Tăng hợp tác công - tư để tăng thu nhập

Ngọc Lê Thứ tư, ngày 02/07/2014 06:00 AM (GMT+7)
Làm gì để tăng thu nhập cho nông dân? Đó là câu hỏi được các đại biểu “lật đi, lật lại” tại  Hội thảo “Tầm nhìn nông nghiệp đến năm 2020: Hợp tác và đổi mới vì sự phát triển nông nghiệp bền vững” diễn ra vào ngày hôm qua (1.7) tại Hà Nội.
Bình luận 0

Hội thảo do Viện Chiến lược phát triển (Bộ KHĐT), cùng Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của Việt Nam đồng tổ chức.

TS Đặng Kim Sơn- Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NNPTNT) cho biết, nông nghiệp đóng góp 20% GDP của Việt Nam, chiếm đến 1/4 doanh thu xuất khẩu quốc gia và tạo ra việc làm cho một nửa lực lượng lao động trong 10 năm qua. Tuy nhiên, hiện ngân sách nhà nước đầu tư cho nông nghiệp còn rất khiêm tốn, trong khi các nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đang giảm trong những năm gần đây và các nguồn hỗ trợ từ khu vực tư nhân và các cá nhân cũng thấp. “Trong hoàn cảnh như vậy, mô hình hợp tác công-tư (PPP) có thể đóng một vai trò quan trọng vì nó giúp sử dụng các nguồn lực từ khoa học và công nghệ cũng như kinh nghiệm quản lý của các tập đoàn và công ty đa quốc gia” - TS Đặng Kim Sơn nói.

Đứng trước thực trạng trên, một vấn đề quan trọng được nhiều đại biểu đưa ra, đó là cần tăng cường mô hình hợp tác PPP trong nông nghiệp. Ông Jesus Madrazo - Phó Chủ tịch Tập đoàn Monsanto (Hoa Kỳ) cho biết: “Chúng tôi đã đầu tư hơn 1 triệu USD vào nghiên cứu và phát triển giống để phát triển những loại giống phù hợp với các điều kiện về giống và thời tiết địa phương, nhằm giúp người nông dân tăng năng suất ngô phù hợp. Hiện chúng tôi cũng đang áp dụng cách tiếp cận hợp tác PPP về sáng kiến chuyển đổi trồng lúa sang ngô của Bộ NNPTNT ở đồng bằng sông Cửu Long - hợp tác với những người nông dân và đã thu được kết quả tốt”.

Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông chia sẻ: Hiện có nhiều quan điểm về việc lấy doanh nghiệp hay nông dân làm trung tâm để lo đầu ra. Tôi cho rằng, về cơ bản người nông dân bây giờ phải là trung tâm. Và nếu đặt người nông dân vào trung tâm theo đúng nghĩa, thì chúng ta có thể bàn đến việc chia lại chuỗi giá trị trong nông nghiệp hiện nay đã hợp lý chưa?. Chẳng hạn như việc nuôi cá tra, người nông dân chịu rủi ro đến 70-80%, trong khi họ được chia ngược trở lại có 20%. Do đó, để bền vững thì phải chia đều lợi ích” - ông Đông nói.

Các đại biểu dự hội thảo ngày hôm qua cũng đưa ra những phân tích về thách thức và các nhóm giải pháp đi kèm, từ chính sách nông nghiệp, đổi mới và sáng tạo đến hợp tác, nhằm giải quyết vấn đề liên quan đến năng suất, nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ vào chuỗi sản xuất đến chế biến sau thu hoạch, thúc đẩy công tác khuyến nông, và gắn kết chuỗi sản xuất từ đồng ruộng đến bàn ăn, bảo tồn tài nguyên môi trường (đất, nước, năng lượng)…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem