Tăng trợ cấp học nghề cho lao động thất nghiệp: Lao động, trường nghề vẫn than khó

Thứ năm, ngày 08/04/2021 10:23 AM (GMT+7)
Mức hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp đã tăng từ 1 triệu đồng/tháng lên 1,5 triệu đồng/tháng, nhưng phần đa người lao động và cơ sở đào tạo vẫn chưa hào hứng.

Lao động "chạy cơm từng bữa" không muốn học nghề

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, người lao động được hỗ trợ học nghề theo quy định tại Điều 55 Luật Việc làm (người lao động). Các cơ sở GDNN, Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở LĐTBXH có trách nhiệm thi hành điều luật này. tháng

Cụ thể mức hỗ trợ học phí được tăng thêm 500 nghìn đồng, từ 1 triệu lên 1,5 triệu đồng/tháng. Hỗ trợ tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa với khóa học nghề 3 tháng. Nếu tham gia khóa học trên 3 tháng thì mức hỗ trợ không quá 1,5 triệu đồng/tháng.

Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc: Từ 14 ngày trở xuống tính là ½ tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 1 tháng. Dù tới ngày 15/5/2021 Quyết định mới có hiệu lực nhưng nhiều lao động vẫn không hào hứng. 

lao động nhận trợ cấp thất nghiệp

Lao động chỉ thích làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp mà không thích học nghề (Ảnh chụp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội). Ảnh: N.T

Rõ ràng so với luật cũ, kinh phí hỗ trợ nâng lên, thời gian cũng kéo dài ra tuy nhiên điều này vẫn chưa thể "hút" lao động học nghề. Chị Nguyễn Thị Lan, 43 tuổi (Công nhân nhà máy sản xuất giày Hongfu) Thanh Hóa cho biết, khi mới thất nghiệp cũng định xin học nghề nhưng thấy mấy nghề được hỗ trợ ít quá. Hơn nữa cuộc sống khó khăn, nếu đi học nghề tiền trợ cấp thất nghiệp không đủ ăn rồi nay lại lấy ra thêm vào đi học nghề là không thể.

Chính bởi suy nghĩ đó, sau khi nhận  xong tiền bảo hiểm thất nghiệp, chị Lan không đi học nghề. Nhiều tuổi, các khu công nghiệp không muốn nhận, kỹ năng nghề không có nên chị không thể chuyển đổi công việc.

"Sau này mình tự học cắt tóc tại một cửa hàng nhưng vì không học hành bài bản nên giờ chỉ có thể làm gội đầu là chủ yếu. Thu nhập vì thế cũng không cao, tháng chỉ được từ 2-3 triệu đồng/tháng", chị Lan tâm sự.

Chính bởi suy nghĩ, "trước mắt chưa lo xong sao nghĩ chuyện lâu dài" nên nhiều lao động đã bỏ qua cơ hội học nghề để tìm kiếm được một công việc tốt, cho thu nhập cao hơn trước.

Anh Nguyễn Nam Giang (Cầu Giấy, Hà Nội) làm khu công nghiệp Thăng Long, vừa thất nghiệp được 2 tháng. Anh Giang cho biết, tiền trợ cấp thất nghiệp của anh hiện được 4 triệu đồng mỗi tháng. Mức trợ cấp này không đủ cho anh lo cho gia đình. Vì thế dù biết đi học nghề sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí nhưng anh vẫn không hào hứng.

"Mình là trụ cột của gia đình, giờ mất việc, không đi làm đi học nghề thì lấy đâu tiền lo cho gia đình, nuôi các con ăn học. Trước khi tìm công việc ổn định mình đã đăng ký chạy xe Grab", anh Nam chia sẻ.

Ước đến hết năm 2020, cả nước có hơn 13,3 triệu người tham gia BH thất nghiệp, đạt tỷ lệ hơn 27% lực lượng lao động trong độ tuổi. Theo báo cáo của các địa phương, năm 2020 gần 1,09 triệu người có quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019. Số người được hỗ trợ học nghề chỉ khoảng 26,4 nghìn người, cùng với hơn 2,2 triệu lượt được tư vấn, giới thiệu việc làm.

Cơ sở dạy nghề nói kinh phí vẫn thấp không đủ mua nguyên vật liệu dạy lao động 

Bà Nguyễn Thị Hảo - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội (Hội liên hiệp TP Hà Nội cho rằng dù tăng lên 1,5 triệu đồng, nhưng mức hỗ trợ này vẫn chưa đủ để mua nguyên vật liệu tổ chức dạy học cho lao động.

Theo bà Hảo, hiện nay một số nghề như: Nấu ăn; pha chế; may ren, thêu thùa... nguyên vật liệu rất tốn kém. Mức hỗ trợ này vẫn khá thấp, chưa đáp ứng đủ nhu cầu đóng học phí của học sinh.

Bên cạnh đó, theo bà Hảo việc giảng dạy cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Nhiều lần trung tâm mở lớp dạy nghề miễn phí nhưng lao động không hào hứng.

"Có lần chúng tôi mở các lớp dạy nghề nấu ăn miễn phí cho chị em phụ nữ. Lúc học có tới 35 người, nhưng học được 1 tuần thì rơi rụng hết".

Những vấn đề mà Trung tâm hỗ trợ phát triển Phụ nữ Hà Nội nêu cũng là vấn đề chung mà nhiều cơ sở đào tạo nghề, tư vấn việc làm gặp phải. Ông Vũ Quang Thành - Phó giám đốc trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, lao động và cơ sở đào tạo lúc nào cũng có mong muốn được tăng tiền hỗ trợ dạy nghề. Mức tăng này dù thấp thì đã đáp ứng được một phần kỳ vọng của người lao động. Tuy nhiên, chưa chắc tăng tiền hỗ trợ mà người lao động đã đi học nghề nhiều hơn.

Tăng trợ cấp học nghề cho lao động thất nghiệp:  Lao động, trường nghề vẫn than khó - Ảnh 3.

Nhiều lao động nữ dù được học nghề miễn phí nhưng chỉ sau thời gian ngắn lại bỏ học. Thực tế được ghi nhận từ Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội. Ảnh: I.T

"Vấn đề quan trọng hơn là cần thay đổi chất lượng của hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho lao động thất nghiệp. Từ đó, lao động yên tâm là học xong thì được chuyển đổi công việc, gia nhập thị trường lao động, có thu nhập cao hơn", ông Thành nói.

Để làm được điều này, vấn đề cần thiết nhất lúc này là phải ban hành danh mục nghề được hỗ trợ đào tạo, nhưng danh mục này phải gắn với nhu cầu thị trường lao động, là những ngành nghề "hot" được xã hội trọng dụng. Theo ông Thành, để nâng cao chất lượng học nghề cho lao động thất nghiệp là cần thay đổi nhận thức của người lao động. Chỉ khi người lao động thấy được sự cấp thiết của việc học nghề, tái tham gia thị trường lao động, tức là họ có nguyện vọng thì việc dạy nghề mới đạt được hiệu quả.

"Vấn đề kinh phí hỗ trợ, tư vấn học nghề... tất cả đều phải xếp sau nguyện vọng của người lao động. Có nguyện vọng học nghề thì dù tiền hỗ trợ có thấp, nghề học không nằm trong danh mục hỗ trợ thì lao động vẫn tham gia học nghề", ông Thành nói.

Chính bởi vậy, ông Thành cũng kiến nghị bổ sung thêm danh mục nghề, rà soát tăng cường thêm cho hoạt động tư vấn học nghề, dạy nghề cho người lao động.

Thùy Anh
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem