Tăng lương tối thiểu: Lao động vui ít, doanh nghiệp lo nhiều

Thứ năm, ngày 07/08/2014 14:22 PM (GMT+7)
Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã bỏ phiếu thông qua phương án tăng lương tối thiểu cho năm 2015, với vùng I lương tối thiểu 3,1 triệu đồng/ tháng, tăng 15% so với năm 2014. Mặc dù mức tăng này chỉ áp dụng đối với lao động ở doanh nghiệp nhưng tin tăng lương lại làm dư luận hồi hộp lo lắng.
Bình luận 0
 

img 
 Công nhân lắp ráp ở nhà máy Nokia (Bắc Ninh). Nhiều người lo ngại tăng lương vẫn không đủ đáp ứng mức sống tối thiểu, trong khi giá cả lại rục rịch tăng.

Khi đề xuất phương án tăng lương tối thiểu, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam giải trình tiền lương tối thiểu vùng năm 2014 – cao nhất là vùng I với 2,7 triệu đồng/ tháng - chỉ mới đáp ứng từ 25% - 32% nhu cầu sống tối thiểu. Do vậy, tổ chức này đề xuất trước mắt, năm 2015 mức mức lương tối thiểu vùng I ở mức 3,4 triệu đồng/ tháng, tăng 23%, vùng II là 2,9 triệu đồng, vùng III là 2,6 triệu đồng và vùng IV là 2,3 triệu đồng.

Tuy nhiên, Hội đồng Tiền lương Quốc gia với 9 phiếu thuận trên tổng số 14 phiếu đã thông qua mức lương tối thiểu mới thấp hơn so với đề xuất. Cụ thể, lương tối thiểu năm 2015 sẽ là 3,1 triệu đồng, 2,75 triệu đồng, 2,42 triệu đồng; 2,2 triệu đồng tương ứng với các vùng I, II, III và IV. So với lương tối thiểu năm 2014, mức tăng vùng I ở tầm 15%, thấp hơn so với đề xuất 8 điểm phần trăm.

Người lao động có nhiều lý do để lo

Điều đáng nói là, lộ trình tăng lương tối thiểu này vẫn không đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của từng vùng. Ngay cả mức lương tối thiểu năm 2015 có tăng 23% thì Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng thừa nhận nó chỉ đáp ứng 80% nhu cầu sống tổi thiểu của vùng.

 Trong khi đó, người lao động lại có lý do để lo lắng: kinh nghiệm những lần tăng lương trước đây cho thấy, lương chưa tăng, giá cả đã rục rịch tăng khiến cho ý nghĩa tăng lương là zero. Chưa kể, doanh nghiệp có cách để "lách" luật bằng cách lấy cắt xén các khoản trợ cấp khác đập vào phần tăng của lương tối thiểu, nên xét cho cùng, thực nhận thu nhập vẫn nguyên như cũ, trong khi rủi ro giá cả tăng là rất cao.

Đối với những người chưa xây dựng gia đình như chị Nguyễn Hồng Mến - công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long thì mức lương hơn 3 triệu/tháng nếu chi tiêu tiết kiệm vẫn đủ sống: "Với mức lương tăng thêm 15% là được 3 triệu 100 nghìn đồng thì tôi thấy là vừa đủ so với mức lương hiện tại. Nhưng đối với những gia đình có con nhỏ thì đời sống bây giờ nhiều khó khăn sẽ không đủ sống nên cần tăng thêm nữa. Đối với tôi, mức lương như thế là tạm đủ thôi."

imgTăng lương tối thiểu, công nhân vui ít, doanh nghiệp lo nhiều. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, với những cặp vợ chồng công nhân đã có từ 1 đến 2 con thì bày tỏ niềm vui với việc tăng lương nhưng cho biết vẫn còn không ít khó khăn trong cuộc sống. Anh Nguyễn Mạnh Hùng, công nhân làm việc tại khu công nghiệp Quang Minh và chị Nguyễn Thị Hằng, công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long cho biết, tăng lương là một dấu hiệu đáng mừng nhưng dù tăng thêm 300 đến 400 nghìn đồng/tháng thì vẫn chưa cải thiện được mức sống tối thiểu của người lao động:

Anh Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: "Nếu mức lương như vậy thì vẫn không đủ. Vì vợ chồng tôi có 2 con nhỏ, cháu lớn 5 tuổi đang học mẫu giáo lớn, cháu nhỏ mới 1 tuổi. Một mình tôi đi làm, lương thấp như vậy thì không thể đủ chi tiêu, đấy là gia đình tôi ở đây, không phải thuê trọ. Thi thoảng chật vật vẫn phải đi vay."

Doanh nghiệp thêm gánh nặng

 Một điều quan trọng nữa là mặc dù luật đề ra mức lương tối thiểu như vậy, nhưng nếu doanh nghiệp không có đủ khả năng chi trả theo mức tăng, họ buộc phải cắt giảm nhân công để bảo đảm không phạm luật, hoặc thu hẹp sản xuất, thậm chí đối mặt với phá sản. Điều đó có nghĩa rất có thể có những lao động bị mất việc vì tăng lương tối thiểu.

Nhưng dù có "lách" được vấn đề tăng lương với người lao động, thì gánh nặng doanh nghiệp phải chống đỡ do tăng lương tối thiểu vẫn không giảm được nhiều. Đó là các nghĩa vụ đóng các loại bảo hiểm, các loại phí.

Theo ý kiến của các doanh nghiệp, trong điều kiện hiện nay, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp nhiều khó khăn, việc tăng lương sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty may Hưng Yên cho biết: Công ty may Hưng Yên có 2000 lao động, nếu tăng thêm 15,1% tiền lương tối thiểu vào năm 2015 thì mỗi năm công ty phải nộp thêm 3 tỷ đồng, người lao động phải nộp 1,5 tỷ đồng tiền bảo hiểm và quỹ công đoàn.

Như vậy, doanh nghiệp sẽ giảm lợi nhuận 3 tỷ đồng. Nếu doanh nghiệp kinh doanh không có lãi sẽ lỗ thêm 3 tỷ đồng. Theo ông Dương, tăng lương cũng là một vấn đề có thể nói là làm khó cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có năng suất chưa cao, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các địa phương. Để đảm bảo quyền, lợi ích của người lao động cũng như doanh nghiệp, ngoài vấn đề tăng lương tối thiểu, Nhà nước cần chú trọng đến việc làm thế nào để tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp làm ăn có lãi, phát triển bền vững:

 Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, "khi lương tối thiểu tăng 14% thì thực tế quỹ lương của doanh nghiệp chi trả cho người lao động tăng lên tới gần 20%, vì ngoài mức tăng lương, doanh nghiệp phải chi trả thêm mức đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn, chi phí nhà xưởng, điện nước, khấu hao máy móc thiết bị…".

 Tăng lương lẽ ra là một niềm vui lớn đối với người lao động, và cả người sử dụng lao động vì có sản xuất kinh doanh tốt mới có khả năng tăng lương. Tuy nhiên, để cho mỗi lần tăng lương cả xã hội khỏi nháo nhác thì bên cạnh các con số tăng bao nhiêu, cần phải có các công cụ, chính sách chống lạm phát kèm theo, tăng giá trị của đồng tiền. Có như vậy mới chấm dứt được điệp khúc "tăng lương lo hơn mừng".

(Theo VnReview, VOV)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem