Tăng lương tối thiểu vùng năm 2022: Kiến nghị là quyền của các hiệp hội nhưng...

Thùy Anh Thứ ba, ngày 19/04/2022 09:39 AM (GMT+7)
Trong khi các doanh nghiệp và một số chuyên gia cho rằng thời điểm 1/7/2022 chưa phù hợp để tăng lương tối thiểu vùng thì cũng có một số ý kiến khác lại ủng hộ đề xuất tăng lương sớm.
Bình luận 0

Nhiều người ủng hộ tăng lương tối thiểu vùng năm 2022

Trước kiến nghị của 8 hiệp hội ngành hàng đề nghị lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng đến ngày 1/1/2023, nhiều chuyên gia và đại biểu quốc hội cho rằng cần tăng lương tối thiểu vùng năm 2022 từ ngày 1/7/2022 bởi đây là vấn đề cấp bách, cần thiết khi đời sống của người lao động đang khó khăn.

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, ông và nhiều công nhân lao động đã nắm được thông tin.

tăng lương tối thiểu vùng

Đời sống của công nhân lao động đã rất khó khăn, cần phải tăng lương tối thiểu vùng để hỗ trợ họ. Ảnh: N.T

"Nhiều cán bộ công đoàn và công nhân, lao động rất buồn, bức xúc. Họ cho rằng trong suốt thời gian dịch họ đã chia sẻ nhiều với doanh nghiệp (DN), đồng ý tăng giờ làm thêm. Vậy nhưng khi người lao động khó khăn thì Hiệp hội doanh nghiệp lại kiến nghị lùi thời điểm tăng lương. Họ cho rằng tăng lương không chỉ giúp giảm bớt khó khăn, mà quan trọng hơn là tạo động lực để họ làm việc với năng suất cao hơn, kết quả tốt hơn" - ông Ngọ Duy Hiểu cho hay.

Theo Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, vấn đề kiến nghị của các Hiệp hội không phải là vấn đề mới. Nhiều năm trước cũng vậy. "Nhưng tôi tin tưởng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ đưa ra quyết định sáng suốt vì người lao động, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp" - ông Hiểu bày tỏ.

Ngày 16/4 vừa qua, thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, 8 hiệp hội gồm: Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Hội Lương thực TP HCM, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt nam, Hiệp hội các Nhà sản xuất xe máy Việt Nam vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị lùi thời hạn tăng lương tối thiểu vùng đến ngày 1/1/2023 thay vì 1/7/2022 như đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia.

Trước đó, tại phiên họp lần hai hôm 12/4, sau khi cân nhắc các yếu tố để hài hòa lợi ích giữa các đối tượng bị tác động, 100% thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đồng ý tăng lương tối thiểu vùng năm 2022 là 6%; 15/17 thành viên đồng ý tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2002.

Đồng quan điểm, ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội -  một chuyên gia trong lĩnh vực tiền lương cho rằng mong muốn đẩy lùi thời gian tăng lương tối thiểu vùng của các hiệp hội cũng là mong muốn chính đáng. Tuy nhiên, vấn đề tăng lương cho người lao động là vấn đề cấp bách, cần thiết khi cuộc sống của người lao động đang hết sức khó khăn vì thế cần làm ngay.

"Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng đã phân tích, đánh giá, cân nhắc thấu đáo trước khi bỏ phiếu, và kết quả bỏ phiếu đã thể hiện sự chia sẻ của chủ sử dụng lao động đối với người lao động và coi người lao động như là trung tâm của quá trình sản xuất, kinh doanh và phát triển của DN. Điều này thỏa mãn được yêu cầu bù đắp một chút cho người lao động trong bối cảnh họ đang hết sức khó khăn. Điều này sẽ tạo động lực cho lao động gắn bó hơn với DN, tạo cơ hội để DN phục hồi và phát triển"- ông Bùi Sỹ Lợi nói và đề nghị Chính phủ nên cho thực hiện việc tăng lương theo đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia.

Ông Đặng Thuần Phong - Phó chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội thì cho rằng việc kiến nghị là quyền của các hiệp hội, còn giải quyết thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

 Theo ông Phong, cuộc sống mọi hoạt động đang bình thường trở lại. "Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết để hỗ trợ DN, giờ là lúc cần tăng cường chính sách hỗ trợ lao động để kéo người lao động quay trở lại thị trường lao động để đảm bảo ổn định sản xuất trong tình hình mới. Vì vậy, tăng lương cho người lao động từ 1/7/2022 là hết sức cấp bách, cần thiết. Do vậy tôi ủng hộ Chính phủ tăng lương từ 1/7" - Phó chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội bày tỏ.

Nên tăng chính sách hỗ trợ trực tiếp thay vì tăng lương tối thiểu vùng năm 2022

Trao đổi với phóng viên Báo Dân Việt, bà Nguyễn Thị Lan Hương - Chuyên gia lao động tiền lương cho rằng, vấn đề tăng lương thời điểm này là "Lợi bất cập hại" vì tăng lương tối thiểu vùng năm 2022 sẽ làm tăng lạm phát.

tăng lương tối thiểu vùng năm 2022

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Chuyên gia lao động, tiền lương cho rằng thời điểm này chưa thích hợp để tăng lương tối thiểu vùng năm 2022. Ảnh: N.T

Chúng ta đã từng thống nhất chỉ tăng lương khi chỉ số GDP tăng tới 6%. Kèm theo đó, đời sống kinh tế- xã hội phục hồi tốt. Tuy nhiên, vào thời điểm này thị trường lao động vừa trải qua một cú sốc lớn. Doanh nghiệp ngừng, tạm dừng sản xuất, lao động mất việc thiếu việc làm cao. Cần ưu tiên các giải pháp để hỗ trợ thị trường lao động phục hồi. Không có cách nào tốt hơn là hỗ trợ trực tiếp cho lao động thay vì tăng lương tối thiểu vùng vào lúc này.

Tức là thay vì tăng lương tối thiểu vùng vào thời điểm này thì nên tăng các chính sách hỗ trợ trực tiếp như: Tăng tiền hỗ trợ thuê nhà trọ; hỗ trợ tiền điện; tiền nước; tiền học của con...

"Tăng lương sẽ làm tăng chi phí doanh nghiệp. Khi chi phí tăng, đường cầu giảm. Nếu đường cầu, giảm thì khả năng doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động là rất hiện hữu, nhất là khi dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường", bà Hương nói.

Trước kiến nghị của Hiệp Hội doanh nghiệp, bà Hương cho rằng đây là vấn đề Chính phủ cũng cần cân nhắc. Thực tế, lịch sử các lần đề xuất tăng lương, cũng có những lần đề xuất của hội đồng tiền lương không được Chính phủ thông qua hoặc bị đẩy lùi thời gian tăng lương tối thiểu vùng lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem