Tăng tốc khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch (bài 4): Quyết thu tỷ đô

Bình Minh Thứ sáu, ngày 15/10/2021 06:00 AM (GMT+7)
Sau khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát, người chăn nuôi gà ở các tỉnh, thành phố đã đẩy mạnh tái đàn, phục hồi sản xuất để phục vụ nhu cầu thị trường trong những tháng cuối năm. Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến cũng tăng tốc, đẩy mạnh sản xuất, quyết “gặt” tỷ đô khi kết thúc năm 2021.
Bình luận 0

Đẩy mạnh tái đàn gà

Gia đình anh Nguyễn Xuân Tứ (ở xã Thụy An, huyện Ba Vì, Hà Nội) hiện đang nuôi 3 vạn gà mía Sơn Tây. Anh cho biết, mỗi năm trang trại xuất bán 12 - 14 lứa gà, khoảng 6 vạn con.

Năm nay do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 nên thị trường tiêu thụ gà mía cũng chậm hơn. Sau khi Hà Nội và một số tỉnh, thành phố kiểm soát được dịch bệnh, vận chuyển, lưu thông được nới lỏng nên thị trường bắt đầu hồi phục, sôi động trở lại.

Anh Tứ cho biết, nếu hộ nào nuôi tốt, giá gà mía Sơn Tây (loại đẹp) có giá 80.000 đồng/kg, nếu mua xô có giá từ 70.000 - 75.000 đồng/kg. Để phục vụ nhu cầu thực phẩm vào dịp cuối năm, mới đây anh Tứ đã vào đàn gà mía Sơn Tây 1 vạn con và dự kiến từ nay đến cuối năm trang trại của anh sẽ xuất bán 2 vạn con (khoảng 40 tấn) gà thịt ra thị trường.

Tăng tốc khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch (bài 4): Quyết thu tỷ đô trong  năm 2021 - Ảnh 1.

Gia đình anh Nguyễn Xuân Tứ ở xã Thụy An, huyện Ba Vì (Hà Nội) dự kiến xuất bán 2 vạn gà mía Sơn Tây vào dịp cuối năm 2021. Ảnh: Minh Ngọc

Theo ông Võ Văn Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Cà Mau, trong 9 tháng đầu năm mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thực hiện giãn cách xã hội, nhưng nhờ chuẩn bị từ sớm các phương án nên công ty vẫn duy trì sản xuất, tạo được nguồn tôm chế biến thô dự trữ tương đối khá.

Tuy nhiên, theo anh Tứ, từ đầu năm đến nay, giá cám gà liên tục tăng cao khiến nhiều hộ nuôi gà ở Thụy An gặp rất nhiều khó khăn, rới vào cảnh thua lỗ buộc phải treo chuồng.

Cũng mới vào đàn gà mía Sơn Tây 2.000 con, chị Nguyễn Thị Vân Anh (xã Thụy An) cho biết, chị đặt kỳ vọng rất nhiều vào lứa gà bán cho dịp cuối năm này.

"Từ đầu năm tới nay, thị trường tiêu thụ gà mía gặp nhiều biến động, nhà hàng, quán ăn, trường học đóng cửa ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người nuôi gà ở Thụy An. Hiện dịch bệnh được kiểm soát nên tôi rất vọng từ nguồn thu từ lứa gà cuối năm này", chị Vân Anh nói.

Tại tỉnh Hải Dương, trang trại của anh Phạm Văn Tuân (xã Gia Lương, huyện Gia Lộc) cũng đã nhập thêm lứa gà mới để bán dịp cuối năm. Anh Tuân cho biết, trang trại của anh thường xuyên duy trì đàn gà 7.000 con. Nhưng từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, thị trường bị bó hẹp lại nên anh cũng đã phải giảm đàn xuống gần 1 nửa.

"Đầu tháng 10, tôi đã vào thêm đàn gà 3.000 con để nuôi bán dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Người chăn nuôi gà kỳ vọng rất nhiều vào thị trường dịp cuối năm để có thể gỡ gạc phần nào của một năm chăn nuôi rất khó khăn" - anh Tuân chia sẻ.

Doanh nghiệp tăng tốc hồi phục

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh do đại dịch Covid-19 nhưng nhiều doanh nghiệp đã chủ động duy trì sản xuất cũng như lên kế hoạch khôi phục sản xuất kinh doanh.

Công ty Kim Minh International (TP.HCM) là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu rau củ quả tươi, đông lạnh và nước ép trái cây. 

Theo bà Lưu Vũ Ngọc Ngân - Phó Giám đốc công ty, để khắc phục những khó khăn, nhằm không bị đứt gãy chuỗi cung ứng hàng xuất khẩu, công ty đã đào tạo đội ngũ nhân viên kinh doanh khai thác triệt để các sàn giao dịch thương mại điện tử để tìm kiếm và tiếp cận nhanh chóng các nhà nhập khẩu trên toàn thế giới. 

Đây là một trong những phương thức phù hợp mà các doanh nghiệp nói chung và đặc biệt doanh nghiệp xuất khẩu lựa chọn trong thời điểm hiện nay. Bên cạnh đó, doanh nghiệp trực tiếp đàm phán với khách hàng nhập khẩu để họ chấp nhận chia sẻ rủi ro về giá cước tăng cao, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng và bảo đảm được lợi nhuận bền vững.

Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) cho hay, ngày 16/9 tỉnh Sóc Trăng đã công bố tình trạng bình thường mới, nên công ty đã kịp thời thu hoạch và tiêu thụ được toàn bộ lúa hè thu, trái cây, các ao tôm...

 Đến ngày 21/9, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta đã phục hồi 100% công suất sản xuất. Giá tôm của Sao Ta đang ở mức tốt và công ty tăng tốc sản xuất để đáp ứng nhu cầu của đối tác.

Ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam báo tin vui: Khi mới bắt đầu thực hiện "3 tại chỗ" công ty chỉ còn 1.200 lao động, nhưng đến đầu tháng 9 số lao động đã tăng lên được 2.000, nên lượng tôm mua vào cũng tăng lên đáng kể. 

"Sau khi việc đi lại, vận chuyển được tháo gỡ, doanh nghiệp bắt đầu mở rộng thu mua tôm sang các địa phương trong khu vực để đảm bảo nguyên liệu đủ cho công suất hoạt động" - ông Phục nói.

Còn theo ông Võ Văn Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Cà Mau, doanh số xuất khẩu 9 tháng của công ty ước đạt 42 triệu USD. 

Ba tháng cuối năm cũng là cao điểm thu mua, chế biến và xuất khẩu của doanh nghiệp ngành tôm, nên chỉ cần nguồn cung nguyên liệu không quá khan hiếm hay bị gián đoạn do dịch Covid-19, công ty vẫn quyết liệt hướng đến đạt doanh số xuất khẩu 62-70 triệu USD của năm 2021. 

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem