa nói cũng trùng với mong muốn của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, bởi hiện nay nền nông nghiệp của Việt Nam đang đứng trước những khó khăn và thách thức, đặc biệt là câu chuyện được mùa mất giá, sản xuất manh mún. Vậy EuroCham sẽ kết nối các doanh nghiệp châu Âu như thế nào để cùng Việt Nam chung tay giúp người nông dân chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp?

-Chúng tôi sẽ kết nối thông qua nhiều kênh. Trong năm nay EuroCharm sẽ tổ chức cùng với một số tỉnh, thành phố, trong đó có Bộ NNPTNT tổ chức một số hội nghị để doanh nghiệp Việt Nam đang quan tâm đến việc xuất khẩu nông sản vào châu Âu và những doanh nghiệp châu Âu quan tâm đầu tư vào Việt Nam gặp gỡ, trao đổi cơ hội hợp tác kinh doanh.

Thứ hai, năm nay có rất nhiều quốc gia châu Âu kỉ niệm 50 năm hợp tác ngoại giao với Việt Nam, ví dụ Hà Lan, Đức, Pháp... Tại các sự kiện kỉ niệm, các quốc gia sẽ cử lãnh đạo cấp cao thăm Việt Nam cùng một số doanh nghiệp để đánh giá khả năng đầu tư và khả năng hợp tác vào Việt Nam. Trong những chuyến đi đó, EuroCham sẽ tham gia kết nối doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp châu Âu với nhau, thúc đẩy sự hợp tác.

Tân Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit: Thúc đẩy thực thi Hiệp định EVFTA, hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững - Ảnh 4.

EU hiện là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Tân Chủ tịch EuroCham: Thúc đẩy thực thi Hiệp định EVFTA, giúp nông sản Việt xuất khẩu nhiều hơn vào châu Âu - Ảnh 7.

Tại Hội nghị COP 26 năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã cam đưa mức phát thải ròng về 0 và hướng tới nông nghiệp phát triển bền vững, ông có thể cho biết EuroCham có kế hoạch gì để đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam thúc đẩy kinh tế xanh?

-Tôi nghĩ EuroCham nói chung và doanh nghiệp châu Âu nói riêng đều có vai trò nhất định trong việc hướng đến zero carbon vào năm 2030. Lí do là vì các doanh nghiệp châu Âu đã đi trước một chặng đường trong phát triển kinh tế xanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã chủ động áp dụng một số công nghệ chuyển sang sử dụng điện sạch, công nghệ tiết kiệm điện.

Hiện tại một số doanh nghiệp của châu Âu tại Việt Nam cũng áp dụng các nguồn điện sạch như điện mặt trời. Ví dụ điển hình là mới đây De Heus đã kí hợp tác với một số doanh nghiệp triển khai dự án điện mặt trời áp mái quy mô lớn trên tất cả các nhà máy, trang trại liên kết của doanh nghiệp tại Việt Nam.

Tôi thấy Việt Nam đang để lãng phí rất lớn nguồn tiềm năng điện gió, Việt Nam có bờ biển dài, đầu tư vào điện gió có thể ban đầu tốn kém, nhưng khi đã làm được rồi thì chi phí điện về sau sẽ thấp xuống, và đó là điện sạch. Vì thế Chính phủ Việt Nam cần sớm có chính sách rõ ràng để phát triển điện sạch. 

Thực tế tôi thấy có nhiều doanh nghiệp rất muốn đầu tư làm điện sạch, nhưng do chúng ta chưa hoàn thiện các chính sách về điện gió, điện mặt trời nên triển khai còn khó khăn.

Tân Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit: Thúc đẩy thực thi Hiệp định EVFTA, hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững - Ảnh 5.

Một hệ thống điện mặt trời áp mái tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của De Heus tại Vĩnh Long. Ảnh: PV

Như ông vừa nói, Việt Nam được đánh giá là mảnh đất giàu tiềm năng để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đến làm ăn, nhưng không phải ai cũng hiểu biết về Việt Nam nhiều như ông - một người đã sinh sống và làm việc ở Việt Nam 15 năm. Với vai trò Chủ tịch EuroCham, ông sẽ chia sẻ kinh nghiệm đó của mình như thế nào?

-Đang có 1 số doanh nghiệp muốn đầu tư vào khu vực Đông Nam Á nhưng cũng băn khoăn chưa biết rót tiền vào đâu, họ đã đi thăm quan Malaysia, Indonesia, Phillipines, họ cũng đến Việt Nam… Và tôi lúc nào cũng nhấn mạnh nên đầu tư vào Việt Nam, vì một số lí do sau.

Thứ nhất, người Việt Nam rất giỏi, rất nỗ lực. Doanh nghiệp muốn thành công hay không phải dựa vào con người, chất lượng giáo dục ở Việt Nam có thể chưa tốt bằng một số quốc gia khác, nhưng con người Việt Nam có một sự quyết tâm vượt khó rất lớn.

Thứ 2, ngoài cơ hội xuất khẩu thì thị trường nội địa của Việt Nam cũng rất tiềm năng với dân số 100 triệu người. Thêm vào đó, Việt Nam đã tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do, vì vậy Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển hơn so với một số quốc gia khác cùng khu vực. Ở Đông Nam Á hiện chỉ có Việt Nam và Singapore đã kí kết các hiệp định thương mại tự do và đây chính là cơ hội cạnh tranh rất lớn của Việt Nam.

Tân Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit: Thúc đẩy thực thi Hiệp định EVFTA, hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững - Ảnh 6.

Ông Gabor Fluit - Tân Chủ tịch EuroCham trò chuyện cùng phóng viên Báo Dân Việt. Ảnh: Quang Linh

Tân Chủ tịch EuroCham: Thúc đẩy thực thi Hiệp định EVFTA, giúp nông sản Việt xuất khẩu nhiều hơn vào châu Âu - Ảnh 10.

Ông có thể cho biết trong thời gian sắp tới, EuroCham sẽ có những hoạt động gì nhằm tạo kênh kết nối hiệu quả hơn giữa các doanh nghiệp châu Âu với doanh nghiệp Việt Nam?

-Nếu nhìn sâu vào Hiệp định thương mại tự do thì EuroCham đã có những phân tích về những điểm làm tốt, điểm làm chưa tốt, và chúng tôi cũng tìm lí do tại sao chưa tốt. Ví dụ có thực tế một số quốc gia châu Âu xây dựng những hàng rào kỹ thuật quá cao hoặc chưa phù hợp. Theo đó, EuroCham đã có những góp ý liên quan đến vấn đề này.

Ngược lại, phía Việt Nam đôi khi các bộ, ngành cũng chưa thống nhất quan điểm với nhau về một chính sách nào đó. Doanh nghiệp thì nằm ở giữa nên không biết theo hướng nào. Những vấn đề đó đã được đề cập trong cuốn "Sách Trắng" của EuroCham xuất bản năm 2021, đồng thời đưa ra những giải pháp để cải thiện, từ đó tạo được sự thu hút, lấy được cơ hội tốt từ hiệp định thương mại tự do.

Thứ 2, như tôi đã nói lúc đầu, năm nay có nhiều nước kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, đây là cơ hội rất tốt để mời các doanh nghiệp châu Âu đến thăm và tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam, cũng như chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu hàng hoá vào châu Âu. 

Hiện cũng có rất nhiều doanh nghiệp đang quan tâm nhập một số sản phẩm của Việt Nam, họ đến Việt Nam, gặp gỡ trực tiếp thì sẽ tin tưởng hơn về chất lượng sản phẩm, thậm chí sẽ tư vấn, giúp đỡ các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng thương hiệu để xuất khẩu hiệu quả hơn vào châu Âu.

Thưa ông, thời gian gần đây có thể ví là đang có một "làn sóng" các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, điển hình như lĩnh vực chăn nuôi có rất nhiều dự án lớn của doanh nghiệp FDI. Bên cạnh mặt tích cực về hiệu quả kinh tế, cũng có không ít sự lo ngại các doanh nghiệp FDI sẽ "đè bẹp" các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các trang trại… Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

-Cũng có vài doanh nghiệp bày tỏ sự lo ngại trước làn sóng các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, và thường lo ngại ở 2 vấn đề chính, một là nguồn tài chính của các doanh nghiệp FDI mạnh, hai là về kinh nghiệm. 

Nhưng tôi cho rằng, thị trường thế giới vô cùng rộng lớn, hơn 7 tỷ người, và các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam có thể tận dụng cơ hội và nên hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, giống như cách mà De Heus đang hợp tác với Tập đoàn Hùng Nhơn trong lĩnh vực chăn nuôi heo, gia cầm.

Tân Chủ tịch EuroCham: Thúc đẩy thực thi Hiệp định EVFTA, giúp nông sản Việt xuất khẩu nhiều hơn vào châu Âu - Ảnh 11.

Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các bộ ngành, ngày 12/12/2022, tại Thủ đô Amsterdam, Tập đoàn Hoàng gia De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) về quan hệ hợp tác và đối tác chiến lược toàn diện giữa hai tập đoàn giai đoạn 2022 - 2030. Ảnh: T.L

Mỗi doanh nghiệp có thế mạnh riêng, khi cùng nhau hợp tác thì sẽ tận dụng tối đa được các thế mạnh đó, hỗ trợ cùng nhau đi lên.

Bản thân các doanh nghiệp châu Âu cũng mong muốn có những sự hợp tác như vậy, bởi họ biết mình đến một quốc gia làm ăn, chưa hiểu văn hoá, chưa hiểu cách làm, nếu có 1 đối tác trong nước đồng hành thì dự án triển khai sẽ hiệu quả hơn. Và ngược lại, họ sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tìm những cơ hội xuất khẩu sản phẩm ra thế giới.

Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem