Tăng nhân lực ngành công tác xã hội ở nông thôn

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 11/09/2020 16:45 PM (GMT+7)
2/3 diện tích Việt Nam là ở khu vực nông thôn, miền núi với 70% dân số. Là vùng kinh tế còn nhiều khó khăn, có nhiều nhóm người yếu thế nhưng ở những nơi này lại đang thiếu nghiêm trọng nhân lực làm nghề công tác xã hội.
Bình luận 0

Thiếu nghiêm trọng

Mặc dù chưa có một thống kê chính xác thế nhưng các nghiên cứu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội( LĐTBXH) đều cho thấy khu vực nông thôn, miền núi của nước ta đang thiếu nghiêm trọng lực lượng làm nghề công tác xã hội.

Tăng nhân lực ngành công tác xã hội ở nông thôn - Ảnh 1.

Khu vực nông thôn thiếu nghiêm trọng lực lượng làm CTXH (Ảnh chụp tại Yên Định, Thanh Hóa)

Có tới 70% dân số nước ta sống ở khu vực nông thôn- vùng núi, đa phần đối tượng lao động yếu thế, cần trợ giúp sống ở đây. Thế nhưng lực lượng làm công tác trợ giúp lại hầu như không có.

Trên thực tế có nhiều cộng đồng nông thôn đã quen dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc không đủ khả năng và cơ hội tiếp cận với các nguồn lực xã hội trong việc giải quyết vấn đề của mình. Trong khi đó, mục tiêu và phương pháp tiếp cận của cả ngành Công tác xã hội (CTXH) và phát triển nông thôn là hướng đến việc hỗ trợ cư dân nông thôn nhận ra và phát huy tốt nhất năng lực của mình để cùng tham gia vào quá trình giải quyết vấn đề và phát triển cộng đồng nông thôn.

Theo TS.Nguyễn Văn Hồi - Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội, hoạt động của CTXH trong phát triển nông thôn - miền núi trong một thời gian dài mới chỉ giới hạn ở việc hỗ trợ thực hiện các chương trình xây dựng mà chưa thực sự có những chiến lược mang tính ngắn hạn, cũng như dài hạn để triển khai phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương.

Cộng thêm vào đó, các phương pháp tổ chức CTXH cá nhân, theo nhóm hoặc hộ gia đình có sự hỗ trợ của các Trung tâm CTXH cấp huyện, tỉnh và đội ngũ CTV ở các xã, phường, thôn bản... chưa thực sự phát huy được hiệu quả do nguồn nhân lực vừa yếu về trình độ, vừa thiếu về số lượng, cũng như chưa huy động được nguồn lực hiện có của các cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp và các tổ chức trong thực hiện CTXH.

"Chúng ta chưa có đội ngũ CTXH chuyên nghiệp, chưa có hệ thống cung cấp dịch vụ CTXH giải quyết các vấn đề nông thôn hiện nay như thói quen sinh hoạt, người nghiện, nước sạch, vệ sinh môi trường, rác thải nông thôn, trẻ em, gia đình... Các chương trình, đề án chưa quan tâm đúng mức đến CTXH, vấn đề cộng đồng" - TS.Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh.

Chia sẻ kinh nghiệm về CTXH trong phát triển nông thôn - miền núi, bà Nguyễn Ngọc Lan - Nguyên điều phối chương trình Quản lý đất đai khu vực sông Mekong  cho biết: CTXH hướng đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau với sự khác biệt về lứa tuổi, dân tộc, trình độ văn hóa, mức sống, tôn giáo... Tại Việt Nam, các hoạt động về CTXH đã đạt được nhiều thành tựu nhất định, đặc biệt ở khu vực thành thị. Tuy nhiên, các nhóm đối tượng yếu thế, người nghèo ở nông thôn, miền núi lại chưa có chính sách về CTXH nào cụ thể, mà chủ yếu lồng ghép vào các chương trình khác.

Bà Nguyễn Ngọc Lan cho rằng, để có thể phát triển ngành CTXH  tại nước ta, cần lưu ý gắn với việc xây dựng các đề án, chính sách theo hướng đa mục tiêu, dài hạn, đa lĩnh vực; nâng cao năng lực đội ngũ làm CTXH; tăng cường xã hội hóa CTXH; phân cấp cho địa phương trong quản lý, sử dụng nguồn lực để phát triển CTXH...

"Thực tế cho thấy, tại Việt Nam, lâu nay Công tác xã hội chỉ được hiểu trên ý nghĩa làm từ thiện. Các thành viên làm CTXH với tính chất tự phát, chủ yếu là của các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, cán bộ phường, xã đôi khi là những người dân tự nguyện…. Họ làm việc chủ yếu theo kinh nghiệm, chưa được đào tạo các kỹ năng mềm, kỹ năng nghề cần thiết về CTXH. Do vậy, hiệu quả giải quyết các vấn đề xã hội, vấn đề của cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng dân cư không cao, thiếu tính bền vững", ông Nguyễn Văn An - Chuyên gia trẻ em.

Tăng cường người làm CTXH trẻ em, gia đình

Ông Nguyễn Văn An - Chuyên gia trẻ em cho rằng, một thời gian dài do thiếu một lượng lớn cộng tác viên làm nghề chăm sóc trẻ em, dân số, gia đình mà ở nông thôn đã xảy ra nhiều vụ bạo lực, xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình... Mỗi năm nước ta ghi nhận hàng nghìn vụ xâm hại, bạo lực trẻ em và bạo lực gia đình.

"Đây là điều đã được dự báo từ trước, tôi đã nhiều lần kiến nghị cần phải gấp rút bổ sung lực lượng làm nghề CTXH trẻ em nhưng đến nay vẫn chưa thể bổ sung đội ngũ này tại thôn bản. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới nhiều vụ bạo lực, xâm hại trẻ em ở nông thôn và chưa được phát hiện" - ông An nói.

Tăng nhân lực ngành công tác xã hội ở nông thôn - Ảnh 3.

Theo ông An, nếu không thể xây dựng được đội ngũ làm công tác xã hội chuyên nghiệp được đào tạo trình độ đại học thì có thể đào tạo nghề công tác xã hội cho chính đội ngũ cán bộ thôn bản, xây dựng họ thành những cộng tác viên trẻ em, gia đình ở cơ sở.

Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng chế độ hỗ trợ, phụ cấp cho họ để họ có thêm động lực hoạt động.

Đồng quan điểm trên, Ths Nguyễn Thị Liên, Khoa CTXH - ĐH Lao động Xã hội cũng đề xuất: "Song hành với thực hiện chính sách cho người nghèo dân tộc thiểu số theo hướng hỗ trợ có tập trung, thì cần đẩy mạnh các hoạt động của CTXH, phát triển đội ngũ và nâng cao vai trò của nhân viên CTXH ở địa phương, nhằm cung cấp các dịch vụ để nhóm đối tượng này được hưởng các chính sách một cách tốt nhất".

Bà Bùi Thị Kim - Trung tâm Hỗ trợ Phát triển vì Phụ nữ và Trẻ em cũng đưa ra một số gợi ý cho các nhà làm CTXH, đặc biệt trong thúc đẩy cộng đồng nông thôn - miền núi, đó là chuyển từ hoạt động từ thiện sang hoạt động phát triển.

"Cần phải bỏ định kiến người nông thôn, miền núi là người trình độ thấp, không đủ năng lực tự giải quyết vấn đề; không áp đặt khuôn mẫu của người ngoài và bắt cộng đồng làm theo; chú ý thái độ khi làm việc với cộng đồng; hỗ trợ các nhóm, thay vì hỗ trợ từng cá nhân" - Bà Kim nói về cách thức hỗ trợ của CTXH ở địa phương.

Trước thực trạng người làm CTXH ở nông thôn còn thiếu, yếu, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đã kiến nghị cần quan tâm đào tạo cán bộ quản lý về CTXH và kiện toàn đội ngũ nhân viên, mạng lưới cung cấp dịch vụ CTXH ở tất cả các cấp. Đồng thời cần phối hợp để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách. Kèm theo đó là sớm luật hóa các chính sách để phát triển CTXH.

Chuyên mục có sự phối hợp của Cục bảo trợ xã hội

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem