Tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú

Huy Hoàng Thứ tư, ngày 15/03/2023 15:28 PM (GMT+7)
Kết luận tại Hội nghị du lịch 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế theo hướng tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú phù hợp với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử.
Bình luận 0

Sáng ngày 15/3 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề "Đẩy nhanh phục hồi – Tăng tốc phát triển".

Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố và các hiệp hội, doanh nghiệp về du lịch, các hãng hàng không.

Tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú - Ảnh 1.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Đề xuất phát triển mô hình sức khỏe chữa trị y tế để tăng chi tiêu từ du khách nước ngoài

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga cho biết, năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế và đạt doanh thu 650.000 tỷ đồng. Đây là con số chúng ta phải quyết tâm đạt được nhưng cũng cần phải có nhiều giải pháp tập trung hơn đối với nhóm khách du lịch quốc tế có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày ở Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Nga cho hay, Tập đoàn đang vận hành nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế và được các tập đoàn quốc tế top đầu của thế giới quản lý. "Vì vậy, đối tượng chính của chúng tôi hiện nay đang có mức chi trả của du lịch cấp cao, gấp 2-3 lần mức của khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam, từ 200-300USD/ngày và thường ở 3-4 ngày. Chúng tôi có thế mạnh là kết hợp du lịch khách sạn với golf. Chưa bao giờ chúng ta có nhiều khách du lịch đến Việt Nam để chơi golf như hiện nay và du lịch golf của chúng ta đã được thế giới công nhận là điểm du lịch chơi golf tốt nhất".

Tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú - Ảnh 2.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Kiến nghị trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Nga cho biết, Tăng cường tập trung quảng bá cho du lịch và tiếp thị hình ảnh thương hiệu du lịch quốc gia. Trong đó, Chính phủ cần tăng ngân sách cho công tác này.

Nên ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch. Đồng thời, xây dựng bản sắc văn hóa du lịch cho từng vùng, từng miền.

Đối với vấn đề visa, đề nghị tăng hạn visa từ 2 đến 4 tuần cho khách có thời gian đi du lịch nhiều hơn, chi nhiều tiền cho du lịch để doanh thu du lịch của chúng ta được tăng hơn.

Tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú - Ảnh 3.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường phát biểu tại Hội nghị du lịch 2023. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Đồng quan điểm về vướng mắc thủ tục visa, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường cho rằng, vừa qua, các chính sách visa du lịch của chúng ta cũng đã có những điểm tiến bộ về visa. Tuy nhiên, để có những đột phá hơn, có tính cạnh tranh trong tương lai và bền vững, chúng ta phải có những cải cách mạnh hơn nữa. Cần sớm xem xét phân tích, đánh giá, trình Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Quốc hội để sửa đổi bổ sung các quy định của Luật Xuất nhập cảnh.

Cụ thể  các nội dung tăng thời hạn thị thực đối với khách du lịch quốc tế 90-180 ngày, thời gian tạm trú từ 30-45 ngày và cho phép nhập cảnh nhiều lần; đối với các quốc gia đơn phương miễn thị thực nhập cảnh, tăng từ 15 ngày lên 30 -45 ngày và cũng cho nhập cảnh nhiều lần.

Giải pháp tiếp theo mà ông Đặng Minh Trường đưa ra là nghiên cứu đề xuất gia hạn hoặc mở rộng các đối tượng, các quốc gia có thể được miễn visa đơn phương, trong đó có những thị trường trọng điểm. Cụ thể hiện nay, thị trường Australia chi tiêu 4 tỷ USD/1 năm để đi du lịch, hay như Canada trên 33 tỷ USD, hoặc các nước Bắc Âu như Hà Lan, Thụy Sỹ, Bỉ, họ đều chi từ 21 đến 26 tỷ USD, xếp trên cả Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, những nước hiện nay thuộc chính sách được miễn visa.

Tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú - Ảnh 4.

Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương Johnathan Hạnh Nguyễn đưa ra nhiều đề xuất mới tại Hội nghị Du lịch 2023. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương Johnathan Hạnh Nguyễn đưa ra đề xuất, Chính phủ nghiên cứu chủ trì phát động chiến dịch tương tự Thái Lan. Năm 2022, Thái Lan áp dụng chiến lược này và đón hơn 11 triệu lượt khách quốc tế.

Thứ hai là về tiềm năng du lịch mua sắm, giải trí, du lịch nghỉ dưỡng sức khỏe và các mô hình khác là rất lớn. Theo thống kê từ World Data, trong thời gian gần đây, các nước Đông Nam Á về cơ bản giữ được doanh thu bình quân từ chi tiêu của khách du lịch.

Vì vậy làm như thế nào để vừa tăng trưởng số lượng khách du lịch, vừa tăng trưởng chi tiêu của khách. Theo các chuyên gia, du lịch mua sắm, giải trí, nghỉ dưỡng sức khỏe về cơ bản là chìa khóa để góp phần tăng trưởng kinh tế do đó cần làm phong phú dịch vụ này để khách có cơ hội tiêu tiền thậm chí mua hết số tiền và muốn mua sắm tiếp. Chúng ta nên nghiên cứu mô hình tại Singapore và Hải Nam (Trung Quốc) đã rất thành công với mô hình này.

Bên cạnh đó ông Johnathan Hạnh Nguyễn còn đưa ra đề xuất một số giải pháp đầu tư để góp phần phát triển các mảng còn thiếu của dịch vụ du lịch:

Phát triển mô hình sức khỏe chữa trị y tế. Đây là loại hình du lịch có tốc độ tăng trưởng nhanh và mang lại doanh thu cao nhất trong các loại hình du lịch. "Chúng tôi đang làm việc với Hàn Quốc, Nhật Bản để nghiên cứu đầu tư xây dựng 2 trung tâm chăm sóc sức khỏe tế bào gốc công nghệ mới tại Phú Quốc và Đà Nẵng".

Đề xuất đầu tư xây dựng Trung tâm Outlet. Hầu hết các nước đều có mô hình này, giảm giá từ 50%-90% để tăng chi tiêu mua sắm.

Tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú - Ảnh 5.

Thác Bản Giốc, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. Đây là một trong những thác đẹp và nổi tiếng nhất Việt Nam. Ảnh: Huy Hoàng

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - Vũ Thế Bình đánh giá cao, nỗ lực của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã xây dựng chương trình đẩy nhanh phục hồi phát triển du lịch.

Nêu đề xuất, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhìn nhận, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng đã rất rõ, rất sát. Tức là chúng ta đưa ra những chương trình, kế hoạch, thì nêu rõ ai làm cái gì. "Chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề thực tiễn, khi triển khai ai làm cái gì, nguồn lực ở đâu, ai chịu trách nhiệm".

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đề nghị đưa ra những chính sách hết sức cụ thể để có thể giao cho từng cơ quan làm ngay; đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị trong đó có một số việc cần làm ngay, đó là chuuyển giá điện của các cơ sở lưu trú du lịch từ giá điện dịch vụ sang giá điện sản xuất và các ưu đãi về thuế sử dụng đất của các cơ sở du lịch.

"Đề nghị thêm 1 việc nữa là để thu hút loại khách chi trả cao đến Việt Nam và để Việt Nam thành thị trường khách du lịch cao cấp thì có rất nhiều việc chúng ta cần phải làm, nhưng hiện nay một loạt các sản phẩm mới ra đời, trong đó có sản phẩm Nhà nước phải hỗ trợ ví dụ như du lịch thể thao", ông Vũ Thế Bình nói.

Tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú - Ảnh 6.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - Vũ Thế Bình. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Cũng tại Hội nghị Du lịch, rất nhiều ý kiến của các doanh nghiệp, tập đoàn, hãng hàng không đã đưa ra nhiều giải pháp, đề xuất, kiến nghị trong đó vẫn là những vấn đề tồn đọng như về thuế, giảm giá điện, lãi suất ngân hàng, quảng bá truyền thông…

Tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú cho du khách nước ngoài

Tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú - Ảnh 7.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề "Đẩy nhanh phục hồi – Tăng tốc phát triển". Ảnh VGP/Nhật Bắc

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với VPCP và các cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu tối đa các ý kiến phát biểu; sớm hoàn thiện, trình ban hành Nghị quyết của Chính phủ về đẩy nhanh phục hồi – tăng tốc phát triển du  lịch hiệu quả, bền vững.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về du lịch, Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021-2030, nhất là Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các nghị quyết của của Bộ Chính trị về phát triển các vùng kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại, đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế.

Tập trung rà soát, kịp thời cập nhật, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định về du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại và hội nhập, tạo thuận lợi cho khách du lịch cả nội địa và quốc tế. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, giải pháp đột phá để phát triển ngành du lịch, nhất là khai thác các yếu tố riêng có của Việt Nam.

Tiếp tục tăng cường đầu tư và huy động các nguồn lực cho phát triển du lịch. Trong đó, tham mưu, báo cáo đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp đầu tư hoặc cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư cho hạ tầng du lịch (hệ thống sân bay, bến cảng; phương tiện vận chuyển, dịch vụ du lịch có quy mô lớn; hệ thống chỉ dẫn công cộng theo hướng hiện đại...).

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh du lịch tiếp cận các nguồn vốn, gói kích cầu; nâng cao năng lực kinh doanh và chất lượng sản phẩm dịch vụ, phù hợp với nhu cầu và biến động của thị trường du lịch.

Đẩy mạnh chuyển đổi số; hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam. Tiếp tục đầu tư, phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu; đa dạng hóa hình thức đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp, thu hút các tập đoàn du lịch lớn trên thế giới  tham gia đào tạo nhân lực du lịch.

Sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế theo hướng tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú phù hợp với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử. Tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước, quốc tế mở các đường bay và trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm, tiềm năng.

Tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các tập đoàn, tổng công ty du lịch lớn, đa quốc gia trong thúc đẩy kết nối, thu hút các thị trường khách lớn, tiềm năng theo nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú - Ảnh 8.

Phố cổ Hội An, Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam là một trong những điểm đến được du khách nước ngoài yêu thích. Ảnh: Huy Hoàng

Bộ VHTTDL tiếp tục triển khai thực hiện Đề án "Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn", trong đó đặc biệt chú trọng đến việc cơ cấu lại thị trường khách du lịch.

Tiếp tục đáp ứng tốt nhu cầu du lịch nội địa. Tập trung khai thác có hiệu quả các thị trường nguồn khách quốc tế lớn, chú trọng khai thác các thị trường có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày, đẩy mạnh phát triển và khai thác phân khúc khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Việt Nam có thế mạnh.

Tăng cường nghiên cứu thị trường, nắm bắt những xu hướng du lịch mới và phản ứng chính sách nhanh, phù hợp. Triển khai thực hiện hiệu quả, thực chất, đúng hướng đối với các nguồn lực đầu tư cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua Quỹ phát hỗ trợ phát triển du lịch.

Khẩn trương kiện toàn cơ cấu, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí góp phần phát triển du lịch.

Bộ Ngoại giao tiếp tục chỉ đạo các cơ quan đại diện ở nước ngoài tích cực chủ động phối hợp với Bộ VHTTDL tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá văn hóa và du lịch Việt Nam ở nước sở tại, việc này rất cần thiết trong bối cảnh chưa có Văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài. Chỉ đạo các cơ quan giải quyết thủ tục visa thuận tiện theo quy định, chống tiêu cực, tham nhũng. Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về ngoại giao kinh tế.

Bộ Công Thương lồng ghép quảng bá thương hiệu, hình ảnh du lịch Việt Nam trong các chương trình xúc tiến thương mại của Bộ chủ trì ở trong và ngoài nước, gắn xúc tiến thương mại với xúc tiến du lịch.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát triển các sản phẩm du lịch liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

UBND các tỉnh, thành phố tích cực, chủ động phối hợp, thúc đẩy liên kết du lịch để cùng phát triển sản phẩm, nguồn nhân lực, quản lý, đầu tư phát triển du lịch. Thường xuyên lắng nghe, trao đổi, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững, đúng pháp luật.

Đẩy mạnh hợp tác công - tư, nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới.

Tập trung xây dựng nếp sống văn minh, bảo đảm vệ sinh, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh, an toàn cho khách du lịch. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch trên địa bàn. Đẩy mạnh hướng dẫn du khách trên nền tảng số.

Tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú - Ảnh 9.

Bờ đá rêu tại bãi biển Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Huy Hoàng

Hiệp hội du lịch Việt Nam cần phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt, cánh tay đắc lực của cơ quan quản lý nhà nước. Tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển lành mạnh, làm giàu chính đáng, tuân thủ đúng pháp luật và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Phát hiện, tổng hợp ý kiến và đề xuất, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp du lịch.

Các doanh nghiệp hoạt động du lịch tích cực nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm dịch vụ, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp; thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, nói không với tiêu cực. 

Đề cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường; trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động; quan tâm xây dựng môi trường lao động an toàn, thân thiện, hài hòa, bền vững, nhân viên cởi mở, thân thiện; góp phần đào tạo nhân lực thông qua hợp tác công tư.

Về 26 kiến nghị của các đại biểu tại hội nghị, Thủ tướng cho biết sẽ được nghiên cứu, tiếp thu, cụ thể hóa vào Nghị quyết sắp được Chính phủ ban hành.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem