Tăng tốc đàm phán để sớm xuất khẩu chính ngạch sầu riêng, tổ yến, khoai lang sang Trung Quốc

Khánh Nguyên (ghi) Chủ nhật, ngày 19/09/2021 18:03 PM (GMT+7)
Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ sẽ ưu tiên các nhóm giải pháp giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân khôi phục sản xuất, quyết đạt mục tiêu xuất khẩu nông sản đạt 44 tỷ USD. Trong đó, Bộ sẽ thúc đẩy đàm phán để sớm xuất khẩu chính ngạch một số nông sản thế mạnh sang Trung Quốc.
Bình luận 0
Ngành nông nghiệp quyết "gặt" đủ 44 tỷ USD - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NNPTNT sẽ phối hợp với các bộ ngành tăng cường đàm phán để sớm xuất khẩu chính ngạch một số nông sản thế mạnh như sầu riêng, khoai lang, tổ yến sang Trung Quốc. Ảnh: P.V

Ngày 9/9, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Xin Thứ trưởng cho biết, Nghị quyết này có tác dụng như thế nào giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã khôi phục sản xuất?

- Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh là những lực lượng đóng góp rất quan trọng cho phát triển kinh tế, xã hội, thu ngân sách, đảm bảo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. 

Trong dịch Covid-19, đây cũng là đối tượng ảnh hưởng nặng nề, do vậy Nghị quyết 105 của Chính phủ sẽ là động lực giúp các đối tượng này vượt qua khó khăn, đảm bảo mục tiêu vừa chống dịch, vừa khôi phục phát triển kinh tế. 

Thông qua nghị quyết này, Chính phủ đã có nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Có thể thấy, các doanh nghiệp nông nghiệp, ngoài những hạn chế trong nhiều năm nay như quy mô sản xuất nhỏ lẻ, hạ tầng yếu kém, chuỗi sản xuất chưa chiếm tỷ trọng lớn thì rõ ràng dịch Covid-19 càng khiến họ khó khăn hơn.

Thứ nhất là nhiều doanh nghiệp thiếu vốn trầm trọng do sản phẩm còn tồn đọng trong ao, chuồng, nhà máy, kho bãi. Trong khi đó, khâu lưu thông phân phối tuy đã có chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT nhưng vẫn ách tắc ở huyện, xã thôn bản.

Ngành nông nghiệp quyết "gặt" đủ 44 tỷ USD - Ảnh 2.

Bộ NNPTNT đã kiến nghị nhiều chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp, HTX, nông dân sớm khôi phục sản xuất sau dịch Covid-19. Trong ảnh: Nông dân Cồn Sơn (TP.Cần Thơ) thu hoạch cam. Ảnh: K.N

"Bộ NNPTNT kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao đẩy mạnh quảng bá nông sản, nhằm được phép xuất khẩu chính ngạch sang nhiều nước.

Với Bộ Tài chính, chúng tôi kiến nghị cắt giảm thuế, tiền sử dụng đất, điện, nước với doanh nghiệp.

Với Ngân hàng Nhà nước phát triển gói tín dụng riêng cho các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh nông nghiệp.

Với Bộ GTVT, tiếp tục thực hiện khơi thông vận chuyển hàng hóa, kể cả nội địa và xuất khẩu".

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến.

Việc thực hiện "3 tại chỗ" của doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu cơ sở vật chất, khiến chi phí bị đội lên rất nhiều. Việc tổ chức lực lượng lao động cũng khó khi nhiều lao động đã về quê.

Chi phí vận tải tăng cao, cả trong nước và xuất khẩu, thậm chí chi phí vận tải biển tăng tới 6 - 7 lần; giá vật tư đầu vào như phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng cao, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. 

Trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ lao động được tiêm vaccine Covid-19 vẫn rất thấp.

Vì vậy, tôi hy vọng Nghị quyết 105 sẽ gỡ đúng những cái khó của doanh nghiệp hợp tác xã hiện nay, tạo lực đẩy cho ngành nông nghiệp khôi phục sản xuất, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xuất khẩu nông sản đạt 44 tỷ USD.

Bộ NNPTNT sẽ ưu tiên những giải pháp gì để giúp khôi phục sản xuất, đảm bảo cung ứng đủ lương thực thực phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu, thưa Thứ trưởng?

- Trước nguy cơ chuỗi cung ứng sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì hội nghị bàn 3 nội dung, khôi phục sản xuất, lưu thông phân phối, xuất khẩu, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu ngành nông nghiệp đã đề ra.

Sau hội nghị này, Phó Thủ tướng đã có kết luận, giao nhiệm vụ cho từng bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các hiệp hội ngành hàng triển khai đồng loạt các nhóm giải pháp để kích cầu sản xuất với mục tiêu làm sao có 1 triệu lượt khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiếp cận được tín dụng; tối đa hóa các doanh nghiệp, hợp tác xã phải tạm dừng sản xuất do dịch bệnh được phục hồi;… 

Riêng Bộ NNPTNT được giao rà roát tất cả các ngành hàng trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, chuẩn bị đủ con giống, vật tư, thuốc, thức ăn, chuẩn bị cho vụ sản xuất mới. 

Ngay lập tức, Bộ đã tổ chức các hội nghị chuyên đề về vụ đông, dịch bệnh trên vật nuôi, nuôi trồng khai thác thủy sản để tháo gỡ từng vướng mắc.

Ngoài 4 nhóm ngành trên, Bộ NNPTNT cũng sẽ tập trung các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu. Từng có một số ý kiến lo ngại, rằng ngành nông nghiệp khó đạt kế hoạch xuất khẩu 44 tỷ USD. 

Tuy nhiên, dựa trên những tiên lượng phục hồi sau dịch bệnh, chúng tôi sẽ phấn đấu đạt được các mục tiêu.

Hiện nay, nhiều thị trường xuất khẩu liên tục có những thay đổi chính sách kiểm soát nhập khẩu nông sản, nhất là Trung Quốc. Thứ trưởng có khuyến cáo gì với doanh nghiệp?

- Đây là những thay đổi buộc các doanh nghiệp phải thích ứng. Ví dụ với thị trường Trung Quốc, sau khi họ có lệnh mới về kiểm soát thực phẩm nhập khẩu, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, Bộ NNPTNT và các bộ ngành đã và sẽ có hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp tổ chức sản xuất đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của Trung Quốc.

Bộ cũng sẽ cùng các bộ ngành tiếp tục đàm phán để được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nhiều loại nông sản chúng ta có thế mạnh như: Sầu riêng, khoai lang, tổ yến, bưởi…

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem