Tăng giờ làm thêm: Bộ LĐTBXH tăng kiểm tra giám sát đảm bảo sức khỏe người lao động

Thùy Anh Thứ tư, ngày 06/04/2022 16:04 PM (GMT+7)
Tăng giờ làm thêm, đồng nghĩa tăng thời gian, cường độ lao động. Điều này có thể dẫn tới làm suy giảm sức khỏe người lao động. Để đảm bảo sức khỏe cho người lao động, Bộ LĐTBXH sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát xử lý các doanh nghiệp vi phạm nhằm đảm bảo sức khỏe người lao động.
Bình luận 0

Tăng kiểm tra giám sát bảo vệ lao động khi tăng giờ làm thêm

Sáng nay (ngày 6/4), Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) đã tổ chức họp thông tin triển khai về Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động năm 2022. Xung quanh buổi họp báo nhiều ý kiến thắc mắc xung quanh việc làm gì để đảm bảo chế độ, quyền lợi sức khỏe người lao động xung quanh việc tăng giờ làm thêm.

Ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) cho hay, vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua đề xuất nâng giới hạn số giờ làm thêm trong 1 tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 60 giờ và mở rộng giới hạn làm thêm tối đa đến 300 giờ/năm cho tất cả các ngành nghề.

tăng giờ làm thêm

Đại diện Bộ LĐTBXH cho biết bộ này sẽ gia tăng thanh tra giám sát việc thực hiện giờ làm thêm. Ảnh: Viết Niệm

Theo ông Thắng đây là giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp. Trong hơn 2 năm qua, dịch Covid-19 bùng phát, có thời điểm, nhiều địa phương như TP.Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bắc Ninh có 95- 97% doanh nghiệp phải nghỉ. Nhiều giải pháp như 3 tại chỗ, hai điểm đếm một cung đường, nhưng gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp.

Bối cảnh đó, nhiều đơn hàng, đặc biệt là những đơn hàng xuất khẩu có khả năng đứt gãy, mất chuỗi cung ứng, thậm chí đối tác chuyển đơn hàng ra nước ngoài.

"Hiện nay, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định rất rõ ràng về quy định giờ làm thêm. Khảo sát của Bộ LĐTBXH cũng cho thấy có tới doanh nghiệp 60- 70% lao động bị F0. Điều này gây ra thiếu hụt lao động cục bộ, nguy cơ đứt gãy đơn hàng" - ông Thắng nói.

So với năm 2020, tình hình tai nạn lao động năm 2021 giảm ở tất cả các chỉ số, cả trong khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động, tai nạn lao động chết người và tai nạn lao động nặng. Cụ thể: Tai nạn lao động chết người giảm 18,5% số vụ (749 vụ, giảm 170 vụ), giảm 19,63% số người chết (786 người, giảm 180 người); giảm 21,71% số người bị tai nạn lao động nặng (1.485 người, giảm 412 người); Tai nạn lao động trong khu vực không có quan hệ lao động có chiều hướng giảm mạnh số vụ, số người chết và bị thương. Số vụ có người chết giảm 39,7% (175 vụ, giảm 115 vụ), số người chết giảm 39,67% (184 người, giảm 121 người), số người bị thương nặng giảm 7,5% (259 người, giảm 21 người).

Trước thực trạng đó, Bộ LĐTBXH đã tham mưu trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội tăng giờ làm thêm, giải quyết khó khăn cho người lao động. Việc thực hiện cũng chỉ triển khai trong thời gian ngắn. Việc tăng giờ làm thêm chỉ áp dụng đến 30.12.2022, đi kèm với đó nhiều biện pháp bảo vệ, chăm lo sức khỏe của người lao động.

Để đảm bảo an toàn lao động, cơ quan liên quan đã ban hành một loạt giải pháp đi kèm, thứ nhất đảm bảo chế độ tiền lương giờ làm thêm cho người lao động. Thứ hai là tổ chức sản xuất, giám sát thanh tra kiểm tra, khám sức khỏe sau hậu Covid-19 cho người lao động… 

"Đây là trần giờ làm thêm, không bắt buộc và phải có sự chấp thuận của người lao động thì chủ sử dụng lao động mới được sử dụng" - ông Thắng nói.

Xu thế là giảm giờ làm, tăng phúc lợi

Nghiên cứu tại một số quốc gia phát triển, số giờ làm đã được cắt ngắn. Thay vì làm 5 ngày/1 tuần có quốc gia giảm số ngày làm việc xuống 4 ngày/1tuần. Ví dụ như: Bỉ, Mỹ... Một số công ty dần áp dụng giảm giờ làm vì theo đánh giá hiệu suất, hiệu quả công việc cao hơn.

Chính bởi vậy, việc Việt Nam tăng giờ làm thêm cũng chỉ là giải pháp tình thế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Việc này chỉ được triển khai trong thời gian ngắn, khi hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường thì sẽ thực hiện giờ làm thêm theo quy định tại Bộ Luật lao động.

Tăng giờ làm thêm: Nguy gia tăng các vụ tai nạn lao động? - Ảnh 3.

Ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn Lao động (ở giữa) thông tin về lý do tăng giờ làm thêm. Ảnh: L.H

"Chúng tôi khuyến cáo doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động thông qua việc ứng dụng khoa học công nghệ, tiết giảm chi phí sản xuất từ đó tăng lương, giảm giờ làm cho người lao động", ông Thắng nói.

Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Kiên - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết 2 năm vừa qua kinh tế khó khăn, vấn đề đảm bảo việc làm, an sinh- xã hội cho người lao động trở nên rất cấp bách. Vì thế Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành nhiều giải pháp hỗ trợ công nhân lao động. Tổ chức này cũng đang tích cực đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2022 - 2023 nhằm đảm bảo đời sống cho công nhân, lao động.

"Trong suốt 2 năm vừa qua lương tối thiểu vùng không tăng trong khi lạm phát tăng cao khiến cho thu nhập người lao động gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế đề xuất tăng lương tối thiểu vùng cấp bách hơn bao giờ hết", ông Kiên nói.

Theo ông Kiên, suốt thời gian qua, người lao động đã chia sẻ rất nhiều với người sử dụng lao động. Đây là lúc chủ sử dụng cần quay lại để chăm lo cho họ.

Về vấn đề tăng giờ làm thêm, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đồng ý với quyết định tăng giờ làm thêm, nhưng vẫn nhấn mạnh đây chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài vẫn phải thực hiện theo quy định giờ làm thêm theo Bộ Luật lao động. Song song với đó là giải pháp đảm bảo quyền lợi, chế độ của người lao động khi tăng giờ làm thêm giờ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem