Tăng trưởnghợp lý, tránh tạo lạm phát

Thứ ba, ngày 22/10/2013 06:47 AM (GMT+7)
Hôm qua (21.10), kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII đã khai mạc tại Hà Nội. Trong kỳ họp cuối năm này, Quốc hội sẽ thông qua nhiều dự luật quan trọng. Đây là kỳ họp dài nhất từ trước đến nay trong nhiệm kỳ khóa XIII, dự kiến kéo dài tới 30.11.2013.
Bình luận 0
Bội chi vượt trần

Trong buổi sáng làm việc đầu tiên, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm (2011-2015) và nhiệm vụ 2014-2015. Báo cáo ghi nhận những điểm sáng trong tình hình kinh tế - xã hội năm 2013.

Trong 15 chỉ tiêu được Quốc hội thông qua, Chính phủ thực hiện 11 chỉ tiêu ước đạt và vượt kế hoạch, 2 chỉ tiêu xấp xỉ đạt và 2 chỉ tiêu không đạt. Thủ tướng khẳng định kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chính phủ đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm từ 18,13% năm 2011 xuống còn 6,81% năm 2012, 9 tháng năm nay là 4,63%, dự báo cả năm 7% (so với kế hoạch khoảng 8%).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo của Chính phủ sáng 21.10.      TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo của Chính phủ sáng 21.10. TTXVN

Tuy nhiên, Chính phủ nhìn nhận nền kinh tế còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, cân đối thu - chi ngân sách khó khăn; đặc biệt là tình hình bội chi ngân sách nhà nước năm 2013 ước chiếm 5,3% GDP. Đây là lần đầu tiên Chính phủ thừa nhận bội chi ngân sách đã vượt trần cho phép mà Quốc hội đề ra từ đầu năm.

Nguy cơ lạm phát tăng trở lại vẫn còn do chưa thực hiện cải cách tiền lương, chưa thực hiện được giá than, điện, y tế, giáo dục... theo giá thị trường; tốc độ tăng CPI vẫn cao hơn tốc độ tăng GDP... Rủi ro trong hoạt động của hệ thống ngân hàng vẫn còn tiềm ẩn; cải cách thể chế chưa đồng bộ, chưa có cơ chế chính sách đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội… An ninh chính trị vẫn còn tiềm ẩn những nhân tố có thể gây mất ổn định. Bảo vệ chủ quyền quốc gia còn nhiều thách thức…

Về kế hoạch năm 2014, Chính phủ trình Quốc hội chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 5,8%. Chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 7%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 10%. Tỷ lệ nhập siêu khoảng 6%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP. Bội chi ngân sách 5,3% GDP. Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động...

Nông nghiệp, nông thôn vẫn bấp bênh


Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013 do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày, bên cạnh việc đồng tình với những đánh giá của Chính phủ, cũng bày tỏ những điểm chưa nhất trí. Báo cáo cho rằng:

Sản xuất nông nghiệp được đánh giá là trụ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần từ 3,3% giai đoạn 2006-2010 dự báo chỉ còn 2,81% trong năm 2013.

Tình trạng sụt giảm mạnh cả về giá và số lượng tiêu thụ, nhất là các sản phẩm lúa, gạo, cá tra, cà phê trong năm 2012 và 9 tháng đầu năm 2013 tiếp tục tác động tiêu cực đến đời sống nông dân và tổng cầu của nền kinh tế. Chính sách mua tạm trữ lúa, gạo chưa cải thiện nhiều. Vẫn còn tình trạng doanh nghiệp không có mạng lưới thu mua trực tiếp từ nông dân mà thông qua thương lái nên tình trạng ép giá mua vẫn xảy ra phổ biến.

Dự kiến, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua 8 dự án luật, trong đó đáng chú ý là Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Việc làm; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua - Khen thưởng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy... và cho ý kiến về 12 dự án luật khác. Quốc hội cũng sẽ thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013); Nghị quyết về dự toán, phân bổ ngân sách T.Ư?năm 2014; Nghị quyết về quy hoạch tổng thể thủy điện...

“Thiếu việc làm ở nông thôn có xu hướng tăng; tỷ lệ thất nghiệp chung theo báo cáo là giảm, nhưng thực chất là do lao động ở khu vực chính thức đã phải chuyển sang làm việc trong khu vực phi chính thức, đồng thời nhiều lao động thiếu việc làm, không có việc làm thường xuyên, thu nhập thấp và thiếu ổn định” - ông Nguyễn Văn Giàu nêu.

Cũng theo báo cáo thẩm tra, về các chỉ tiêu chủ yếu, một số ý kiến đề nghị tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014 chỉ nên ở khoảng 5,5% là mức hợp lý, tránh tạo áp lực lạm phát, bảo đảm giữ được việc làm; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 6%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 30-31% GDP; tăng tín dụng ở mức 14-15%; đầu tư từ ngân sách tăng ít nhất 10%.

Về bội chi ngân sách, đa số ý kiến tán thành đề nghị tăng bội chi ngân sách để bảo đảm tăng trưởng ở mức hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội, tuy nhiên nhấn mạnh phần bội chi tăng thêm cần phải được tập trung cho chi đầu tư phát triển với danh mục công trình cụ thể và có sự giám sát chặt chẽ để bảo đảm hiệu quả cao nhất. Một số ý kiến không tán thành mức bội chi ngân sách 5,3% GDP và đề nghị cắt giảm triệt để chi thường xuyên, tiếp tục giữ dưới 5% GDP để bảo đảm an toàn nợ công và cân đối vĩ mô.

Phương Hà (Phương Hà)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem