Tăng cường kiểm tra công tác an toàn thực phẩm từ nay đến Tết Nguyên đán

P.V Thứ bảy, ngày 10/11/2018 23:33 PM (GMT+7)
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa tổ chức hội nghị gặp gỡ phóng viên báo chí tuyên truyền về công tác quản lý an toàn thực phẩm vào ngày 9.11. Tại cuộc gặp, nhiều thông tin mới về an toàn thực phẩm đã được chia sẻ.
Bình luận 0

Tại cuộc gặp, PGS, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm chia sẻ, trong 9 tháng đầu năm 2018, Cục An toàn thực phẩm đã tham mưu cho chính phủ và Bộ Y tế ban hành nhiều Nghị định, Nghị quyết, Thông tư về quản lý, thanh tra, xử phạt, thu hồi và xử lý trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Đáng chú ý là Nghị định số 15/2018/ND-CP ngày 2/2/2018, thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Nghị định này đã cắt giảm nhiều thủ tục đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển kinh doanh, sản xuất nhưng không buông lỏng công tác quản lý an toàn thực phẩm, thông qua việc tăng cường hậu kiểm.

img

PGS Nguyễn Thanh Phong: các bộ ngành và địa phương đều phải có kế hoạch tăng cường công tác hậu kiểm

Bên cạnh đó, Nghị định cũng thu gọn quản lý về quảng cáo thực phẩm. Có đến 90% các sản phẩm thực phẩm không cần đăng ký nội dung quảng cáo như trước đây. Chỉ tập trung nguồn lực để tiền kiểm các sản phẩm có nguy cơ cao như: thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm cho trẻ đến 36 tháng tuổi, phụ gia thực phẩm hỗn hợp. Còn các sản phẩm khác (chiếm 90%) chuyển sang quản lý theo phương thức hậu kiểm.

Theo ông Phong, Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm do Cục An toàn thực phẩm tham mưu cho Chính phủ ban hành, đã tạo ra điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp về công bố sản phẩm, điều kiện sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm. Tuy nhiên, cũng xử phạt nghiêm nếu doanh nghiệp vi phạm.

PGS Phong cho biết, từ ngày 1/1/2018-15/9/2018, Cục An toàn thực phẩm đã triển khai 20 đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm, trong đó có 8 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành theo kế hoạch và 12 đoàn kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm. Qua đó phát hiện 71 cơ sở với 105 hành vi vi phạm; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổng hơn 4,36 tỷ đồng.

Cùng với phạt tiền, Cục An toàn thực phẩm đã tạm dừng lưu thông 26 lô sản phẩm vi phạm; thu hồi 24 giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; 4 giấy xác nhận nội dung quảng cáo và 7 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; chuyển cơ quan điều tra 7 vụ việc có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh hàng giả…

Trong thời gian từ nay tới Tết nguyên đán Cục An toàn thực phẩm sẽ phối hợp với các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung xử lý các loại thực phẩm có nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao, các sản phẩm phục vụ Tết. Tuyên truyền thay đổi thói quen thực phẩm Tết cho người dân, không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm trong nhà, sử dụng rượu bia vừa phải.

Cục An toàn thực phẩm cùng các bộ ngành và địa phương đều phải có kế hoạch tăng cường công tác hậu kiểm. Phát hiện sai phạm phải xử lý nghiêm theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP. Ngoài việc phạt tiền, còn phải công khai các doanh nghiệp vi phạm trên trang web của cục và trên báo chí.

Các cơ quan chức năng cũng chú trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể. Bởi, thực tế có 70% các ca ngộ độc tại các bếp ăn tập thể là do thức ăn không được chế biến tại chỗ, mà được chuyển từ nơi khác tới. Song song với đó, cần cải thiện chất lượng xuất ăn của công nhân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem