Tăng tính răn đe để chống lãng phí

Thứ tư, ngày 19/06/2013 10:22 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 18.6, thảo luận về Dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, một số điều khoản trong dự án luật còn chưa mang tính khả thi nếu áp dụng vào thực tế.
Bình luận 0

Về các giải pháp chống lãng phí, nhiều đại biểu khẳng định cần tăng tính răn đe hơn nữa bởi dự án luật vừa thừa lại vừa thiếu, chưa có những biện pháp hữu hiệu, thậm chí có điều khoản quy định không chính xác. Đại biểu Phạm Văn Hổ (Phú Yên) cho rằng : Chính phủ nhận định nguyên nhân của tình trạng lãng phí chủ yếu do công tác tổ chức chưa tốt, nhưng dự án luật lại chưa đưa ra được những giải pháp hữu hiệu, chưa có sự phân tích, đánh giá sâu sát. Quan điểm chỉ đạo sửa đổi luật là sửa đổi các nội dung theo hướng gia tăng quy định về cơ chế, giải pháp, cụ thể hóa các quy trình về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhằm tăng tính hiệu lực của luật, nhưng lại chưa thể hiện được sự nhất quán.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng đề nghị cần tập trung quy định các hành vi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng, quản lý ngân sách nhà nước, tài sản, tài nguyên, trong sử dụng lao động, thời gian lao động…

Cùng ngày 18.6, Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua - Khen thưởng. Các đại biểu tập trung phân tích về phạm vi sửa đổi, quy định cụ thể về khen thưởng và các mức khen thưởng, khen thưởng với đại biểu dân cử. Theo đó, một số ý kiến cho rằng, trong việc khen thưởng với đại biểu dân cử, việc khó nhất và cần làm nhất là đánh giá được sự đóng góp của mỗi người để có hình thức khen thưởng, bởi nếu thực hiện không chính xác sẽ làm giảm ý nghĩa của công tác khen thưởng. Vì vậy, cần xem xét những quy định riêng về tiêu chuẩn khen thưởng, không nên sử dụng tiêu chuẩn chung cho đại biểu dân cử.

Trong ngày làm việc hôm qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội, với 447 phiếu tán thành (chiếm 89,76%); thông qua Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi) với 437 đại biểu tán thành (chiếm 87,75%).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem